Cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư TP HCM: Nan giải việc di dời

LÊ ANH 29/09/2022 06:58

TP Hồ Chí Minh có kế hoạch di dời khoảng hơn 10.000 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm hoặc không còn phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị kể từ năm 2016, thế nhưng cho đến nay vẫn còn hàng nghìn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp nằm giữa các khu dân cư, gây ô nhiễm chưa được chuyển đi, khiến người dân vô cùng bức xúc.

Một vụ hỏa hoạn tại kho xưởng nằm trong khu dân cư ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM.

Chậm di dời

Ông Nguyễn Đình Hà - người dân sống tại khu phố 3, phường Tân Thới Hiệp (quận 12, TPHCM) cho biết, năm 2013, Công ty TNHH SX-TM-DV Sao Phương Đông đặt cơ sở sản xuất về nhuộm, in trên các sản phẩm vải sợi, dệt may, đan tại khu dân cư TTH02 (thuộc phường Tân Thới Hiệp). Người dân bức xúc phản ánh suốt nhiều năm trời vì phải sống chung với ô nhiễm và tiếng ồn từ cơ sở sản xuất này. “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần đến chính quyền địa phương, mãi đến năm 2019, UBND quận 12 mới di dời cơ sở sản xuất của doanh nghiệp này ra khỏi khu vực dân cư” - ông Hà nói. Theo ông Hà, mặc dù cơ sở sản xuất trên đã di dời khỏi khu dân cư nhưng các hệ lụy về sức khỏe của người dân vẫn còn tồn tại.

Trường hợp vụ cháy kho hóa chất tại chi nhánh Công ty CP An Minh Thức tại xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TPHCM) vào tháng 7/2022 vừa qua là một vụ việc điển hình. Vụ cháy khiến hàng trăm người dân sống xung quanh kho hóa chất phải sơ tán sang nơi khác. Sự cố cũng đã khiến ông T.V.T. (52 tuổi, chủ nhà trọ nằm liền kề khu hóa chất) tử vong sau thời gian điều trị tại bệnh viện. Sau sự cố, Sở Công thương TPHCM đã tham mưu UBND thành phố yêu cầu huyện Bình Chánh xử lý triệt để, kiên quyết không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh tồn trữ, san chiết hóa chất nằm trong các khu dân cư trên địa bàn.

Trước đó, một nhà máy của Công ty CP giấy Xuân Đức đóng tại phường Phước Long (TP Thủ Đức) cũng liên tục bị người dân địa phương phản ánh, khiếu nại về tình trạng xả thải, gây tiếng ồn suốt ngày, đêm. Vụ việc kéo dài nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm, dẫn đến đỉnh điểm người dân kéo đến treo băng rôn phản đối và yêu cầu nhà máy phải có giải pháp xử lý vấn đề ô nhiễm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư dù đã họp tổ dân phố nhiều lần, cả chính quyền phường và quận đều tham mưu di dời nhưng quá trình các cơ sở sản xuất hoàn tất việc chuyển về các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) tập trung vẫn rất chậm. Một số nơi như cụm cơ sở sản xuất thuộc phường Đông Hưng Thuận (quận 12) và cụm cơ sở nhuộm và in (phường Bình Hưng Hòa) dù hình thành tự phát, gây ô nhiễm môi trường nhưng đến nay vẫn còn hàng chục cơ sở chưa hoàn tất thủ tục di dời.

Chỉ tính riêng phường Đông Hưng Thuận (quận 12, TPHCM) có tới hơn 40 cơ sở sản xuất may mặc, sắt thép, dệt nhuộm… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ năm 2015 cho đến nay nhưng vẫn chưa di dời, nhiều cơ sở vẫn cố tình bám trụ tại các khu dân cư, khiến người dân luôn phải sống trong bất an, lo lắng.

Giám sát tiến độ di dời

Từ những năm 2016-2020, UBND TPHCM đã tạo hành lang giám sát, phản biện trong lĩnh vực tài nguyên môi trường cho các cơ quan giám sát gồm HĐND TPHCM và Ủy ban MTTQ TPHCM, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư trong nhóm 14 ngành nghề bắt buộc phải di dời về các KCN, KCX tập trung của thành phố.

Theo kế hoạch, TPHCM tiếp tục di dời các cơ sở sản xuất vừa, nhỏ và siêu nhỏ đang xen cài tại các khu dân cư ra ngoại thành hoặc các KCN, KCX tập trung. Trong kế hoạch di dời hơn 10.000 cơ sở sản xuất không còn phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị kể từ 2016, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ cháy nổ cao sẽ ưu tiên di dời, gồm nhóm ngành về vật liệu xây dựng, cơ sở dệt nhuộm, hóa chất, cơ khí, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm,…Thành phố cũng khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất tự di dời đến vị trí mới phù hợp theo quy hoạch để hoạt động ổn định và phát triển lâu dài.

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM cho biết, từ năm 2016, TPHCM đã lên kế hoạch di dời hơn 10.000 cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư. Đây là nhóm các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, khiến người dân rất bức xúc, bên cạnh đó chính quyền thành phố cũng nhận thấy các cơ sở sản xuất này tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ và cũng không còn phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị của TPHCM. Các cơ quan giám sát như MTTQ và các Đoàn giám sát việc triển khai và kết quả thực hiện Chỉ thị 19 của Ban thường vụ Thành ủy TPHCM về các vấn đề ô nhiễm môi trường và giảm ngập nước đã thường xuyên giám sát tại cơ sở, từ đó cũng đã giúp đẩy nhanh hơn quá trình di dời các cơ sở sản xuất xen cài khu dân cư. “Dù vậy, hiện vẫn còn hàng trăm các nhà máy, xí nghiệp quy mô nhỏ và hàng nghìn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm ở các khu dân cư vẫn chưa được di dời” - ông Ninh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư TP HCM: Nan giải việc di dời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO