Công sở không phải nơi trình diễn thời trang

Từ Khôi 10/09/2020 08:00

Nam, nữ công chức, viên chức, người lao động mặc áo dài đến công sở làm việc vào sáng thứ Hai đầu tuần, đầu tháng đúng hay sai? Câu hỏi này nảy sinh khi mới đây Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai cho cán bộ công chức mặc áo dài truyền thống vào ngày 7/9.

Nam công chức Huế trong áo dài nam truyền thống. Ảnh: VTH.

Việc mặc áo dài nữ trước nay đã rất “thuận mắt”. Không chỉ trong những dịp lễ, đại hội, hội nghị, muốn thể hiện sự tôn nghiêm, mà ở những cơ quan, công ty, khách sạn muốn thể hiện sự trang trọng, nữ nhân viên đều mặc áo dài. Còn với nam, có lẽ việc mặc áo dài thường bắt gặp khi vào ngày lễ, ở nơi đình chùa, miếu mạo hay là dịp trình diễn thời trang.

Câu chuyện mặc áo dài với nam, nữ cán bộ, nhân viên của ngành văn hóa thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế vào ngày 7/9 không phải việc ngẫu hứng. Trước đó, vào ngày 8/7, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức Hội thảo khoa học “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”.

Hội thảo là một trong chuỗi sự kiện kỷ niệm tri ân các vị tiền nhân, tôn vinh nét đẹp truyền thống của áo dài Huế. Tham dự Hội thảo có Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ; Đại diện Bộ VHTTDL, Hội LHPN Việt Nam; các nhân sĩ, trí thức, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nhà thiết kế - may mặc trong và ngoài tỉnh. Tại Hội thảo này, ông Phan Ngọc Thọ và nhiều đại biểu đều mặc áo dài ngũ thân truyền thống.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng: Áo dài ngũ thân cho nam giới không phải là áo lễ mà là thường phục truyền thống của đàn ông Việt Nam có từ thời cải cách trang phục chúa Nguyễn Phúc Khoát (năm 1744). Vì lẽ đó, sáng ngày 9/7, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc, Hệ 9 Tiền biên tổ chức húy kỵ và tri ân Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát tại lăng Trường Thái và Triệu Tổ Miếu. Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ mặc áo dài ngũ thân tới dự buổi lễ.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo ngày 8/7, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá cao những trao đổi, thảo luận, góp ý mang tính xây dựng, có tính khoa học cao nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”.

Và cho biết: Trong thời gian tới tỉnh sẽ triển khai các giải pháp để khích lệ, cổ vũ người dân mặc áo dài truyền thống không chỉ trong các dịp lễ nghi mà có thể mở rộng trong các sinh hoạt cộng đồng, để tôn thêm vẻ đẹp cho thiên nhiên, phong cảnh và con người Huế; làm cho Huế đẹp hơn, nên thơ hơn, khẳng định áo dài là quốc phục Việt Nam.

Ông Phan Ngọc Thọ nói: “Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, phát động nhiều chương trình để lan tỏa nét đẹp văn hóa Huế qua trang phục áo dài truyền thống. Tôi đã có thư ngỏ vận động cán bộ công sở, giáo viên, học sinh, sinh viên trên toàn tỉnh cùng mặc áo dài ít nhất 2 ngày/tuần; miễn phí vé tham quan di sản Huế đối với phụ nữ mặc áo dài truyền thống trong các ngày lễ, Tết.

Tới đây, bản thân tôi sẽ mặc áo dài trong các cuộc tiếp đại sứ nước ngoài đến thăm và làm việc tại Huế nhằm quảng bá giá trị văn hóa áo dài truyền thống Huế cũng như làm gương để cán bộ, công viên chức noi theo”.

Trái với quan điểm chúa Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát là người quy định về trang phục áo dài, hay là “ông tổ áo dài ngũ thân”, tại Hội thảo ngày 8/7, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan cho rằng: Cần xem lại có đúng chúa Nguyễn Phúc Khoát đã định ra việc mặc áo dài không? Bởi vì sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn lại chép rằng chúa đã khiến phụ nữ mặc áo ngắn, hẹp tay như áo đàn ông, chứ không nói về áo dài hay áo năm thân - tiền thân của áo dài.

Từ sự khích lệ của Chủ tịch tỉnh Phan Ngọc Thọ, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên-Huế Phan Thanh Hải đã “thử nghiệm” việc mặc áo dài với cán bộ nam nữ của Sở. Ông Hải cho phóng viên báo chí biết: “Thực tế, Sở VHTT hoàn toàn không biến nó thành trang phục công sở mà chỉ mong muốn khuyến khích mọi người nhớ đến di sản văn hóa và phục hồi di sản văn hóa đó của dân tộc”.

Về khía cạnh mặc áo dài ngũ thân có gây trở ngại gì đến công việc tại công sở hay không, ông Phan Thanh Hải cho rằng vào ngày thứ Hai và thứ Sáu, phụ nữ đều mặc áo dài đi làm nên việc nam công chức mặc áo dài ngũ thân đến công sở vào ngày thứ Hai đầu tuần mỗi tháng cũng không bất tiện. Ông Hải nói: “Áo ngũ thân có thể mặc bất cứ lúc nào vì tà ngắn, quần hai ống, cho phép đi giày tây cũng rất trang nghiêm, kín đáo, tiện lợi và năng động”.

Nếu như nam cán bộ nhân viên ngành văn hóa thể thao của tỉnh Thừa Thiên-Huế thấy mặc áo dài ngũ thân truyền thống không hề bất tiện, và họ thích mặc khi đến công sở thì sao? Có phạm quy định gì không? Câu trả lời nằm tại Điều 5, Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước (Ban hành kèm theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 2/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ): “1. Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự. 2. Cán bộ, công chức, viên chức có trang phục riêng thì thực hiện theo quy định của pháp luật. Điều 6. Lễ phục. Lễ phục của cán bộ, công chức, viên chức là trang phục chính thức được sử dụng trong những buổi lễ, cuộc họp trọng thể, các cuộc tiếp khách nước ngoài. 1. Lễ phục của nam cán bộ, công chức, viên chức: bộ comple, áo sơ mi, cravat. 2. Lễ phục của nữ cán bộ, công chức, viên chức: áo dài truyền thống, bộ comple nữ. 3. Đối với cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, trang phục ngày hội dân tộc cũng coi là lễ phục”.

Còn tại Quyết định số 48/2018/QĐ-UBND ban hành Quy định về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày 31/8/2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, có hiệu lực kể từ ngày 10/9/2018 thì: “Về trang phục làm việc, khi thực hiện nhiệm vụ, công chức phải mặc trang phục lịch sự, gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu. Trang phục được quy định như sau: Đối với nam: Mặc quần tây, áo sơmi; bộ com-lê nam.

Đối với nữ: Bộ áo dài truyền thống; váy dài; bộ com-lê nữ; quần tây và áo sơ mi. Cán bộ, công chức, viên chức nữ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh mặc Bộ áo dài truyền thống vào ngày thứ Hai hàng tuần (Đối với những ngành có quy định riêng về đồng phục thì thực hiện theo quy định của ngành đó)”.

Như vậy, nếu các cơ quan hành chính của tỉnh Thừa Thiên-Huế muốn cán bộ, nhân viên, người lao động mặc áo dài nơi công sở thì cần có những điều chỉnh trong quy định nội bộ.

Áo dài là đỉnh cao trang phục truyền thống một thời. Tất nhiên ý nghĩa mặc áo dài để tri ân và nhớ về văn hóa truyền thống là tốt (không cứ là của chúa Nguyễn Phúc Khoát hay không, mà nó đã là truyền thống một thời), và chắc chắn là hơn phục trang truyền thống kiểu “cởi trần đóng khố, xăm mình” xa xưa. Tuy nhiên, những người quản lý Nhà nước, quản lý ngành nên lưu ý: Đến thế kỷ 20, phong trào cổ vũ âu phục lên ngôi không phải không có lý do.

Trong các lý do nổi bật là sự tiện lợi và hình thức của âu phục hơn hẳn. Vì vậy, việc ăn mặc áo dài truyền thống với nam, nữ cán bộ, nhân viên chỉ nên áp dụng với ngành văn hóa, du lịch trong những ngày, dịp cần thiết chứ không nên đại trà, rộng khắp.

Bởi vì, công dân đến các cơ quan công sở là để giải quyết các công việc, chứ không phải là đến để xem trình diễn áo dài, hay giáo dục về văn hóa truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công sở không phải nơi trình diễn thời trang

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO