Cổ vật nào cần hồi hương?

Tống Phước Anh 03/12/2021 16:13

Thi thoảng, câu chuyện làm gì để cổ vật hồi hương lại được nêu ra, cho thấy mối quan tâm của xã hội về những hiện vật đang trôi dạt ở xứ người. Quan tâm cũng là điều tốt, và nếu có điều kiện, càng nhiều cổ vật hồi hương càng tốt. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, không phải nhất thiết cổ vật nào cũng cần hồi hương…

Chiếc mũ quan triều Nguyễn vừa được đấu giá với giá 600.000 euro (16 tỷ đồng).

Câu chuyện gần đây được nhiều người quan tâm, đó là phiên đấu giá một số cổ vật triều Nguyễn của nhà Balclis, Tây Ban Nha. Phiên đấu giá diễn ra dưới hình thức trực tiếp và online, hôm 28/10. Trên website của Balclis, thông tin vật phẩm được giới thiệu rất ngắn gọn: “Mũ quan Việt Nam thời Nguyễn, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20”. Mũ đi kèm hộp gỗ sơn son thếp vàng chạm trổ hoa văn, tình trạng khá mới, chỉ hư hỏng nhẹ.

Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng cổ vật cung đình Huế, chiếc mũ có niên đại cuối thế kỷ 19, có cả hộp đựng mũ bằng gỗ sơn son thếp vàng. Quan sát qua ảnh chụp thấy còn khá tốt, lớp sơn son thếp vàng còn sáng đẹp, chi tiết chạm trổ rất sống động.

Còn theo ông Vũ Kim Lộc - nghệ nhân phục chế mũ thời chúa Nguyễn, chiếc mũ này là loại phốc tròn thuộc về Văn ban, thân mũ được kết bằng lông đuôi ngựa theo kiểu kết kép là dùng 2 lông làm thành một dây để kết. Mặt trước phía trên là 1 bác sơn, tiếp đến là 2 hoa, 2 giao long, dưới cùng là trang sức kim ngạch tường và dây kim nhiễu tuyến. Ở mặt hai bên, mỗi bên trang trí 1 kim khóa nhãn. Mặt sau gồm 2 hoa, 2 giao long, 2 kim như ý. Còn 2 cánh chuồn, ở đầu mỗi cánh được bịt 2 trang sức, giữa mỗi cánh trang trí 2 giao long. Tất cả đều được làm bằng vàng và đều được lót phía sau một miếng vải đỏ. Đối chiếu với quy định trong “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” và đối chiếu các trang sức của mũ đây với các trang sức ở mũ hiện tồn như mũ của Đô Thống chế Lê Văn Phong, Thống chế Thoại Ngọc Hầu, Thiên Vương Thống chế… thì chiếc mũ được đấu giá có nhiều điểm khác lạ. “Bác sơn” thay vì diềm phía dưới là văn sóng nước để cùng với văn mây ở diềm trên tạo thành đề tài giao long chầu hoa cúc, thì mũ này lại được thay bằng văn cánh hoa. Điều đặc biệt nhất là chiếc mũ dư ra 2 giao long. Vì vậy, ông Lộc cho rằng chủ nhân của chiếc mũ được đặc ân chưa có tiền lệ.

Cũng theo nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc, hộp bằng gỗ được sơn son thếp vàng có hoa văn tứ linh.

Tuy nhiên, điều khiến giới sưu tập cổ ngoạn “choáng váng”, đó là giá khởi điểm được giới thiệu hôm 20/10, chỉ 500 euro, ngay sau đó cứ tăng dần vào những ngày sau đó, đạt 70.000 euro khi bắt đầu phiên đấu ngày 28/10, và giá gõ búa là 600 nghìn euro (16 tỉ đồng, chưa tính 25% thuế và phí).

Nhiều nhà sưu tập bày tỏ “ngoài sức tưởng tượng”, “giá cao khủng khiếp”, “không thể hiểu nổi” về giá “chốt” này.

Ngay sau phiên đấu giá, giới sưu tập cổ vật quan tâm tới chủ nhân “bí ẩn” thắng trong phiên đấu chiếc mũ và hộp đựng mũ quan triều Nguyễn? Sự quan tâm này đã dần được giới truyền thông làm sáng tỏ. Theo đó, người đấu giá online mang mã số 5496 là một doanh nhân người Việt rất yêu và tâm huyết với Huế. Bởi tình yêu ấy, vị doanh nhân này đã quyết tâm đấu giá cho bằng được chiếc mũ quan giá trị này để mang cổ vật trở lại cho đất nước. Nhiều khả năng thời gian tới, người này cũng sẽ hiến tặng cổ vật này cho cố đô Huế.

Một số ý kiến cho rằng, đối với những cổ vật quý, có giá trị văn hóa, lịch sử thì các cơ quan quản lý văn hóa của các địa phương hay cơ quan quản lý văn hóa cấp quốc gia cần sớm có kế hoạch để đưa cổ vật hồi hương. Tuy vậy, cơ quan nhà nước lại có cái khó nhất định. Có thông tin cho rằng, ngay khi chiếc mũ quan triều Nguyễn đưa lên đấu giá, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng chỉ theo dõi chứ không thể đấu vì giá quá cao.

Theo TS Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tư nhân muốn tham gia đấu giá chỉ cần có tiền, dự đấu giá, quyết định mua hay không. Còn cơ quan nhà nước luôn phụ thuộc vào quy trình có tính nguyên tắc từ kế hoạch, đánh giá, lựa chọn, báo cáo, tham khảo khung pháp lý đầy đủ và dự toán đến phê duyệt kinh phí... Đó là những rào cản nhất định trong cuộc hồi hương cổ vật, nên rất khó mua được cổ vật đấu giá ở nước ngoài.

Việc cổ vật Việt Nam “được giá”, thậm chí “giá cao chót vót” trong thời gian gần đây, giới sưu tầm bình luận, đó là tín hiệu vui. Tuy nhiên, đó cũng lại chính là “chướng ngại vật” để cổ vật Việt khó có cơ hội hồi hương bởi không phải ai cũng có sẵn tiền để lao vào “cuộc đua”. Mà theo dự doán của giới chuyên gia, giá cổ vật Việt trong thời gian tới còn tăng cao tại các sàn mua bán, đấu giá quốc tế.

Một số chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, để chúng ta không phải luôn “chậm chân” khi mua cổ vật Việt Nam ở nước ngoài và để có thể “hồi hương” những cổ vật ấy, Nhà nước nên có những chính sách hợp lý và thông thoáng. Theo đó, cần ban hành những văn bản pháp lý cho phép các tổ chức và cá nhân ở Việt Nam tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài, cần có một thị trường mua bán cổ vật hợp pháp ở trong nước, được Nhà nước thừa nhận và được bảo trợ bởi hệ thống pháp lý chặt chẽ nhưng thông thoáng. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để những nhà đấu giá danh tiếng như: Sotheby’s, Christie’s, Butterfield, Nagel Auction… tham gia đầu tư vào thị trường đấu giá cổ vật và mỹ thuật ở Việt Nam. Các bảo tàng công lập cũng nên có những chuyên gia theo dõi sát các cuộc mua bán và các phiên đấu giá cổ vật để sớm có những thông tin cần thiết.

Hộp gỗ đi kèm mũ quan triều Nguyễn.

Song, cũng có ý kiến cho rằng, không phải cổ vật gì cũng cần hồi hương. Ông Trần Đình Sơn - chuyên gia cổ vật, tác giả nhiều sách về cổ vật Việt và là một nhà sưu tầm cổ vật lớn trong nước - là một trong số đó. Ông bày tỏ công khai trên truyền thông: ​“Vấn đề mua cổ vật Việt từ nước ngoài về lại Việt Nam, theo tôi cần phải được nhìn nhận lại, để tránh trường hợp người ta đi từ cực đoan này đến cực đoan khác. Trước đây, những đồ vật kia từng được xem là di sản phong kiến hủ bại, đốt bỏ đập phá chẳng thương tiếc gì. Khi thì người ta lại đòi mua khắp nơi trên thế giới đem về. Có người lại cho rằng cổ vật Việt thì Nhà nước phải mua hết đem về bảo tàng. Tiền đâu mà mua cho nổi”.

Về phiên đấu giá chiếc mũ triều Nguyễn vừa rồi, nhà sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn cũng bày tỏ: “Ước gì chiếc mũ đấu giá cực cao vừa rồi và nhiều cổ vật Việt khác nữa, được người nước ngoài trúng đấu giá, vào tay những bảo tàng, những nhà sưu tầm càng nổi tiếng càng tốt”.

Theo ông Sơn, cổ vật Việt, trừ những hiện vật lịch sử - văn hóa quan trọng, có giá trị rất cao, thì cần phải tìm mọi cách đưa về lại Việt Nam; số còn lại, cứ để cho người các nước mua bán, sưu tầm với giá càng cao càng mừng, nằm trong các bộ sưu tập càng nổi tiếng càng tốt. Vì đó là cách làm tăng giá trị cổ vật cũng như văn hóa Việt Nam trên thế giới. Vào tay nhà sưu tập chuyên nghiệp, các bảo tàng lớn, đó cũng là cách lưu giữ rất tốt cổ vật Việt Nam. Điều quan trọng, cổ vật đó nằm ở đâu thì cũng là sản phẩm “made in Việt Nam”.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn chỉ ra một thực tế, chúng ta đang có hệ thống cổ vật quý hiếm, đại diện cho hầu hết các giai đoạn lịch sử trong các bảo tàng từ Bắc đến Nam, hiện vẫn chưa trưng bày hết. Ở Huế, cổ vật triều Nguyễn có nhiều món vô cùng quý hiếm vẫn còn cất trong kho, vì chưa xây được một bảo tàng trưng bày bài bản. “Như thế, tốn nhiều tiền để mua món đồ quý về, trong khi nhiều đồ quý trong kho vẫn nằm im lìm, thì hồi hương thêm nữa mà làm gì?”, ông Sơn đặt vấn đề.

Rõ ràng, đây là một sự thật. Chúng ta hiện sở hữu rất nhiều cổ vật quý hiếm song chưa có chỗ để trưng bày hết, chưa có cách khai thác, quảng bá hết những di sản văn hóa này. Chính vì thế, nếu chỉ đưa cổ vật hồi hương, rồi lại cất kho và không chú trọng công tác bảo quản, không đưa ra trưng bày quảng bá, thì việc cổ vật hồi hương cũng không có mấy giá trị. Rộng hơn, cần có chiến lược xác định danh mục cổ vật hồi hương để đầu tư đúng, trúng, tránh lãng phí.

Việc cổ vật Việt Nam “được giá”, thậm chí “giá cao chót vót” trong thời gian gần đây, giới sưu tầm bình luận, đó là tín hiệu vui. Tuy nhiên, đó cũng lại chính là “chướng ngại vật” để cổ vật Việt khó có cơ hội hồi hương bởi không phải ai cũng có sẵn tiền để lao vào “cuộc đua”. Mà theo dự doán của giới chuyên gia, giá cổ vật Việt trong thời gian tới còn tăng cao tại các sàn mua bán, đấu giá quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cổ vật nào cần hồi hương?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO