Công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về 10 Luật vừa được Quốc hội thông qua

Đức Sơn 10/07/2020 16:57

Ngày 10/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về 10 Luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Căn cứ Điều 88 và Điều 91 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, căn cứ Điều 80 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch nước công bố: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Thanh niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Các Luật này có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021; Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021.

Trong số 10 Luật được kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV thông qua, có 5 Luật mới lần đầu ban hành, gồm: Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Thanh niên 2020; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, trước yêu cầu thực tiễn ngày càng cao của hoạt động tố tụng, đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp ngày 10 tháng 6 năm 2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2021.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp bổ sung 1 điều, 4 khoản và 4 điểm; sửa đổi, bổ sung 8 điều, 22 khoản và 9 điểm.

Cụ thể, Luật mở rộng phạm vi của giám định tư pháp theo hướng giám định tư pháp được trưng cầu, thực hiện ngay từ giai đoạn “khởi tố”, thay vì từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự như quy định hiện hành.

Bổ sung việc cấp, thu thẻ giám định viên tư pháp gắn với bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; thành lập thêm tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự là “Phòng giám định hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao”; bổ sung cơ quan thuộc Chính phủ trong việc công nhận và đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc và Kiểm toán nhà nước giới thiệu tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp.

Bổ sung quyền được bảo vệ khi hoạt động giám định và được bố trí vị trí phù hợp khi tham dự phiên tòa của người giám định.

Quy định cụ thể hơn cơ chế thông tin, phối hợp giữa cơ quan trưng cầu và tổ chức được trưng cầu giám định tư pháp. Bổ sung quy định về thời hạn giám định. Sửa đổi quy định về kết luận giám định theo hướng cụ thể hơn.

Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp.

Giới thiệu Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án, Thẩm phán TAND tối cao Tống Anh Hào cho biết, Luật này được ban hành xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống và từ ý nghĩa, tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng về đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thông qua việc xây dựng cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đồng thời, học tập kinh nghiệm của một số quốc gia đã triển khai thành công mô hình này.

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án Luật gồm 4 chương, 42 điều quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trách nhiệm của Tòa án đối với hoạt động hòa giải, đối thoại. Trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại, công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

Thẩm phán TAND tối cao Tống Anh Hào làm rõ, hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn. Đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án không áp dụng (không điều chỉnh) các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được quy định ở các Luật khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về 10 Luật vừa được Quốc hội thông qua

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO