Công nghệ đồng hành chống dịch

Đức Trân - Lan Anh 01/09/2021 08:30

Theo nhận định của giới chuyên gia, trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 chưa từng có này, nhiều ứng dụng công nghệ đã đồng hành chống dịch và thực sự phát huy hiệu quả.

Kết nối khám chữa bệnh từ xa

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, dịch vụ khám chữa bệnh từ xa đã được áp dụng mạnh mẽ ở nhiều bệnh viện trên khắp các tỉnh, thành của cả nước. Tại nhiều cơ sở y tế, bệnh nhân chỉ cần có máy tính, điện thoại thông minh hay máy tính bảng là có thể kết nối với các bác sĩ để được tư vấn sức khoẻ (tư vấn qua các phần mềm video call, Facebook, Zalo…).

BS Đình Văn Huy, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Trong mùa dịch, khám chữa bệnh từ xa có thể giúp bệnh nhân, thân nhân người bệnh nắm tình hình bệnh ban đầu, sau đó sẽ có bước xử trí tiếp theo. Ví dụ, có những trường hợp nhẹ, bác sĩ có thể tư vấn điều trị tạm thời để bệnh nhân chưa phải đến bệnh viện ngay. Còn khi thấy bệnh nhân đang ở tình trạng nặng, cần can thiệp gấp, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân nhập viện để được khám và điều trị”.

Không dừng lại tại đó, áp dụng mạnh mẽ nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa còn mang lại lợi ích rất lớn cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế khẳng định: Telehealth (dịch vụ y tế thông qua hệ thống viễn thông) là giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời các ca bệnh Covid-19 nặng. Nền tảng này giúp tổ chức hội chẩn trực tuyến từ xa để nắm bắt và điều trị tốt nhất cho bệnh nhân Covid-19 và cả các bệnh khác. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Ứng dụng robot, AI vào điều trị bệnh nhân Covid-19

Ngay từ khi bắt đầu hoạt động, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 do Bệnh viện Trung ương Huế quản lý, đặt tại khuôn viên Bệnh viện Dã chiến 14 TP HCM đã triển khai những thiết bị hiện đại nhất để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, trong đó có robot.

BS Huỳnh Phúc Minh, Trưởng phòng Quản lý phòng bệnh và Cơ sở vật chất, Bệnh viện Trung ương Huế, người trực tiếp nghiên cứu Robot được sử dụng tại đây cho biết: Ngoài các chuyên gia, y bác sĩ giàu chuyên môn, nhiệt huyết, các công nghệ và thiết bị như Robot đều được đưa vào hoạt động. Robot sẽ nói chuyện với bệnh nhân và thông tin tình hình ra bên ngoài. Đồng thời, robot còn vận chuyển thức ăn, đồ uống, vật tư tiêu hao vào phòng bệnh. Robot này giúp y bác sĩ giảm áp lực khi hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân, tránh bị lây nhiễm trong quá trình điều trị cũng như góp phần giảm lây lan Covid-19 ra cộng đồng.

Song song với robot, Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được ứng dụng tại 5 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM là Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức. Với giải pháp AI Phổi - công nghệ tiên tiến nhất đang được sử dụng tại Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, các bệnh viện sẽ được hỗ trợ tốt nhất trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19 như theo dõi tình trạng phổi của bệnh nhân, quan sát vị trí tổn thương chính xác, giảm thời gian đọc X-quang phổi. Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo sẽ giúp các y bác sĩ giảm áp lực công việc và có thể đưa ra những quyết định điều trị thêm chính xác, kịp thời.

Sáng kiến mới trong công tác xét nghiệm

Thông tin với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Nguyễn Công Hoàng - Đại biểu Quốc hội khoá XV, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên bật mí: Phòng xét nghiệm Covid-19 của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã sáng tạo được phương pháp xét nghiệm mới bằng cách làm giàu mẫu xét nghiệm. Với phương pháp xét nghiệm mới này, chi phí mỗi lần xét nghiệm giảm đi 100 lần so với cách xét nghiệm Covid-19 trước đó, từ 750.000 xuống chỉ còn 7.000 đồng. Bên cạnh đó, sáng kiến này chỉ thay đổi một số bước trong quy trình xét nghiệm nên sẽ không cần chi phí đầu tư máy móc, trang thiết bị mới. Nếu phương pháp này được áp dụng, chi phí để xét nghiệm diện rộng, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng sẽ tiết kiệm được rất nhiều.

Được biết, sáng kiến này đã được Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên gửi tới Ban Khoa học, công nghệ và môi trường, Quốc hội để xem xét phê duyệt triển khai.

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho hay: Trong thời đại 4.0 như hiện nay, công nghệ đã áp dụng mạnh mẽ vào công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. ứng dụng AI trong công tác khám chữa bệnh, bệnh án điện tử, khám chữa bệnh từ xa đều đã được áp dụng để người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Trong tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, yếu tố công nghệ là một trong những yếu tố then chốt để giúp chúng ta sớm đẩy lùi dịch bệnh. Đơn cử, nếu theo phương thức truyền thống, để truy vết nhân viên y tế cần hỏi F0 nhiều lần để xác định địa điểm F0 từng đến, những người F0 tiếp xúc gần khiến công tác truy vết tốn nhiều thời gian và nhân lực. Áp dụng công nghệ hiện nay, thông qua các phần mềm khai báo y tế, mã QR, hệ thống quản lý tiếp xúc gần, chúng ta nhanh chóng có được thông tin dữ liệu trong 14 ngày khi có ca nhiễm mới.

Có thể khẳng định, với sự xuất hiện và ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ vào mọi mặt trong cuộc chiến chống Covid-19, công tác phát hiện, truy vết, tiêm vaccine và điều trị bệnh nhân Covid-19 đang được thực hiện hiệu quả, kịp thời và giảm thiệt hại, giảm chi phí đến mức thấp nhất do dịch bệnh gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nghệ đồng hành chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO