Có thể bầu trực tiếp bí thư tại đại hội cấp trên?

H.Vũ 04/07/2020 08:20

“Việc bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội là đúng nhưng tiến tới có thể giới thiệu 2 người để bầu. Hiện nay chủ trương vẫn giới thiệu 1 người để bầu".

Bỏ phiếu bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội cấp trên (Đảng bộ phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương).

Theo Ban Tổ chức Trung ương, tính đến ngày 20/6/2020, đã có 94% tổ chức cơ sở đảng trên toàn quốc tổ chức đại hội, trong đó có 1.665 đại hội bầu trực tiếp bí thư- tính đến hết ngày 30/6 đạt 99,75%.

Yên Bái, Thái Bình, Quảng Ninh là những đảng bộ đã hoàn thành sớm nhất việc tổ chức đại hội cấp cơ sở. Đặc biệt, 85 đảng bộ cấp trên cơ sở đã tổ chức đại hội trong đó có 54 đại hội điểm, 33 đại hội bầu trực tiếp Bí thư.

Hà Nội, Yên Bái, Quảng Ninh là những đảng bộ theo dự kiến có tỷ lệ đại hội cấp trên cơ sở bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội cao trong cả nước.

Thời qua, nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước đã tiến hành thành công đại hội Đảng cấp cơ sở và một số đại hội cấp huyện. Từ các đại hội này, điều mà dư luận, cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm nhất hiện nay là bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội.

Dư luận quan tâm là bởi từ trước đến nay đa số đại hội Đảng các cấp tiến hành bầu cử theo cơ chế đại hội bầu Ban chấp hành khóa mới. Sau đó Ban chấp hành khóa mới lựa chọn và bầu Bí thư trong số cấp ủy viên vừa trúng cử.

Với phương thức bầu cử này, có ưu điểm là bầu được người nằm trong phương án nhân sự, nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao của các thành viên cấp ủy khóa mới. Tuy nhiên, cơ chế bầu không có số dư cũng ít nhiều làm giảm tính cạnh tranh trong bầu cử, phạm vi hẹp chỉ trong các thành viên cấp ủy khóa mới.

Do đó việc bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội được các đại biểu dự đại hội cũng như được cán bộ, đảng viên và nhân dân rất quan tâm. Và gần đây nhất Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên đề xuất xin Trung ương bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại đại hội.

Ông Lê Nam, ĐBQH khóa XIII cho rằng: Bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội cấp cơ sở đã diễn ra từ lâu. Rất nhiều nơi tại các tỉnh đã bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội cấp cơ sở và cấp huyện, còn cấp tỉnh thì chưa.

Theo ông Nam, bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội là việc tốt vì mở rộng dân chủ hơn, là quá trình kiểm soát đánh giá chất lượng nhân sự tốt hơn so với việc chỉ do Ban Chấp hành khóa mới bầu. Bởi hàng trăm đại biểu bầu sẽ khác với Ban Chấp hành chỉ vài chục người. Ông Nam cũng cho rằng, đây là việc đã làm thí điểm nhiều năm, nhiều khóa và giờ là lúc chín muồi.

Vẫn theo ông Nam, lựa chọn người “thủ lĩnh” trong Đảng bộ nhưng thực chất cũng là “thủ lĩnh” tại địa phương. Do đó cần phải tiếp tục đổi mới công tác nhân sự.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: Nhân sự là vấn đề khó. Vừa qua có nơi phải dừng lại vì vi phạm về bầu cử, mất dân chủ. Mới đây, tại cấp cơ sở có xảy ra trường hợp Bí thư, Chủ tịch không trúng vào Ban Chấp hành Đảng bộ. Cho nên đây là vấn đề cần thận trọng, tính toán kỹ để đảm bảo thắng lợi.

Theo ông Dĩnh: Thành công của đại hội cũng là thành công chung của công tác tổ chức cán bộ, xây dựng Đảng. Vì thế cần làm thận trọng kỹ càng.

“Việc bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội là đúng nhưng tiến tới có thể giới thiệu 2 người để bầu. Hiện nay chủ trương vẫn giới thiệu 1 người để bầu, đã làm kỹ trải qua quy trình 5 bước sau đó mới giới thiệu 1 người. Do đó, tới đây có thể tiến tới giới thiệu 2 người để bầu”- theo ông Dĩnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có thể bầu trực tiếp bí thư tại đại hội cấp trên?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO