‘Công trường vàng tặc’ ở Bồng Miêu

Tấn Thành - Chí Đại 08/04/2021 06:30

Thời gian gần đây, tình trạng khai thác vàng trái phép ở bãi vàng Bồng Miêu, thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam tiếp tục diễn ra rầm rộ, tài nguyên bị thất thoát và môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Lở lói bãi vàng Bồng Miêu.

Phận phu vàng

Những ngày qua, nhóm phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã “đeo bám” mỏ vàng Bồng Miêu, đi nhiều nơi để tìm hiểu về tình trạng khai thác vàng trái phép ở nơi đây. Để đi vào mỏ vàng này, chúng tôi theo những con đường đất mòn, dốc đá dựng đứng. Càng tiến sâu vào bên trong bãi vàng Bồng Miêu, thấy nước nhiều con suối nước càng chảy đục ngầu. Vào sâu bên trong bãi vàng, nhiều tiếng máy nổ vang khắp cả một góc rừng.

Tại khu vực Đồi Sim, hàng chục lán trại của các phu vàng dựng ẩn mình giữa lùm cây xanh. Cạnh đó là những con người đang cặm cụi dùng cuốc, xà beng và các dụng cụ khác đào bời tìm quặng cho vào xe rùa rồi vận chuyển đến những nơi máy xoay để lấy quặng vàng.

Cảnh người đào lấy quặng, vận chuyển quặng đến nơi tập kết hay nơi xoay quặng, người bắt ống hút nước từ các con suối lên cho chảy vào máng để rửa trôi đi lớp đất đá lấy quặng, cùng với tiếng người và âm thanh máy nổ, khiến cho nơi đây như đại công trường khai thác vàng.

Khi chúng tôi di chuyển qua những cánh rừng keo đến thung lũng phía bên ngoài Lò 10, chứng kiến, cứ mỗi điểm có vài lán trại để phu vàng ăn ở và 1 lều bạt để hoạt động xoay đá lấy quặng. Cảnh cả khu đất rộng đã bị cày xới đào lấy quặng để lại cảnh tượng như các hố bom. Cùng đó là các bể hóa chất, xái quặng được phu vàng chôn tạm bợ tại chỗ bốc mùi nồng nặc. Thấy người lạ đến, một số thanh niên liền tắt máy móc và ngừng làm việc bỏ đi vào sâu trong rừng keo lẩn trốn.

Trong vai người đi tìm việc làm, chúng tôi tiến lại gần trò chuyện với các phu vàng, anh Trần Thanh V (trú huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho biết, anh và mọi người được một ông chủ bãi đưa lên đây làm từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đến nay, mỗi ngày họ trả công cho mỗi người 200 ngàn đồng.

“Công việc làm rất vất vả vì chủ yếu là dùng cuốc và sức lực đào đất đá tìm quặng rồi đưa vào máy xoay. Trong lúc làm việc, nếu thấy lực lượng công an vào truy quét là mọi người bỏ chạy vào trong núi. Thời gian gần đây lực lượng công an truy quét liên tục nên công việc làm thường xuyên bị gián đoạn”- anh V nói.

Cũng theo anh V, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đợt mưa bão cuối năm 2020, khiến các công việc lao động phổ thông rất ít nên anh xin đi làm phu vàng để kiếm tiền về lo cho gia đình.

Một thanh niên khác cho hay: “Lâu nay công an lên truy quét liên tục. Cách đây mấy hôm lán trại em bị họ phá bỏ, sau đó họ rút đi, bọn em đi xuống núi mua bạt, ống dây nước để làm lại nhằm gỡ vốn. Ở đây chủ yếu người dân địa phương làm nhỏ lẻ, còn vào sâu hơn nữa trong các hầm lò 10, bãi Thầu Đâu, khu AD…họ thuê nhiều nhân công ngoài Bắc vào làm với quy mô lớn hơn nhiều”.

Khó kiểm soát

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng khai thác vàng trái phép ở mỏ vàng Bồng Miêu diễn ra xưa nay. Nhưng rầm rộ nhất là từ khi Công ty Vàng Bồng Miêu chấm dứt hoạt động ở mỏ vàng này. Thay vào đó là các chủ bãi tổ chức khai thác trái phép ở nhiều điểm, từ ngoài bãi lộ thiên đến các hầm lò. Họ thuê nhân công ở tứ xử về đây để làm.

Công việc của phu vàng là hết sức nguy hiểm. Họ đào sâu vào trong lòng đất để tìm quặng vàng, hoặc vào các hầm lò có từ thời người Pháp khai thác để đục lấy quặng. Do đó họ luôn đối diện với nguy cơ sạt lở đất, đá. Tam Lãnh cũng đã từng xảy ra trận sạt lở núi đè chết 7 phu vàng. Việc làm của họ cũng gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thế nhưng tình cảnh này cứ diễn ra mà chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng chưa triệt tiêu được.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Cao Văn Lĩnh, Trưởng Công an xã Tam Lãnh cho biết, từ tháng 12/2020 đến cuối tháng 3/2021, Công an xã Tam Lãnh đã tổ chức 7 đợt truy quét, kiểm tra, xử lý tình hình khai thác vàng trái phép tại địa phương. Qua đó phát hiện, tiêu hủy, làm mất tác dụng hoàn toàn 10 máy nổ, 1 cối xoay đá, 27 lán trại, 61 hồ hóa chất, khoảng hơn hơn 8.000 m bạt, hơn 5.000 m dây nước, 1 tấn vôi; 30 bao đá quặng...

Về tình trạng vàng tặc hiện nay, Trung tá Lĩnh cho rằng, do lực lượng Công an xã ít, trong khi đó địa bàn khai thác vàng ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu rộng, đồi núi hiểm trở, tiếp giáp với các huyện miền núi nên mỗi lần tổ chức truy quét các đối tượng làm vàng trái phép bỏ chạy trốn vào rừng sâu gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Ngoài ra, lực lượng Công an xã còn làm nhiệm bảo đảm an ninh trật tự và công tác phòng chống dịch Covid-19 ở địa phương.

Trong khi đó, ông Huỳnh Xuân Chính, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết: Trước và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, lực lượng Công an huyện đã tổ chức nhiều đợt truy quét ở bãi vàng Bồng Miêu và đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép. UBND huyện Phú Ninh cũng đã ban hành kế hoạch về các đợt truy quét vàng tặc ở bãi vàng Bồng Miêu trong thời gian sắp tới.

Tuy nhiên có một thực tế, đẩy đuổi xong thì nơi đây lại diễn ra cảnh khai thác vàng trái phép, ngày càng nóng hơn. Vậy bài toán lập lại trật tự ở mỏ vàng đến khi nào mới hiệu quả?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Công trường vàng tặc’ ở Bồng Miêu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO