Cơ sở phục hồi cho người khuyết tật: Chưa làm đúng chức năng

K.Lê 14/06/2018 06:53

Do thiếu kinh phí, nhân lực nên có không ít bệnh viện phục hồi chức năng và hầu hết các trung tâm điều dưỡng, phục hồi chức năng ở các vùng ven biển chưa phát triển kỹ thuật phục hồi chức năng mà chủ yếu làm công tác nghỉ dưỡng.

Ngoài những nhu cầu giống như người không bị khuyết tật, người khuyết tật (NKT) còn có những nhu cầu đặc biệt về chăm sóc y tế và phục hồi chức năng. Theo thống kê hiện tỷ lệ NKT cần có dịch vụ phục hồi chức năng ngày càng tăng.

Tuy nhiên do thiếu kinh phí, nhân lực nên có không ít bệnh viện phục hồi chức năng và hầu hết các trung tâm điều dưỡng, phục hồi chức năng ở các vùng ven biển chưa phát triển kỹ thuật phục hồi chức năng mà chủ yếu làm công tác nghỉ dưỡng.

Theo Bộ Y tế hiện nay, số NKT vận động có xu hướng gia tăng do tai nạn giao thông, tai nạn lao động và di chứng sau các bệnh: đột quỵ, bệnh lý về thần kinh, xương khớp, bệnh teo cơ... làm gia tăng số NKT dạng này mỗi năm tăng từ 30 đến 40 nghìn người; số trẻ tự kỷ cũng gia tăng, hiện nay có tỷ lệ 1/160 em.

Về lĩnh vực y tế, hiện nay đã có 100% số người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo đã được cấp thẻ BHYT, nhiều người khuyết tật đã được phục hồi chức năng, được cấp các dụng cụ hỗ trợ sinh hoạt, như: chân tay giả, xe lăn, xe lắc, xe đạp, máy trợ thính…

Đáng chú ý hiện trên cả nước có 63 bệnh viện/trung tâm phục hồi chức năng, trong đó có 38 bệnh viện/trung tâm phục hồi chức năng thuộc ngành y tế, có 25 bệnh viện/trung tâm phục hồi chức năng thuộc các bộ, ngành khác. 100% các bệnh viện đa khoa và bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương có khoa phục hồi chức năng.

Tại tuyến tỉnh có 90% các bệnh viện đa khoa, 40% các bệnh viện chuyên khoa có khoa/bộ phận phục hồi chức năng. Có 28/38 bệnh viện phục hồi chức năng hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hoạt động theo quy định tại Thông tư số 46/TT-BYT.

Tuy nhiên, công tác này đến nay vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như: thiếu kinh phí, nhân lực về phục hồi chức năng còn mỏng, nhất là nhân lực có trình độ cao, chuyên sâu còn hạn chế. Một số bệnh viện phục hồi chức năng và hầu hết các trung tâm điều dưỡng, phục hồi chức năng ở các vùng ven biển chưa phát triển kỹ thuật phục hồi chức năng mà chủ yếu làm công tác nghỉ dưỡng.

Để từng bước khắc phục những hạn chế này, nâng cao hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng đặc biệt là với đối tượng NKT, ý kiến nhiều địa phương cho rằng, trong thời gian tới, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan cần tập trung đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sức khỏe về phục hồi chức năng, triển khai thực hiện Thông tư số 18/2016/TT-BYT.

Trong đó cần kiện toàn mạng lưới bệnh viện chuyên khoa phục hồi chức năng trong toàn quốc theo quy định của Thông tư số 46/2014/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế… Đặc biệt cần đẩy mạnh hoạt động phục hồi chức năng cho NKT dựa vào cộng đồng trong đó chú trọng nội dung phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật là trọng tâm.

“Hiện nay, bác sĩ chuyên ngành phục hồi chức năng thiếu rất nhiều trong khi nhu cầu luyện tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng hiện đang có nhu cầu rất lớn. Do đó Bộ LĐTB&XH cần nghiên cứu, xem xét liên kết với một số cơ sở đào tạo của Bộ Y tế để nâng cao chất lượng cũng như số lượng bác sĩ phục hồi chức năng trong các Trung tâm Phục hồi chức năng do Bộ LĐTB&XH quản lý”- ông Nguyễn Văn Lý, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Người khuyết tật Thụy An (Hà Nội) đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ sở phục hồi cho người khuyết tật: Chưa làm đúng chức năng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO