Công ty cấp nước Đà Nẵng lo dự án xử lý rác gây ô nhiễm: Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nói gì?

Tấn Thành 28/05/2019 08:30

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trước sự việc Công ty cấp nước Đà Nẵng có văn bản gửi HĐND, UBND TP Đà Nẵng đề nghị can thiệp với chính quyền tỉnh Quảng Nam đối với Khu xử lý rác Đại Hiệp và Nhà máy xử lý rác Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam do có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố Đà Nẵng là chưa có cơ sở.

Công ty cấp nước Đà Nẵng lo dự án xử lý rác gây ô nhiễm: Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nói gì?

Khu xử lý rác Đại Hiệp sẽ tạm dừng hoạt động.

Ông Thanh chia sẻ: “Với tinh thần cầu thị, sáng ngày 25/5 tôi đã đi khảo sát lại một lần nữa, từ vị trí đặt nhà máy đến điểm tiếp cận gần nhất của sông Yên cho đến khu vực sông thuộc đập dâng An Trạch. Qua đó, có thể thấy rằng lo lắng của Công ty cấp nước Đà Nẵng là quá xa và không phù hợp với thực tế”.

Theo ông Thanh, Khu xử lý rác Đại Hiệp nằm trên núi thấp phía Tây Quốc lộ 14B, tiếp giáp khu nghĩa địa nhân dân và mỏ đá xây dựng của doanh nghiệp, hoạt động từ năm 2003 đến nay nhằm thu gom xử lý rác cho huyện Đại Lộc và một số địa phương lân cận bằng công nghệ chôn lấp. Ngay từ khi chọn lựa vị trí đã khảo sát, đánh giá rất kỹ tác động đến môi trường xung quanh. Hơn 15 năm qua, chưa có vấn đề gì về môi trường. Tuy nhiên, hiện bãi rác đã đầy (300.000m3) nên phải tìm một vị trí khác, đồng thời lựa chọn công nghệ tiên tiến hơn. Khu chôn lấp rác Đại Hiệp sẽ dừng hoạt động, được xử lý phục hồi môi trường và trồng lại cây xanh.

Vị trí Nhà máy xử lý rác Đại Nghĩa đã được chọn, nơi đây cách Khu xử lý rác Đại Hiệp 400m về phía Tây, cũng thuộc khu núi thấp, nơi dân đang trồng keo nhưng sâu hơn và cao hơn (cao trình +162m để kín gió và hạn chế lượng nước mưa đổ về nhà máy), cách nhà dân gần nhất thuộc xã Đại Nghĩa theo đường chim bay 1.100m, cách nhà dân gần nhất thuộc xã Hòa Khương trên 4.000m (so với quy chuẩn 500m).

Nhà máy sử dụng công nghệ lò đốt RS-VINABIMA-5000 của Công ty máy xây dựng Vinabima Tiên Sơn có công suất tối đa 240 tấn/ngày, giai đoạn đầu khoảng 150 tấn/ngày. Đây là một trong những công nghệ đốt tiên tiến và phù hợp nhất hiện nay trong điều kiện của Việt Nam, đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định tại Công văn số 3016/BKHCN-ĐTG ngày 25/9/2018 và được áp dụng rất thành công về xử lý rác thải cho các tỉnh thành trong nước như Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội....

Chủ dự án là Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam và các cơ quan quản lý môi trường, công nghệ tỉnh Quảng Nam đã đi thực tế tại các địa phương có lò đốt theo công nghệ này trước khi quyết định lựa chọn. “Hội đồng khoa học, chủ trì là Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Bùi Văn Ga (nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) làm Chủ tịch, đã thẩm định rất nghiêm túc công nghệ gắn với vị trí xây dựng nhà máy, sau đó đã được chỉnh sửa bổ sung và Sở Tài nguyên – Môi trường thẩm định Đánh giá tác động môi trường trình UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt tại Quyết định số 223/QĐ-UBND ngày 23/01/2019”- ông Thanh khẳng định.

Toàn bộ các hạng mục công trình của Dự án được khép kín trong khuôn viên nhà máy, cách ly với môi trường bên ngoài bằng tường rào xây kín bao xung quanh. Phía ngoài tường rào có rãnh thu nước để toàn bộ nước bên ngoài cho dù trời mưa to cũng không chảy vào khu vực nhà máy. Rác thải được vận chuyển về đây sẽ đưa vào tập trung trong bể xây bê tông thuộc khu nhà chứa khép kín rộng 3.168m2, cách ly hoàn toàn với bên ngoài, đồng thời phun chế phẩm khử mùi, tiệt trùng và đốt ngay trong ngày.

Ngoài ra, còn có hệ thống thu gom khí tại bể chứa để dẫn về lò đốt, bổ sung không khí cho quá trình đốt theo chu trình khép kín, vì vậy đứng ngay trong nhà máy cũng gần như không có mùi. Hơi nóng của lò đốt sẽ được tận dụng để sấy khô rác. Nước rỉ rác vì vậy có rất ít và nằm gọn trong bể chứa, được dẫn vào hệ thống 4 bể xử lý rồi chuyển qua chứa trong bể sinh học (dung tích tối đa 3.500m3), từ đây lại được lắng và chuyển qua bể chứa nước để tái sử dụng làm mát cho thiết bị đốt, đồng thời cũng là bể nước cho công tác PCCC.

Nước rửa sàn, rửa xe cũng được thực hiện bên trong nhà máy và thu gom bổ sung nguồn nước làm mát, kể cả nước mặt (nước mưa) trong khuôn viên 3ha của nhà máy cũng vậy (không phải 7ha, vì 4ha là đường giao thông dẫn vào nhà máy được tính chung trong Dự án). Như vậy, có thể thấy nước thải vừa rất ít (tối đa 65m3/ngày), vừa được xử lý tuần hoàn, không xả ra bên ngoài (quá nhỏ so với dung tích hồ chứa).

“Như vậy có thể khẳng định về cơ bản không có nước bẩn do hoạt động của nhà máy xả thải ra môi trường, vậy thì lấy đâu ra nước đổ về sông Yên? Chưa kể do địa hình nên hướng thoát nước mặt của lưu vực này (chỉ có nước khi trời mưa) đều tập trung về trữ tại đập Mười Tấn cách đó 1.200m (hồ này dung tích nhỏ, tưới cho 3ha và đang chuyển đổi để không dùng cho nông nghiệp nữa vì có nguồn khác thay thế ổn định hơn). Vì vậy, lo lắng của Công ty Cấp nước Đà Nẵng là quá xa và không phù hợp với thực tế” - ông Thanh khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công ty cấp nước Đà Nẵng lo dự án xử lý rác gây ô nhiễm: Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nói gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO