Cố ý làm trái

Kiên Long 07/12/2015 10:16

“Làm một công dân tốt còn hơn một cán bộ tồi”- lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ với cử tri TP Hồ Chí Minh trong cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội vừa qua đã làm không ít người trăn trở. Thực tế thời gian qua đã có không ít “cán bộ tồi”, với nhiều hành vi tiêu cực, tham nhũng. Nhiều vụ án được phanh phui với các hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, lộ ra việc nhiều cán bộ không chỉ vô tình, mà chủ yếu lại là “cố ý làm trái”, vi phạm pháp luật vì lợi ích riêng, thể hiện đạo đức

Cố ý làm trái

Hành vi “cố ý” không chỉ là vấn đề pháp luật hình sự, quyết định cho việc định hướng phân xử tội phạm mà còn rất được coi trọng trong việc xây dựng đạo đức xã hội, đạo đức cán bộ. Người nhận thức rõ hành vi của mình, thấy trước hậu quả của hành vi, dù mong muốn hay dù không mong muốn nhưng vẫn để mặc cho hậu quả xảy ra đều phạm tội. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo đủ sức đủ tài, hết lòng vì đất nước, vì tập thể, không vì lợi ích riêng, là những công dân tốt, cán bộ tốt là việc rất khó nhưng phải làm. Không chỉ là hình thức, mà phải bằng những việc làm cụ thể.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa có kết luận điều tra xung quanh sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng. Trong số 50 bị can bị khởi tố về 3 tội danh: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”(Điều 165BLHS); “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”(Điều 179 BLHS) và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 285 BLHS), thì có đến 14 bị can bị truy tố về 2 tội , và 27 bị can bị khởi tố về tội “Cố ý...”. Như vậy có 41/50 bị can đã phạm tội “Cố ý...”. Và rồi, với sự cố ý, cố tình của các “cán bộ” này, đứng đầu là “ông chủ” Phạm Công Danh đã làm thiệt hại cho Nhà nước, cho dân số tiền lên đến 9.000 tỷ đồng.

Cũng mới đây thôi, TAND TP HCM đã đưa ra xét xử vụ án Dương Thanh Cường và đồng phạm làm thất thoát 966 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh 6 (Agribank CN6). Đây là một trong 8 đại án tham nhũng được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất, chỉ đạo đưa ra xét xử trước Đại hội Đảng. Trong số 11 bị cáo có đến 6 người nguyên là Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc các công ty. Những “cán bộ” này đều đã phạm tội “ Vi phạm quy định...”, “Lợi dụng chức vụ...”, “Vi phạm quy định...” , “Cố ý làm trái...”, với hành vi cố ý. Đây cũng là hình thức phổ biến trong nhiều vụ án, vụ đại án vừa qua.

Phòng, chống tham nhũng- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu, đây là vấn đề không mới nhưng rất thời sự. Tính thời sự thể hiện như các vụ án xảy ra với những hậu quả: Tài sản của dân, của nước liên tục bị thất thoát, chiếm đoạt từ những hành vi cố ý vi phạm, cố ý tham nhũng chủ yếu của cán bộ có chức, có quyền. Cán bộ có chức quyền càng cao, thao túng càng lớn, càng cố tình vi phạm với các âm mưu tham nhũng thì hậu quả thất thoát càng lớn, càng nghiêm trọng. Những năm qua đã liên tục xảy ra các vụ đại án mà số tiền thất thoát, bị chiếm đoạt rất lớn, không ít vụ lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Trong khi đó, kinh tế khó khăn, đồng tiền làm ra thật không dễ dàng. 5 năm qua (2011-2015), tỷ lệ thu ngân sách nhà nước trên GDP không tăng, còn có xu hướng giảm từ 27 xuống 21%, nợ công tăng, đời sống người dân khó khăn. Mặc dù Đảng, Nhà nước có nhiều có gắng với những biện pháp tích cực đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục tăng trưởng, nhưng những thách thức tới đây cũng rất lớn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng đã phân tích, kinh tế thế giới phục chồi chậm và còn nhiều khó khăn; tình hình phức tạp, căng thẳng, rất khó lường ở khu vực và trên thế giới; sự cạnh tranh rất quyết liệt, gay gắt trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập quốc tế sâu rộng, và nền kinh tế phát triển chưa thật bền vững, sức cạnh tranh của nền kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam chưa cao... Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5 năm tới đây từ 6,5-7%/năm đòi hỏi đặt ra nhiều cố gắng, nhất là với đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo phải năng động, hết lòng vì nước, vì dân để huy động thu từ nội địa, tiết kiệm chi tiêu, hoàn thành các mục tiêu phát triển...

Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo đủ sức đủ tài, hết lòng vì đất nước, vì tập thể, không vì lợi ích riêng- không chỉ là những công dân tốt, mà là những cán bộ tốt là việc rất khó nhưng phải làm. Không chỉ là hình thức, mà phải bằng những việc làm cụ thể. Năm 2016 sẽ là năm Nhà nước quyết tâm tiến hành giảm biên chế ở các bộ ngành, đơn vị. Với 4.139 biên chế sẽ giảm ở các bộ ngành, địa phương, nhất là giảm các cấp phó, sẽ là một đợt “làm” mạnh. Riêng TP.HCM đang quyết tâm giảm đến gần 14.000 biên chế.

Liệu mục tiêu giai đoạn 2015-2021 biên chế có giảm được 10%, tức mỗi năm mỗi cơ quan, đơn vị phải giảm ít nhất trên 1,5%? Và vấn đề đặt ra làm sao phải giảm, loại ra khỏi đội ngũ được những kẻ thoái hóa biến chất, không làm được việc, luôn vì lợi ích riêng, những con sâu luôn nhăm nhe, cố ý đục khoét cái thân cây chưa lấy gì làm to lớn, vững chắc của nền kinh tế nước ta.

Hành vi “cố ý” không chỉ là vấn đề pháp luật hình sự rất quan tâm, quyết định cho việc định hướng phân xử tội phạm mà còn rất được coi trọng trong việc xây dựng đạo đức xã hội, đạo đức cán bộ. Người ta nhận thức được hành vi của mình, thấy trước hậu quả của hành vi, dù mong muốn hay dù không mong muốn nhưng vẫn để mặc cho hậu quả xảy ra đều phạm tội.

Một nông dân cố tình dùng chất cấm để chăn nuôi, hay một cán bộ cố ý làm trái đều rất cần phải bị lên án. Đặc biệt cần phải làm mạnh, phát hiện, thanh lọc khẩn trương những con sâu lớn, không để chúng leo cao, luồn sâu đục khoét như kiểu “ông chủ” Phạm Công Danh, khoét đi đến 9.000 tỷ đồng, những hậu quả mà công sức của không biết bao nhiêu người sau đó mới hàn gắn được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cố ý làm trái

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO