Công bố quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn 2050

Quốc Trung 21/06/2022 17:27

Ngày 21/6 tại hội nghị công bố quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng rằng: Với sự quyết tâm vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các bạn bè quốc tế, trong thời gian tới, vùng ĐBSCL sẽ phát triển mạnh mẽ và đột phá.

Phát triển ĐBSCL bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng BĐKH

Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định một số khâu đột phá mang tính chiến lược như phát triển vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên ba trụ cột: kinh tế - xã hội – môi trường; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên hướng tới một mô hình kinh tế xanh, lấy “con người” làm trung tâm; đồng thời biến thách thức thành cơ hội, “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị, trong đó chú trọng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực về con người và khoa học và công nghệ; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ.

Đồng thời, quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng thay đổi tư duy về an ninh lương thực từ việc phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa sang thủy sản - trái cây - lúa gạo phù hợp với thị trường, trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại phân vùng sản xuất dựa trên tài nguyên nước và thổ nhưỡng; chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung cả về nông nghiệp, công nghiệp và đô thị; phấn đấu đến năm 2030 vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới.

Để thực hiện quy hoạch này, trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý dự kiến đạt khoảng 320 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016-2020, trong đó nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương khoảng 178 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Trung ương khoảng 82 nghìn tỷ đồng, tăng 41,2% so với giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn nước ngoài (ODA) là 60 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số Bộ như Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong vùng đạt khoảng 140 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của vùng khoảng 460 nghìn tỷ đồng.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, trong thời gian tới, TP Cần Thơ sẽ triển khai quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng ĐBSCL. Trong đó, chú trọng quy hoạch đô thị theo hướng đô thị sông nước sinh thái; đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị để Cần Thơ thật sự là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; thí điểm xây dựng đô thị thông minh và mô hình quản trị đô thị mới.có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; thí điểm xây dựng đô thị thông minh và mô hình quản trị đô thị mới.

Vùng ĐBSCL sẽ phát triển mạnh mẽ và đột phá

Tại Hội nghị công bố quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Với những đặc điểm đó, ĐBSCL thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "Vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc", cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cần được phát huy cao hơn, và tiềm năng, lợi thế to lớn cần được phát triển thành nguồn lực, cần được khai thông, tháo gỡ có hiệu quả hơn nữa.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, như Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị; Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 324/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL…

TP Cần Thơ động lực trung tâm vùng ĐBSCL.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu trong thời gian tới, các địa phương vùng ĐBSCL cần tích cực triển khai quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương. “Tinh thần là quy hoạch phải đi trước một bước, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn, đồng thời tạo ra động lực mới, thu hút nguồn lực mới cho phát triển. Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt”- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Song song với đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các bộ, ban ngành, địa phương tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu; nâng cao tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường; nâng cao chất lượng quản trị, năng lực điều hành; chịu trách nhiệm đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng được giao trên địa bàn, bảo đảm tiến độ, chất lượng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; tận dụng sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số;...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng rằng: "Với sự quyết tâm vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các bạn bè quốc tế, trong thời gian tới, vùng ĐBSCL sẽ phát triển mạnh mẽ và đột phá. ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập của người dân ngày một nâng cao; người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương;…”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công bố quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn 2050

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO