‘Cõng chữ’ ngược ngàn

NGUYỄN CHUNG 17/07/2022 14:10

Tôi gặp thầy Nguyễn Văn Giang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, một huyện xa xôi, khó khăn nhất tỉnh Thanh Hóa khi những cơn mưa đang kéo bóng chiều đổ nhanh hơn sau ngọn núi Lát.

Trong căn phòng hiệu bộ cũ kỹ, được sử dụng làm phòng làm việc, đồng thời cũng là nơi ăn, chốn nghỉ ngơi, thầy Giang cười, bảo: “Trước cũng có một vài thầy cô trẻ dưới xuôi lên ở lại trường, anh em góp gạo thổi cơm chung. Nhưng đất lành chim đậu, họ thành đôi rồi mua đất làm nhà, tạo dựng hạnh phúc riêng thành ra giờ chỉ còn lại mỗi mình”.

Thầy Nguyễn Văn Giang.

Cháy hết mình với tuổi đôi mươi

Ngọn lam chiều từ bếp củi phía sau nhà hiệu bộ lảng bảng rồi tan vào màn mưa nhạt nhòa. Mấy gốc phượng già trong sân trường đứng trầm mặc, lướt thướt. Đã hơn 30 năm, năm nào rồi mùa hè cũng về nhưng thầy Giang không thể quen với cảm giác này. Đám học sinh hiếu động nghỉ hè, đồng nghiệp người đã ra riêng, người về quê khiến nỗi buồn, sự trống trải suốt 3 tháng cứ dày lên.

- Nghỉ hè dài ngày sao thầy không về quê thăm gia đình?, tôi hỏi thầy.

- Có chứ, mỗi khi hết năm học là mình lại tất tả khăn gói về xuôi thăm vợ con, gia đình cho nguôi ngoai nỗi nhớ. Nhưng chỉ được ít hôm thôi, lòng cứ như có lửa đốt lại phải bắt xe ngược núi. Nhớ trường, nhớ lớp mà. Ở đây không như các trường miền xuôi đâu, còn nhiều khó khăn lắm, nhất là vào đầu những năm học mới, biết bao nhiêu thứ phải chuẩn bị cho bọn trẻ nên ở quê lâu không đặng đừng, thầy Giang nói.

Thấm thoắt vậy mà đã hơn 30 năm trôi qua, kể từ ngày thầy giáo Giang cùng 13 sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa nhận nhiệm vụ cao cả, đem những “mầm chữ” lên với mảnh đất vùng biên viễn này. Vừa nhón chút muối hạt bỏ vào nồi canh rau rừng, thầy Giang vừa kể cho tôi nghe về những ngày đầu thầy lên đây cắm bản. Đấy là những miền ký ức không thể nào xóa nhòa dẫu hơn 30 năm qua đã có những đổi thay.

Ngày thầy Giang bắt xe ngược miền Tây nhận việc là một ngày trời đổ mưa tầm tã. Phải mất trọn một ngày lắc lư trên thùng chiếc “zin ba cầu” cũ kỹ mới đến được thị trấn Hồi Xuân (ngày ấy còn chưa tách huyện Quan Hóa và Mường Lát).

Đường sá lên Mường Lát thời điểm đó không thuận tiện như bây giờ, muốn lên đến thị tứ Mường Lát thì phải chờ xe tải của dân lâm nghiệp. Nhưng dẫu có xe để đi nhờ thì cũng phải mất gần 3 ngày trời nữa mới đến đích. Nhìn con đường như lối chuột chạy, cứ dẫn mãi về phía những đỉnh núi màu lam đang nhạt nhòa chìm trong màn mưa mà chùn chân, nản chí. Chờ suốt hai ngày không có xe của đoàn lâm nghiệp, vậy là thầy cùng đoàn người buôn chuyến dưới xuôi lên quyết tâm lội bộ ngược núi.

Sau hơn 3 ngày, khi đôi giày ba ta của anh sinh viên mới rời ghế giảng đường đã tơ tướp và chân rớm máu, thị tứ Mường Lát cũng hiện ra. Sau một đêm nghỉ lấy sức và gặp lãnh đạo phòng giáo dục, phải mất thêm 2 ngày cuốc bộ nữa, thầy Giang mới đến được Trường THCS Quang Chiểu - một xã nằm giáp biên giới.

Gọi là trường cho sang chứ thực chất chỉ là 2 dãy nhà tranh tre, nứa lá được dựng lên trên một dải đất hẹp bên cạnh con suối Xim đang hung hãn như đàn ngựa chứng giữa mùa mưa. Ngôi trường vùng biên ngày ấy, mỗi lớp chỉ mươi học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau. Lớp của thầy thậm chí có những học trò bằng tuổi của thầy. Nhiều trò nhỏ, gầy, đen đúa, chưa nói sõi tiếng Kinh. Nhưng thương nhất, là chứng kiến những trò nhỏ, hằng ngày vẫn băng rừng, vượt suối gần chục cây số để đến trường.

“Ban ngày thì không sao nhưng khi màn đêm buông xuống thì nỗi buồn, nỗi nhớ nhà cứ dày lên. Mùa đông, sương muối giăng khắp nẻo, gió buốt như những sợi roi vô hình luồn qua khe liếp quất vào da thịt nhói buốt. Anh em giáo viên đều sàn sàn tuổi đôi mươi, luôn động viên nhau bán trường, bám bản”, thầy Giang hồi tưởng.

Ăn uống thiếu thốn cộng với khí hậu khắc nghiệt, những trận sốt rét bắt đầu tìm tới thầy Giang và các thầy cô khác trong trường. Sau mỗi cơn sốt rã rời, sức vóc trai trẻ như bị vắt kiệt, da bủng màu chì. Mỗi sáng mai thức dậy bước chân như say, tóc rụng đen trên gối. Đám học trò nhìn thầy cô ứa nước mắt. Nhà nghèo, chúng chỉ mang cho thầy khi vài bắp ngô thưa hạt, lúc đùm khoai khô se sắt. Có đứa mặt mũi lấm lem, quần áo ướt sũng đem biếu thầy con cá vừa bắt ở suối Xim lên.

“Để vượt qua những cơn sốt triền miên ấy có lẽ chẳng phải vì vài viên ký ninh đâu mà là vì những tình cảm chân thành của đám học trò nghèo. Chúng như liều thuốc tinh thần buộc mình phải khỏe lại, tiếp tục bám lớp, bám trường”, thầy Giang xúc động nhớ lại.

Rồi những kỷ niệm sau hè, sau Tết… các thầy, cô lại chia nhau từng quả đồi, vượt qua từng con suối, băng qua những cánh rừng, đến tận nhà động viên, thuyết phục cha mẹ cho các trò trở lại lớp. Việc học hành thời điểm đấy chưa được quan tâm như bây giờ. Ai muốn học thì học, ai không học thì đi rừng, làm rẫy… bố mẹ cũng không ép buộc. Thậm chí có phụ huynh còn từ chối cho con trở lại đi học vì còn bận lên nương phụ giúp gia đình hay lấy vợ, lấy chồng.

“Những khó khăn ngày ấy với những giáo viên trẻ như mình kể sao cho hết. Nhưng lạ là không một thầy cô nào có ý định bỏ trường, bỏ bản để về xuôi, mưu cầu cho hạnh phúc riêng tư. Có lẽ đấy là lý tưởng cống hiến, nhiệt huyết tuổi 20 đã giúp mình và các đồng nghiệp “cháy” hết mình cho sự nghiệp gieo mầm chữ ở chốn thâm sơn, cùng cốc này”, thầy Giang nói như đúc rút lại kinh nghiệm sau hơn 30 năm gắn bó với Mường Lát.

Mường Lát vẫn rất cần những người thầy nhiệt huyết, tận tụy với nghề dạy học.

Lá đơn không gửi

“Khó khăn như thế nhưng đã bao giờ thầy có ý định xin chuyển công tác về xuôi”, tôi hỏi. Thay cho câu trả lời, thầy Giang đứng dậy mở tủ cá nhân, lật trong cuốn sổ tay đã ngả màu vàng ố, lấy ra một lá đơn, chữ đã nhòe mực với nội dung “Xin chuyển công tác về xuôi” từ hơn 20 năm trước.

“Mình với bà xã có với nhau 2 mặt con. Mỗi năm về thăm được đôi lần, mọi toan lo cuộc sống, dạy dỗ bọn trẻ đều dồn hết lên vai cô ấy, nhiều đêm nằm ngẫm mà thương vợ đến nát lòng. Lúc mình viết lá đơn này, tư tưởng giằng co nhiều lắm! Về thì tốt rồi nhưng đám trẻ vùng cao này cần mình và những giáo viên nhiệt huyết bám bản… Như hiểu được tâm tư của chồng, ngay ngày hôm sau mình nhận được thư nhà. Trong thư cô ấy viết: “Anh cứ yên tâm công tác, ở nhà đã có em. Sự nghiệp trên đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình yêu với nghề. Cùng làm trong ngành giáo dục, em hiểu và cảm thông với anh. Em sẽ chăm lo tốt cho các con…!”. Vậy là mình đã xếp lại tất cả”, thầy Giang vừa cười hiền hậu, vừa cất lại lá đơn xin chuyển về xuôi vào cuốn sổ tay.

Sau nhiều năm gắn bó với mảnh đất, con người vùng biên, hiện nay thầy Giang là Hiệu trưởng Trường TH & THCS thị trấn Mường Lát. Anh bảo với tôi rằng: Dù ở cương vị nào đi chăng nữa thì niềm vui và sự hạnh phúc chính là được nhìn thấy những lớp học trò của mình trưởng thành. Đặc biệt với thầy, lứa học trò những năm 1990, nay đã có người nhiều người làm cán bộ trong ngành, cán bộ xã, làm kỹ sư, bác sĩ…

“Thời gian trôi nhanh quá! Thấm thoắt vậy mà mình cũng đã gắn bó với vùng đất này hơn 30 năm, từ ngày tóc còn xanh đến giờ đã ngả bạc đôi phần. Dẫu đã có đôi lần mình định rời bỏ vùng đất cực nhọc này nhưng cứ mỗi khi nhìn vào ánh mắt trong veo, ngơ ngác của đám trẻ đói ăn, thiếu mặc… lại thương rồi yêu mà không nỡ đành đoạn và cứ thế ở lại với Mường Lát đến tận bây giờ!”, thầy Giang tâm sự. Qua ánh mắt, tôi có thể cảm nhận được sự hạnh phúc của thầy - một người đã dành cả thanh xuân cho nghiệp “gieo chữ” ở vùng biên.

“Thời gian trôi nhanh quá! Thấm thoắt vậy mà mình cũng đã gắn bó với vùng đất này hơn 30 năm, từ ngày tóc còn xanh đến giờ đã ngả bạc đôi phần. Dẫu đã có đôi lần mình định rời bỏ vùng đất cực nhọc này, nhưng cứ mỗi khi nhìn vào ánh mắt trong veo, ngơ ngác của đám trẻ đói ăn, thiếu mặc… lại thương rồi yêu mà không nỡ đành đoạn và cứ thế ở lại với Mường Lát đến tận bây giờ!”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Cõng chữ’ ngược ngàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO