Công dụng của rau răm, tía tô

T.H. 22/04/2017 16:00

Tía tô, rau răm không chỉ là một loại rau gia vị mà còn là những bài thuốc rất hay.

Tía tô là một vị thuốc phòng và chữa bệnh tuyệt vời.

Tía tô: Theo y học cổ truyền tía tô không chỉ là loại rau gia vị mà còn là một vị thuốc chữa bệnh và phòng bệnh tuyệt vời. Tía tô được y học cổ truyền xếp vào loại giải biểu, thuộc nhóm phát tán phong hàn, chữa bệnh bằng cách cho ra mồ hôi, giải cảm, khỏi sốt.

Khi cộng với hành (một thứ gia vị cũng kích thích tăng tiết dịch vị) thì cháo hành - tía tô sẽ có tác dụng giải cảm cho những người bị cảm.

Khi bị cảm, lấy một nắm lá tía tô tươi, 2 củ hành và 3 lát gừng, tất cả thái nhỏ cho vào bát, đập một quả trứng gà rồi múc cháo hoa vào trộn đều ăn nóng, bệnh cảm sẽ hết.

Chữa đau bụng, đầy chướng: Giã lá tía tô lấy một bát nước, hòa một chút muối cho uống một lần.

Rau răm làm sáng mắt, ích trí, mạnh gân cốt.

Rau răm: Rau răm có hương thơm đặc biệt. Nó là một loại gia vị được sử dụng phổ biến trong chế biến các món ăn. Theo đông y rau răm có vị cay nóng, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng tán hàn, ích trí, minh mục, tiêu thực, sát trùng.

Tác dụng của rau răm khi ăn sống ấm bụng, tiêu thực, sát trùng, tán hàn. Rau răm làm sáng mắt, ích trí, mạnh gân cốt.

Theo lương y Nguyễn Hồng Xiêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội cho biết: Trong các y văn ghi lại, rau răm có vị cay ấm, khu hàn, trừ thấp, ôn ấm tỳ vị, tiêu thực, trừ chướng thống, cẩm tả lỵ. Nó còn giúp trừ cước khí sưng chân, chữa rắn, rết, côn trùng cắn, chàm, ghẻ (để đắp, rửa).

Đầy hơi trướng bụng, tiêu hoá kém: Dùng một nắm rau răm rửa sạch giã nhỏ vắt lấy nước uống. Bã đem xoa vào bụng (xoa tập trung vào vùng rốn).

Cảm cúm: Rau răm một nắm, gừng sống 3 lát. Hai thứ giã nhỏ vắt lấy nước uống.

Đau bụng tiêu chảy do nhiễm lạnh: Rau răm (khô) 16g, bạch truật 12g, kinh giới 16g, lương khương 12g, quế 10g, gừng nướng 4g. Đổ nước 2 bát, sắc còn 1 bát. Chia 2 lần uống trong ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công dụng của rau răm, tía tô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO