Con đường hy vọng

Đình Minh 31/01/2023 07:54

Bản Ché Lầu, xã Na Mèo, huyện vùng biên Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa) bao năm qua gần như tách biệt với thế giới bên ngoài bởi không có đường đi lại. Qua hàng trăm năm phải di chuyển bằng những con đường đất ngoằn ngoèo. Tuy nhiên, đến nay Bản Ché Lầu đã đổi thay hoàn toàn.

Đường vào trung tâm bản Ché Lầu hôm nay được bê tông hóa hoàn toàn.

Những ngày vất vả

Ché Lầu là bản đặc biệt khó khăn nằm tại khu vực biên giới, cách trung tâm xã Na Mèo hơn 10km. Bản có 65 hộ dân với 300 nhân khẩu đều là người dân tộc Mông, trong đó, có 61 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo. Đời sống kinh tế của người dân dựa vào lâm nghiệp, chăn nuôi, trong khi trình độ dân trí, năng lực sản xuất kinh tế còn rất nhiều hạn chế nên thu nhập thấp. Bên cạnh đó, các hủ tục vẫn còn tồn tại, khiến bao năm qua cuộc sống của đồng bào nơi đây vẫn chưa thoát khỏi đói nghèo.

Trước đây, con đường vào với bản chỉ là những lối đi nhỏ, đầy sình lầy, bùn đất. Do giao thông cách trở dẫn tới mọi giao thương với bên ngoài đều hạn chế. Học sinh không mặn mà với việc đi học. Việc không đường, không điện lưới, không trường học, trạm y tế… khiến cho cuộc sống của người dân gần như “biệt lập” với thế giới hiện đại bên ngoài. Mong muốn của người dân lúc ấy chỉ là con đường thông suốt từ bản lên tới trung tâm xã để người dân đi lại thuận tiện, để những thầy cô cắm bản đỡ vất vả hơn thế mỗi lần xuôi ngược được thuận lợi…

Xác định rằng, muốn Ché Lầu thoát nghèo phải có đường đi lại nên từ Chương trình 30a, năm 2020, UBND huyện Quan Sơn đã đầu tư làm đường giao thông từ bản Son đi Ché Lầu với chiều dài 5,138km. Cùng với con đường từ bản Son đi Ché Lầu, huyện Quan Sơn đẩy nhanh tiến độ thực hiện làm đường giao thông nội bản Ché Lầu và đường giao thông nội bản Mùa Xuân (xã Sơn Thủy).

Đường giao thông nội bản Ché Lầu và Mùa Xuân được khởi công từ đầu năm 2022 do UBND huyện Quan Sơn làm chủ đầu tư. Hiện nay, cả 2 con đường giao thông nội bản này đều đã hoàn thành. Trên con đường bê tông vừa hoàn thành, Bí thư kiêm Trưởng bản Ché Lầu Thao Văn Lâu bày tỏ sự phấn khởi và cho biết: Đồng bào dân tộc Mông định cư tại bản Ché Lầu từ những năm 90 của thế kỷ trước. Theo những già làng trong bản, trước kia họ sống nay đây, mai đó, sống dựa vào đồi núi nên điều kiện kinh tế rất bấp bênh.

Từ khi đến bản Ché Lầu, bà con được cán bộ tuyên truyền, giải thích di cư không tốt, cuộc sống của bà con, không chỉ đói cơm, đói gạo mà con cháu còn không được đi học cái chữ, di cư làm ảnh hưởng đến đất đai, rừng núi. Bà con thấy phải lắm nên không còn di cư tự do nữa, cuộc sống cũng dần ổn định. Hiện nay, đường bê tông liên bản, liên xã cũng đã gần hoàn thiện. Con đường từ bản Son đi Ché Lầu chỉ còn vài trăm mét nữa là hoàn thành. Khi đó, cả bản sẽ có một hệ thống giao thông đồng bộ, có thể giao thương thoải mái với thế giới bên ngoài.

Tương lai tươi sáng

Ông Hơ Văn Phó (46 tuổi, giáo viên ở bản Ché Lầu) gần như hiểu rõ nhất nỗi vất vả của người dân khi bản không có đường đi, bị cô lập với thế giới bên ngoài. “Trước đây, cả bản sống theo lối tự cung, tự cấp nên cứ mãi nghèo khổ, không biết ngoài kia có những gì. Từ khi có con đường, người dân được khai mở tương lai, được giao thương, buôn bán, từ đó khấm khá hơn. Có điều kiện, phụ huynh cũng thoải mái cho con em đi học chứ không bắt ở nhà lên nương, rẫy phụ giúp bố mẹ nữa” - ông Phó nói.

Đến Ché Lầu những ngày đầu xuân năm mới 2023, không khí cảm nhận rõ nhất là tinh thần hồ hởi, quyết tâm lao động, sản xuất của người dân. Nhờ có con đường mới, bà con người Mông ở đây có thêm động lực phấn đấu để sớm thoát nghèo.

Ông Lữ Văn Hà - Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo cho biết, nhờ các chương trình, dự án chính sách dân tộc, các chương trình giảm nghèo với những nội dung, hạng mục đầu tư hỗ trợ thiết thực nên cuộc sống người dân đã tạm ổn. “Trước đây, khi chưa có đường giao thông, bà con có trồng trọt, chăn nuôi cũng không hiệu quả vì không thể vận chuyển đi tiêu thụ. Từ khi con đường đến bản được khởi công, ngoài việc tạo thuận lợi để công trình sớm hoàn thành, xã còn đẩy mạnh việc triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó vận động, định hướng bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa để tăng thu nhập” - ông Hà nói.

Theo ông Hà, hiện xã Na Mèo có 5/9 bản đã đạt chuẩn nông thôn mới, để địa phương thực sự phát triển về mọi mặt, thời gian qua, hạ tầng cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng, điển hình như một số công trình: Đường giao thông từ bản Son đi bản Ché Lầu, kè chống sạt lở bản Bo Hiềng, Xộp Huối… Đối với con đường từ bản Son đi Ché Lầu dài hơn 5,1km, đến nay con đường còn khoảng trên 200m là chưa hoàn thiện. Theo ông Hà, đơn vị thi công đang tích cực sử dụng máy móc, thiết bị để triển khai, dự kiến, đến cuối tháng 2/2023, con đường này sẽ hoàn thành, từ đó mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của bản Ché Lầu nói riêng và xã Na Mèo nói chung.

“Con đường gập ghềnh dốc núi, trơn trượt đã không còn, thay vào đó là đường bê tông thẳng tắp, xuyên qua những dãy núi dốc đứng. Từ một bản 4 không “không điện, không đường, không trường, không trạm”, đến nay, chúng tôi đã gần như có tất cả. Cảm ơn Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh đã quan tâm, giúp đỡ và luôn dõi theo cuộc sống của bà con ở trên này” - Bí thư kiêm Trưởng bản Ché Lầu Thao Văn Lâu xúc động nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Con đường hy vọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO