Công khai, dân chủ để chống 'chạy'

H.Vũ (thực hiện) 17/12/2018 08:00

Theo kế hoạch trong tháng 12 các bộ, ngành địa phương phải hoàn thành quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Vậy làm sao để việc này đem tới kết quả cao, đặc biệt là chống được việc “chạy” quy hoạch.

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn - Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải công khai tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình, cách làm và mọi quá trình cần được thảo luận dân chủ.

Công khai, dân chủ  để chống 'chạy'

PGS TS Nguyễn Minh Tuấn.

PV:Trong tháng 12, các bộ, ngành địa phương phải hoàn thành việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Vậy theo ông chúng ta cần lưu tâm đến vấn đề gì trong quy hoạch cán bộ cấp chiến lược để lựa chọn được những người đủ đức, đủ tài, xứng đáng vào diện quy hoạch?

Ông Nguyễn Minh Tuấn: Việc chống chạy chức chạy quyền là chủ trương lớn của Đảng được nhân dân rất đồng tình ủng hộ, xuất phát từ yêu cầu quan trọng của nguồn quy hoạch cán bộ trong tương lai, và xuất phát từ khuyết điểm trong công tác quy hoạch của những khóa trước. Hàng loạt những vấn đề, giải pháp trong thời gian qua đã được đưa ra như Đảng đã hoàn thiện một số quy định để không tạo “kẽ hở” cho việc chạy chức, chạy quyền. Ví dụ như việc không quy hoạch cấp dưới thì không quy hoạch cấp trên, không quy hoạch vượt cấp, không trúng cử cấp này sẽ không lên cấp kia, và công khai những quy định như vậy.

Mặt khác, xác định những tiêu chuẩn ngày càng rõ hơn, đơn cử như tại Quy định 90 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định 89 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Trong những văn bản trên đã quy định rất rõ và chi tiết về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ năng lực, uy tín, sức khỏe, tín nhiệm.

Các quy trình về công tác quy hoạch cán bộ đã rõ ràng, dân chủ, công khai. Tôi cho rằng, trên cơ sở đó phải trao đổi tranh luận về các tiêu chuẩn, sau khi so sánh đối chiếu mới bỏ phiếu đánh giá khách quan công bằng, tránh việc “xin xỏ”, chạy phiếu. Khi phát hiện ra những trường hợp vi phạm cần phải xử lý ngay.

Làm sao để trải qua 3 bước ta sàng lọc được các trường hợp xứng đáng vào diện quy hoạch, thưa ông?

- Quy trình về các bước tiến hành, số lượng người tham gia cũng như các hình thức tiến hành rất dân chủ. Chỉ có điều bây giờ người tham gia vào việc lấy phiếu phải có trách nhiệm, ý thức chính trị cao, có sự nhận xét đánh giá của mình cho đúng với quy định của cấp trên. Đơn cử như không đưa vào Trung ương những người không có chính kiến, không dám đấu tranh, không dám bảo vệ, thấy sai không dám đương đầu. Bởi vì có một số trường hợp biết những người đó sai, để xảy ra các vi phạm như nội bộ mất đoàn kết, bảo thủ, nói không đi đôi với làm, để vợ, chồng, con cái mất uy tín, vụ lợi cá nhân khuyết điểm, không đủ sức khỏe nhưng vì nể nang, chỉ vì lợi ích cá nhân của mình nên cũng cho qua.

Cho nên phải tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của cơ quan tham mưu, chịu trách nhiệm trước những công việc mà mình tham mưu cho cấp ủy. Phải xác minh từ lý lịch để không giới thiệu cán bộ có nhiều khuyết điểm, hay từ khi lên chức thì mua nhà, sắm xe, mặc dù chưa xác minh được nhưng rõ ràng do quyền uy mà có thì những người đó cũng không đưa vào diện quy hoạch. Nếu vẫn đưa những người đó vào trong quy hoạch thì đó là trách nhiệm của từng cấp từng ngành, từng khâu trong giới thiệu.

Nhưng thưa ông, quan trọng làm sao công khai tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình để chống “chạy” quy hoạch?

- Muốn chống chạy quy hoạch bây giờ phải công khai tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình, cách làm và tại các cuộc họp phải thảo luận dân chủ về những cái đó. Nếu mỗi người đều lơ là, không quan tâm thì “con voi sẽ chui lọt lỗ kim”. Có trường hợp phát hiện được rồi nhưng ý thức chính trị kém cứ muốn “tống đi” cho nhanh để người khác còn lên chức chứ không phải không biết sai phạm, vì vậy phải có môi trường dân chủ để thảo luận. Nếu người chủ trì có trách nhiệm, làm rõ những vấn đề, chắc chắn sẽ không lọt được những người không có uy tín để làm lãnh đạo cấp cao.

Thưa ông, nếu chúng ta làm tốt công tác cán bộ, nhất là trong quy hoạch có góp phần kiểm soát được quyền lực, nghĩa là ngăn chặn ngay từ lúc đầu để những người không đủ tiêu chuẩn không tiến cao hơn?

- Muốn giám sát được cũng phải biết thông tin. Do đó công khai, minh bạch là một trong những giải pháp cực kỳ quan trọng để kiểm soát quyền lực. Rồi hoàn thiện quy chế, công khai quy chế, quy định cũng là một cách để kiểm soát. Thế nhưng quan trọng là người lãnh đạo có thực tâm tạo cơ hội, tạo điều kiện để kiểm soát quyền lực của người có chức, có quyền hay không?

Vừa qua Trung ương đã ban hành Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Nếu thực hiện tốt quy định trên và đối chiếu để lựa chọn thì chúng ta sẽ làm tốt được công tác quy hoạch cán bộ, thưa ông?

- Rõ ràng quy định của Trung ương đã rất rõ, trên cơ sở đó “soi” vào từng người để xác định có đủ tiêu chuẩn hay không rồi mới lựa chọn và bỏ phiếu. Nhiều khi biết rồi, biết họ có nhiều đất, nhiều nhà nhưng vẫn không có ý kiến gì mà vẫn cho người ta phiếu đó là trách nhiệm của anh. Cho nên trong một đất nước dân chủ, để lựa chọn cán bộ vào quy hoạch phải thảo luận nhiều từ lý lịch, bằng cấp, quá trình công tác của họ trước khi quyết định.

Tôi nói ví dụ như vấn đề sức khỏe chẳng hạn, chúng ta đã có quy định về vấn đề khám sức khỏe của cán bộ từ trung ương cho đến cấp thấp đều phải có hồ sơ về sức khỏe nhưng ai chịu trách nhiệm về sức khỏe? Cho nên các quy định phải cụ thể, ai phụ trách mảng đó chỉ có một người thôi, ai mà xác nhận không đúng phải chịu trách nhiệm.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công khai, dân chủ để chống 'chạy'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO