Cổ vật đình, chùa liên tục bị đánh cắp

Dương Khánh 06/03/2016 00:42

Chỉ tạm lắng xuống được vài năm, cuối năm 2015, đầu năm 2016 tình trạng mất cắp cổ vật, đồ thờ trong các đình, chùa, đền miếu lại trở nên đáng báo động. Có điều đáng nói là, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, dù một số nhà chùa đã có phương án bảo vệ, song đa phần việc trông coi, quản lý di tích rất lỏng lẻo. Điều đó khiến nhiều cổ vật, đồ thờ đã bị xâm hại.

Cổ vật  đình, chùa liên tục bị đánh cắp

Chùa Bổ Đà bị kẻ xấu đột nhập từ cổng phụ lấy đi chóe cổ và 4 lục bình.

Cổ vật “chảy máu”

Chùa Kim Long ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) bị mất tới 39 pho tượng quý, có niên đại 300 năm đã khiến các phật tử trong khu vực bàng hoàng. Cả một kế hoạch được sắp đặt trước, kể cả dò đường, thời điểm đột nhập của kẻ xấu cũng đã khiến nhiều nhà tu hành khác lo lắng. Hay như một chuyện tưởng chừng khó có thể xảy ra, nhưng đã diễn ra ở chùa Thổ Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang).

Số là, sau mùa lễ hội, 17 cụ trong làng thức đêm kiểm đếm tiền công đức. Ban đêm, các cụ ông đã ngủ lại chùa, ngay cạnh tượng Phật. Thế nhưng kẻ trộm đã đưa cả máy cẩu vào, dỡ ngói, cắt dui và đòn tay để cẩu trộm pho tượng Phật quý hiếm. Đến khi các cụ ông tỉnh lại, thì thấy tượng quý “không cánh mà bay”.

Thực tế thì ở rất nhiều nơi đồ nhà chùa cũng bị trộm. Như ở Bắc Giang có chùa Bổ Đà- di tích quốc gia đặc biệt tại xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên bị mất 1 chóe cổ, 4 lục bình; chùa Ninh Khánh, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên mất tượng cổ. Nhiều chùa ở Lục Nam, Yên Dũng cũng bị xâm hại nghiêm trọng.

Tại Hà Nội, chùa Nền, tọa lạc tại phường Láng Thượng-quận Đống Đa cũng mất 1 văn bia cổ, 4 bức tượng, 4 sắc phong; chùa Đa Sỹ (Hà Đông) bị trộm đột nhập tới ba lần; chùa Phù Lưu (huyện Ứng Hòa) bị mất chuông đồng 103 kg và nhiều đồ thờ quý giá khác.

Tại huyện Tuy Phước (Bình Định), 6 ngôi chùa đã bị mất cổ vật trong một thời gian ngắn.

Khảo sát ở các di tích, có thể nhận thấy sự lỏng lẻo, hớ hênh và thiếu cảnh giác trong công tác an ninh tại các di tích. Đa phần các công trình nằm ở những khu vắng vẻ, xa dân cư, thậm chí có nơi chỉ khóa cửa để đấy không có người trông coi. Lại có di tích cửa đang mục hỏng nhiều chỗ, vô hình trung tạo điều kiện cho kẻ trộm tung hoành.

Riêng tại chùa Bổ Đà (Bắc Giang), đại đức Tự Tục Vinh, trụ trì đã lắp hệ thống camera, đồ quý cũng để vào gian riêng, nhưng vẫn bị lấy trộm. Quan sát toàn bộ, nhận thấy khuôn viên chùa rộng, tứ bề cây cối rậm rạp, nhiều cổng phụ, tường đất cổ bao quanh khá thấp, người lại rất dễ “chui” vào.

Trao đổi với phóng viên, đại đức Tự Tục Vinh lo lắng: “Năm 2009 vào buổi trưa, kẻ trộm vào lấy đi sáu pho tượng. Chúng tôi đã thực hiện cảnh giác, cũng đề nghị chính quyền cùng bảo vệ chùa. Nhưng họ không được thường xuyên. Hiện nay vẫn chưa có Ban quản lý di tích. Di tích rộng, chỉ riêng chúng tôi thì bảo vệ làm sao cho nổi”.

Cổ vật  đình, chùa liên tục bị đánh cắp - 1

Chùa Ninh Khánh kẻ gian phá cửa sổ vào trộm.

Trách nhiệm chưa rõ ràng

Thời gian gần đây nhiều đối tượng lập trang mạng xã hội mua cổ vật. Điều đó đã khiến những kẻ hám lời bất chấp mọi thủ đoạn, xâm hại nơi linh thiêng. GS Trần Lâm Biền chỉ ra, từ nhiều năm qua nạn trộm cắp cổ vật đình, đền, chùa đã diễn ra. Có lúc tạm lắng xuống. Song nguyên nhân cũng vì mất cảnh giác, nhiều địa phương ý thức bảo vệ di tích còn kém.

Theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các quy định về bảo vệ di sản đã được quy định rất rõ. Theo đó, Sở VH,TT&DL tỉnh thành cần phân công trách nhiệm cho cán bộ cơ sở cấp huyện, xã. UBND các xã phải thành lập Ban quản lý di tích, cùng có phương án bảo vệ di tích. Song ở nhiều địa phương, cấp xã, huyện chưa có Ban quản lý di tích.

Điển hình như ở Bắc Giang, trong những năm qua đã xảy ra hơn 50 vụ trộm cắp cổ vật trong di tích linh thiêng, song lực lượng công an vẫn chưa hề khá phá ra một vụ án nào đáng kể. Công tác phối hợp bảo vệ, tuyên truyền còn sơ sài, đôi khi theo phong trào và chạy theo bệnh thành tích. Ví dụ như cấp trên chỉ nghe cấp dưới báo cáo đã thành lập Ban quản lý, nhưng thực tế nó mới dừng mở mức độ… ý tưởng.

Ông Nguyễn Viết Cường- Trưởng phòng Quản lý di tích (Cục Di sản văn hóa) cho biết: Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đã được gửi thường xuyên đến các tỉnh, thành phố. Thế nhưng việc quản lý di tích vẫn xảy ra thiếu xót. Có thể nói, về cơ chế, kinh phí đã không đủ để ban quản lý di tích cấp cơ sở hoạt động thường xuyên.

Ông Cường cũng nhắc lại các quy định: Giữa UBND cấp xã với tổ chức quản lý di tích, hoặc người được giao trông coi phải có văn bản ký kết về trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trên địa bàn. Không khoán trắng trách nhiệm bảo vệ cho nhân dân địa phương hoặc người được giao trông coi di tích.

Cổ vật  đình, chùa liên tục bị đánh cắp - 2

Cũng phải nhìn nhận, một số di tích mất cổ vật là do… chính người trông coi. Như ở chùa Nền (quận Đống Đa, Hà Nội), liên quan đến nhà sư trụ trì. Chính các phật tử đã nhiều lần đệ đơn kêu cứu, và cơ quan chức năng mới vào cuộc. Về vấn đề này, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cho rằng, chính quyền địa phương cần có những nỗ lực hơn cùng Giáo hội Phật giáo, cụ thể hơn là trụ trì, lực lượng công an trông coi di tích, bảo vệ cổ vật, không thể khoán trắng cho các cụ già và nhà chùa.

Nhiều trụ trì, cán bộ văn hóa kiến nghị về cơ chế trong thành lập Ban quản lý di tích và cắt cử người trông coi. Bởi nếu chỉ trông vào nhà chùa, những cụ già bảo vệ di sản, thì nguy cơ bị đột nhập là rất cao. Thậm chí có nhà sư thốt lên rằng, ở đền chùa chỉ có hai người, đều là nữ, việc bảo vệ tính mạng còn khó huống hồ bảo vệ di sản.

Rõ ràng, công tác bảo vệ di tích, cổ vật còn nhiều bấp cập. Buộc các lực lượng chức năng, cán bộ cơ sở phải sát sao hơn, cùng với nhà chùa tìm phương án trưng bày, bảo vệ hữu hiệu. Không để tình trạng “mỡ treo miệng mèo”, để kẻ gian có điều kiện lấy trộm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cổ vật đình, chùa liên tục bị đánh cắp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO