Cơn ‘địa chấn’ rung chuyển facebook

Thanh Đức 01/11/2021 06:10

Cuối tuần qua, Facebook đã đổi tên công ty sở hữu Facebook, Instagram và WhatsApp thành “Meta”. Việc này được cho là phản ánh tham vọng ngày càng tăng, rằng công ty không chỉ chú trọng vào nền tảng truyền thông xã hội. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng đó là cách Facebook tránh sự cáo buộc nhắm tới những mảng tối của mạng xã hội lớn nhất hành tinh.

Nói với CNB News, Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg cho biết việc đổi tên do công ty ngày càng quan tâm tới metaverse (vũ trụ ảo/vũ trụ số). Công ty cũng sẽ thay đổi mã chứng khoán từ FB sang MVRS, có hiệu lực từ ngày 1/12.

Được đưa ra lần đầu tiên trong "Snow Crash" - một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của nhà văn người Mỹ Neal Stephenson xuất bản năm 1992, thì “metaverse” là nơi hội tụ của thế giới vật lý, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR). Với “metaverse”, mọi người có thể dạo chơi với bạn bè, làm việc, tham quan các địa điểm, mua hàng hóa và dịch vụ và tham dự các sự kiện.

Zuckerberg nói: “Ngày nay, chúng tôi được xem như một công ty truyền thông xã hội, nhưng trong ADN của mình, chúng tôi là một công ty xây dựng công nghệ để kết nối mọi người và “metaverse” là biên giới tiếp theo giống như mạng xã hội khi chúng tôi mới bắt đầu”.

Tuy nhiên, dường như những cáo buộc “vẫn không buông tha ông lớn Facebook”.

Đối diện với khủng hoảng

“Phe hoài nghi” cho rằng có vẻ như Facebook đang cố gắng thay đổi chủ đề từ Facebook Papers - hồ sơ vạch trần những mảng tối xấu xí của mạng xã hội lớn nhất hành tinh, như biết rõ tác động tiêu cực của Instagram lên trẻ vị thành niên, đặc biệt là nữ giới, nhưng vẫn phớt lờ để kiếm lời; kiểm duyệt nội dung hay cách những kẻ buôn người đã dùng Facebook như một công cụ giao dịch...

Trước đó Facebook từng đối mặt với những người tố cáo, thậm chí vướng vào các cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ. Nhưng lần này được coi là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 17 năm tồn tại, tính tới nay.

Kể từ hôm 22/10, một nhóm gồm 17 hãng truyền thông Mỹ, trong đó có CNN bắt đầu cho đăng tải loạt bài gọi chung là "Hồ sơ facebook", dựa trên hàng trăm tài liệu nội bộ bị rò rỉ của công ty, bao gồm cả những phần được trích dẫn trong các đơn tố cáo của Frances Haugen - cựu cố vấn pháp lý cho Facebook gửi Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) cũng như Hạ viện Mỹ.

Thông tin đưa ra đều là những “bí mật động trời” của mạng xã hội đông người dùng nhất hành tinh. Việc báo chí Mỹ công bố "Hồ sơ Facebook", trong đó có cả những lo ngại về ảnh hưởng của Instagram với trẻ gái vị thành niên, đã khiến một tiểu ban của Thượng viện Mỹ yêu cầu Antigone Davis - lãnh đạo an toàn toàn cầu của Facebook phải ra điều trần. Chưa hết, Tổng giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg cũng được yêu cầu điều trần.

Câu hỏi hóc búa nhất chính là liệu Facebook thực sự có khả năng kiểm soát nguy cơ về những thứ gây hại cho thế giới thực từ các nền tảng lớn đến kinh ngạc của mình hay không, hoặc có phải mạng xã hội này đã phát triển lớn đến mức không thể sụp đổ?

Người sáng lập facebook Mark Zuckerberg.

Sóng gió bủa vây

Trong một nỗ lực đảo ngược tình thế, phát ngôn viên của Facebook đã gửi một tuyên bố đến CNN: "Những câu chuyện này bắt nguồn từ một tiền đề sai lầm. Đúng, chúng tôi là một doanh nghiệp và chúng tôi tạo ra lợi nhuận, nhưng nếu cho rằng chúng tôi làm như vậy bất chấp sự an toàn hay sức khỏe của mọi người là hiểu lầm về những lợi ích thương mại chúng tôi đem lại".

Trong khi đó, John Pinette - Phó Chủ tịch truyền thông của Công ty đã gọi Hồ sơ Facebook là "việc cố tình trích lược hàng triệu tài liệu" của công ty, có thể nhằm mang đến những kết luận không công bằng cho doanh nghiệp.

Nhưng cách nói này không “làm nguôi cơn giận” khi những ý kiến phản bác cho rằng nếu Facebook có nhiều tài liệu phản ánh câu chuyện đầy đủ hơn, tại sao họ lại không công bố chúng, khi điều trần trước Thượng viện Mỹ, Giám đốc an toàn toàn cầu của Facebook chỉ nói “Công ty đang tìm cách để công khai nhiều nghiên cứu hơn".

Sóng gió vẫn tiếp tục bủa vây. Những tài liệu rò rỉ đã phơi bày một Facebook trái ngược với những gì được coi là màu hồng. Trong bài viết trên tạp chí The New Republic, tác giả Alex Shephard mô tả đây là những rò rỉ nội bộ gây sốc nhất từ Facebook được đưa ra ánh sáng. Những tiết lộ chỉ ra rằng các giám đốc điều hành của Facebook biết chính xác sản phẩm của họ đang làm gì đối với người dùng, và với cả thế giới nói chung. Họ cũng nhận thức rõ mình chưa hành động đủ để giảm thiểu những tác động gây hại cho xã hội. Trong hầu hết các trường hợp, công ty đặt lợi nhuận và tăng trưởng lên trên tất cả.

Một phân tích của The New York Times cho rằng, rất nhiều lần người ta đã chứng kiến Facebook làm điều này theo nhiều cách khác nhau để có được lợi nhuận và tăng trưởng, ngay cả khi lựa chọn đó lan truyền thông tin sai lệch khiến thế giới trở nên tồi tệ hơn. Tuy thế, “ông lớn công nghệ Facebook cũng không dễ gì buông vũ khí, vì đế chế do họ xây dựng lên hiện đã có tới 2,9 tỉ người khắp thế giới sử dụng. Đó sẽ là sức ép rất lớn, hơn cả những cáo buộc” - theo The New York Times.

Kể từ năm 2016, Facebook đã đầu tư tổng cộng 13 tỷ USD cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo, để cải thiện tính an toàn của nền tảng này. Trong đó, 40.000 nhân viên chuyên trách các vấn đề an ninh và an toàn, bao gồm 15.000 người xét duyệt các nội dung bằng hơn 70 ngôn ngữ khác nhau tại hơn 20 địa điểm khắp thế giới. Tuy nhiên, mức đầu tư của Facebook cho an ninh, an toàn bị cho là quá thấp so với mức doanh thu hàng năm lên tới 85 tỷ USD (năm 2020). Đội ngũ chuyên trách của công ty cũng bị cho là quá mỏng so với nhu cầu thực tế khi facebook tính đến tháng 10/2021 đã có gần 2,9 tỷ người dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơn ‘địa chấn’ rung chuyển facebook

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO