Cởi trói thủ tục hành chính cho thương mại điện tử

Quốc Định 20/08/2020 07:45

Theo đánh giá mới đây của một công ty chuyên nghiên cứu thị trường, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam được đo lường đạt mức 35% mỗi năm, nhanh hơn thị trường Nhật Bản 2,5 lần. Trong năm 2020, tỷ lệ người mua sắm Việt được dự đoán tăng 52%, nâng tổng doanh thu lên đến 10 tỷ USD.

Cũng theo công ty này, thị trường TMĐT ở Việt Nam trải qua nhiều thay đổi trong giai đoạn cách ly xã hội bởi dịch Covid-19 và khi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng thay đổi các thứ tự ưu tiên. Cũng từ sự chuyển biến này, mới thấy sự cần thiết của các website TMĐT luôn phải nhanh nhạy và nắm bắt xu hướng thị trường. Tuy nhiên, giới chuyên gia bày tỏ lo ngại hoạt động bán hàng trực tuyến (online) cũng như các website TMĐT của các doanh nghiệp (DN) nội địa sẽ khó phát triển thành công nếu như khâu hoạch định chính sách thiếu đi sự cởi mở.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, có sự chậm trễ và lúng túng trong việc ban hành văn bản pháp luật nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn cho kinh doanh trực tuyến. Nhất là khi các hiệp định thương mại như Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… có tính thông thoáng hơn, đang tạo ra khung pháp lý thuận lợi cho việc kinh doanh trực tuyến. Thế nhưng trong hoạch định chính sách và ban hành văn bản pháp luật vẫn còn những khúc mắc với DN.

Cụ thể nhất về vướng mắc trong quản lý nhà nước được thể hiện rõ ở Điều 36.1 Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Theo đó, quy định tất cả các sàn TMĐT, bất kể quy mô, đều phải thực hiện thủ tục cấp phép trước khi hoạt động. Nhiều DN phản ánh phương thức quản lý các sàn TMĐT lớn, nhỏ như nhau là chưa hợp lý do việc này khiến các sàn TMĐT nhỏ hoặc mới phát hành thử nghiệm (startup) bị quản lý quá chặt.

Thực tế, mặc dù cả nước có khoảng gần 1000 sàn TMĐT được cấp phép, nhưng chỉ cần 20 sàn TMĐT lớn nhất đã chiếm đến 86% tổng doanh thu, còn lại đa phần là các sàn nhỏ. VCCI mong muốn nên có cơ chế quản lý theo hướng giảm bớt các thủ tục đối với các sàn TMĐT nhỏ. Các sàn TMĐT nhỏ chỉ phải thực hiện thủ tục thông báo khi bắt đầu hoạt động, và chỉ phải thực hiện thủ tục cấp phép khi đã phát triển đến một ngưỡng nhất định.

Hoặc như chính sách về quản lý hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng trên môi trường điện tử. Dư luận bày tỏ sự đồng tình với mục tiêu của chính sách, do việc áp dụng các biện pháp để quản lý hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng, từ đó giúp phát triển TMĐT bền vững. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp quản lý cần được cân nhắc để tránh tạo những bất lợi không cần thiết cho việc phát triển của TMĐT.

Theo giới chuyên gia, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và khâu hoạch định chính sách trong việc thúc đẩy TMĐT và kinh tế số không chỉ dừng lại ở việc ban hành các văn bản tháo gỡ các khó khăn nảy sinh từ thực tiễn kinh doanh mà trong nhiều trường hợp cần có tính định hướng thị trường để hoạt động bán hàng online ở Việt Nam phát triển lành mạnh và bền vững hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cởi trói thủ tục hành chính cho thương mại điện tử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO