Công bố Nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức

Thành Luân 31/12/2020 12:44

Ngày 31/12/2020, Thành ủy, UBND, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức Lễ công bố Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM.

Ngoài Hội trường UBND Quận ủy Quận 2, lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập TP Thủ Đức cũng được truyền hình trực tiếp cho cán bộ và người dân của ba quận 2, 9 và Thủ Đức cùng tham gia và chứng kiến. Các điểm cầu tại Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức có khoảng 1.000 người tham dự trực tiếp.

Đến dự lễ công bố có ông Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, phụ trách theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TP; Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, Ban, ngành, TP HCM và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao Nghị quyết về thành lập TP Thủ Đức cho đại diện lãnh đạo TP HCM.(Ảnh: Hồng Phúc).

Tại buổi lễ, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM.

Theo đó, để thành lập TP Thủ Đức, Trung ương đã sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của Quận 2; toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của Quận 9 và toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức.

Sau khi thành lập, TP Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người. Về địa giới hành chính, đô thị mới sẽ giáp Quận 1, Quận 4, Quận 7, Quận 12, quận Bình Thạnh; tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.

Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 cũng cho phép TP HCM thực hiện nhập toàn bộ 1,74 km2 diện tích tự nhiên, 124 người của phường An Khánh vào phường Thủ Thiêm. Do đó, sau khi nhập thì phường Thủ Thiêm có 3,25 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 428 người. Phường Thủ Thiêm giáp phường An Khánh, phường An Lợi Đông; Quận 1, Quận 4 và quận Bình Thạnh;

“Thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước cũng thành lập mới phường An Khánh trên cơ sở nhập toàn bộ 2,03 km2 diện tích tự nhiên, 4.333 người của phường Bình Khánh (cũ) và toàn bộ 1,89 km2 diện tích tự nhiên, 18.821 người của phường Bình An. Sau khi thành lập, phường An Khánh mới có 3,92 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 23.154 người.

Địa giới hành chính của Phường An Khánh sau khi mở rộng sẽ giáp các phường An Lợi Đông, An Phú, Bình Trưng Tây, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm; Quận 7 và quận Bình Thạnh.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, sau khi thành lập TP Thủ Đức sẽ có 34 phường, bao gồm các phường An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Hiệp Phú, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tam Bình, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm, Trường Thạnh, Trường Thọ.

Cũng theo nội dung Nghị quyết của quốc hội, TP HCM sẽ thực hiện thành lập TAND và Viện KSND TP Thủ Đức. Đồng thời, kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2021), TP HCM sẽ bao gồm hoàn chỉnh 22 đơn vị hành chính cấp huyện (sau sắp xếp), bao gồm 16 quận, 5 huyện và 1 thành phố; 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 58 xã, 249 phường và 5 thị trấn.

Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM.

Phát biểu tại lễ công bố, ông Uông Chu Lưu đánh giá cao việc thành lập TP Thủ Đức, là mô hình "thành phố trong thành phố" đầu tiên của cả nước.

Theo ông Lưu, TP HCM là đô thị loại đặc biệt, trung tâm của cả nước và khu vực phía Nam trên nhiều lĩnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ, giáo dục, văn hóa xã hội. Việc thành lập TP Thủ Đức thời gian qua đã nhận được sự quan tâm rất lớn của không chỉ lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà còn của đông đảo người dân cả nước và TP HCM.

Ông Uông Chu Lưu đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Thủ Đức cần tận dụng thời cơ, cơ hội mới để phát triển, trong đó khẩn trương có quy hoạch chung của TP Thủ Đức, hướng đến các tiêu chí của một đô thị hiện đại, thông minh, tương tác cao. Trong đó, tận dụng tài nguyên hiện có về nhiều thuận tiện khi có Khu Công nghệ cao, nơi chuyển giao các công nghệ mới và sản phẩm công nghiệp 4.0; có trung tâm đào tạo nhân lực cao (ĐH Quốc gia TP HCM); các trung tâm về đô thị, hành chính vệ tinh.

Bên cạnh đó, đô thị TP Thủ Đức cần phát huy tính chủ động sáng tạo, tạo động lực quan trọng để thu hút đầu tư, biến nơi đây trở thành một cực phát triển, động lực phát triển của TP HCM và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Phát biểu tại lễ công bố, ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ xúc động, tự hào khi các kết quả nỗ lực của toàn Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP HCM thời gian qua đã được trung ương quan tâm, chỉ đạo kịp thời, nhanh chóng. Trong đó, chỉ trong 3 năm Quốc hội đã ra 2 Nghị quyết và mới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một Nghị quyết về thành lập TP Thủ Đức, nhờ đó đã tạo nên sự đột phá về thể chế phát triển cho TP HCM.

Thay mặt lãnh đạo TP HCM, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên cũng đã phát biểu cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ TP HCM trong suốt thời gian qua. Đồng thời, ông Nguyễn Văn Nên cũng cảm ơn các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã luôn tin cậy, đồng hành và đầu tư tại TP HCM; các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước đã luôn chia sẻ, hợp tác với TP HCM về mọi mặt để giúp thành phố đảm bảo được vai trò đầu tàu của mình.

Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã công bố lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy, kế hoạch đầu tư các công trình dự án trọng điểm tại TP Thủ Đức.

Một góc đô thị của TP Thủ Đức sau khi sáp nhập 03 quận phía Đông của TP HCM.
Một góc đô thị của TP Thủ Đức sau khi sáp nhập 3 quận phía Đông của TP HCM.

Đây là lần đầu tiên trên cả nước thành lập mô hình “thành phố trong thành phố” trực thuộc trung ương.

Đối với các công việc ưu tiên trước mắt, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, đầu tiên thành phố sẽ chỉ đạo triển khai hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, trong đó đến cuối năm 2021 phải vận hành cho được tuyến Metro số 1 và hoàn thành sớm cầu Thủ Thiêm 2 và triển khai tiếp các cầu khác từ Thủ Thiêm qua các quận. Riêng hệ thống Metro của thành phố có thể vươn tới các tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương.

Kế đến, thành phố sẽ triển khai kêu gọi đầu tư vào 8 khu đô thị quan trọng nhất của TP Thủ Đức, bao gồm: Trung tâm tài chính gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; Trung tâm giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ; Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm công nghệ sinh thái - khu vực Tam Đa và ĐH Long Phước; Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng container Cát Lái và Khu đô thị cảng Trường Thọ - đô thị tương lai.

Các công việc trên sẽ giúp thay đổi nhanh chóng diện mạo TP Thủ Đức, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Sau 60 ngày kể từ ngày Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 có hiệu lực, từng đơn vị hành chính, các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính mới nỗ lực hoàn thành xong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo sự ổn định, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân và hoạt động kinh tế của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.

TP HCM đang chỉ đạo các Sở Ban ngành có liên quan chủ động chuẩn bị các nội dung cần thiết hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục hành chính.

UBND TP HCM cũng chỉ đạo chặt chẽ chính quyền đô thị mới thực hiện thông tin quy trình thực hiện được công khai trên cổng thông tin điện tử, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, khu phố, tổ dân phố và không thu phí việc thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.

Trong trường hợp cá nhân, tổ chức không có nhu cầu chuyển đổi thì các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, việc thành lập TP Thủ Đức sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội của địa phương. TP Thủ Đức không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân; dự kiến đóng góp 30% GDP TP HCM và 7% GDP cả nước.

Tại lễ công bố, UBND TP HCM triển khai thực hiện quyết nghị của UBTVQH về giải thể các TAND Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập TAND TP Thủ Đức. Đồng thời, triển khai quyết nghị của trung ương về giải thể các Viện KSND Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức để thành lập Viện KSND TP Thủ Đức.

Đại diện lãnh đạo thành phố và trung ương dự lễ khai trương hệ thống di động 5G trên địa bàn TP Thủ Đức (Ảnh: Hồng Phúc).
Đại diện lãnh đạo thành phố và trung ương dự lễ khai trương hệ thống di động 5G trên địa bàn TP Thủ Đức (Ảnh: Hồng Phúc).

Dịp này, TP HCM đã tổ chức khai trương mạng di động 5G tại TP Thủ Đức. Đây là mạng di động thế hệ thứ 5 hay mạng di động 5G với tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn và độ trễ thấp hơn trong việc truyền tải dữ liệu. Kể từ tháng 12/2020, mạng di động 5G đã được phát sóng thử nghiệm thương mại trên địa bàn trung tâm TP HCM, với sự phối hợp của các nhà viễn thông di động lớn nhất tại Việt Nam, gồm Viettel, VNPT, Vinaphone và Mobifone.

Trước đó, ngày 30/12, Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa XI đã họp hội nghị lần thứ 3, với việc thảo luận, cho ý kiến về việc tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Theo lãnh đạo TP HCM, hiện nay thành phố là đô thị loại đặc biệt trực thuộc Trung ương, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước và TP Thủ Đức đóng vai trò là động lực phát triển cho thành phố cũng như là trung tâm giáo dục đào tạo, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ của khu vực Đông Nam bộ và là đầu mối giao thông quan trọng của vùng. Do đó, việc phát triển TP Thủ Đức nằm trong mục tiêu về điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 trên quan điểm phát huy vai trò đặc biệt của TP HCM trong mối quan hệ với toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công bố Nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO