Còn sự tiếp tay, buôn lậu còn nhức nhối

H.Vũ 05/08/2022 10:04

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, để tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại còn nhức nhối như hiện nay là có sự tiếp tay, bảo kê của lực lượng chức năng.

Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng giả, hàng nhái.

Gian lận thương mại điện tử gia tăng

Ngày 4/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Thanh Hải - Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 54.199 vụ việc vi phạm (giảm 25,05% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó, 5.243 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu (giảm 53,72% so với cùng kỳ năm 2021); 47.781 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế (giảm 4,72% so với cùng kỳ năm 2021); 1.019 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (giảm 90,61% so với cùng kỳ năm 2021); thu nộp ngân sách nhà nước 3.728 tỷ đồng.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, gian lận thương mại tăng trở lại với những hành vi tẩy xóa mác đưa vào lưu thông hàng cận hạn sử dụng, hết hạn sử dụng. Bên cạnh đó, một hành vi khác có chiều hướng gia tăng đó là việc thành lập doanh nghiệp nhằm trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đáng chú ý theo ông Linh, thương mại điện tử trong thời gian đại dịch Covid-19 cũng rất phát triển. Các tổ chức, cá nhân lợi dụng giao diện điện tử sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn từ rao bán quảng cáo, đăng tải mặt hàng trên Facebook, Tik Tok, Instagram. “Hầu hết các mặt hàng này đều xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, là hàng giả, kém chất lượng”-ông Linh cho hay.

Đại tá Vũ Như Hà - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Kinh tế, Bộ Công an cũng cho rằng, thương mại điện tử là xu thế tất yếu. Hoạt động của thương mại điện tử phát triển cùng với kinh tế số nên tình trạng người dân lợi dụng nó để gian lận thương mại sẽ còn gia tăng với các hành vi trốn thuế, lừa đảo.

Về tình hình 6 tháng cuối năm, ông Hà cho rằng, các hoạt động gian lận thương mại sẽ gia tăng theo hướng phức tạp do nhu cầu về hàng tăng mạnh vào thời điểm cuối năm. Do đó ông Hà đề xuất tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đặc biệt, các cơ quan sớm kết nối cơ sở dữ liệu dân cư nhằm có phương án đối chiếu, từ đó phát hiện được những vụ việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp để hoạt động buôn lậu, trốn thuế.

Nhận diện vấn đề nổi cộm

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ rõ, tình hình hàng giả, buôn lậu, gian lận vẫn có chiều hướng gia tăng, hết sức phức tạp, tinh vi, đặc biệt là khi nước ta trở lại trạng thái bình thường.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, nguồn cung một số mặt hàng bị đứt gãy như xăng dầu, dược phẩm và một số hàng hóa thiết yếu khác khiến tình hình buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại cũng có chiều hướng tăng. Một số phương thức, thủ đoạn mới cũng được các đối tượng lợi dụng, thực hiện như: Đội lốt doanh nghiệp, lừa đảo trên các giao dịch điện tử dẫn đến việc khó kiểm soát hàng giả, hàng vi phạm bản quyền.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng cho rằng, để tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại còn nhức nhối như hiện nay là có sự tiếp tay, bảo kê của lực lượng chức năng. Do đó, cần nhận diện rõ vấn đề nổi cộm hiện nay trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chính là phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng. Bên cạnh đó, cần tập trung rà soát thể chế để sửa đổi, bổ sung kịp thời với tình hình thực tế.

Đối với việc xử lý hàng thu giữ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu, lực lượng chức năng cần phối hợp, chia sẻ thông tin với nhau để có phương án tối ưu, tránh sự chồng chéo gây lãng phí.

“Các lực lượng chức năng khẩn trương cập nhật tình hình thực tế, dự báo biến động trong các dịp nghỉ lễ, đặc biệt là Tết Nguyên đán 2023, trong đó, tập trung vào các tuyến hàng không, đường biển, đường bộ, khu vực các tỉnh giáp biên, việc kiểm soát hàng buôn lậu qua biên giới” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Còn sự tiếp tay, buôn lậu còn nhức nhối

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO