Cột điện bị gió thổi bay

Bắc Phong 22/09/2020 08:50

Vào gần bờ, bão số 5 suy yếu nên không gây thiệt hại quá lớn. Đó là điều rất may mắn. Tuy thế thì tại 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, thiệt hại cũng không hề nhỏ. Đặc biệt, bão số 5 đã quật đổ rất nhiều cột điện tại đây, khiến việc khắc phục khó khăn, cuộc sống sinh hoạt cũng như sản xuất trong vùng bị xáo trộn.

Một cây cột điện bị “tiện ngang” trong bão số 5. Ảnh: Hữu Long.

Nhất là tại Thừa Thiên-Huế, truyền thông dẫn số liệu của Công ty Điện lực tỉnh này, bão số 5 đã gây mất điện 280.000 khách hàng, gần 200 cột điện gẫy, đỗ. Chi tiết hơn, có tới 150 cột điện gãy ngang, 45 cột bị nghiêng và hơn 200 trạm biến áp hư hỏng phải cắt điện.

Lãnh đạo điện lực tỉnh này giải thích phần lớn cột điện bị gãy đổ là cột dự ứng lực. Có nghĩa là cột điện hiện nay là cột dự ứng lực, là thép chịu lực đường kính nhỏ không giống như thép truyền thống. Cột truyền thống là phi 16, phi 18. Cột bây giờ chỉ có phi 8, 10, 12, tùy theo loại cột và chịu ứng lực, nên khi gẫy là… đứt luôn.

Còn đại diện Tổng Công ty Điện lực miền Trung cho rằng, từ thực tế hàng trăm cột điện ngã đổ trong cơn bão số 5 vừa qua cần phải xem xét, đánh giá lại khả năng chống chịu mưa bão của các cột dự ứng lực.

Truyền thông dẫn lời ông Nguyễn Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung rằng: Theo như chúng tôi đánh giá, khi thiết kế người ta tính toán lựa chọn cột cũng như là kết cấu đường dây dựa trên tiêu chuẩn thiết kế Việt Nam và đã được thẩm duyệt. Tuy nhiên một số vị trí cột dự ứng lực bị gãy đổ trước bão, sẽ được đánh giá lại đầy đủ để lựa chọn giải pháp là những khu vực bão lụt có nên tiếp tục sử dụng cột dự ứng lực nữa hay không? Có đánh giá lại xem cột này có phù hợp với môi trường hay bị bão lụt, sẽ có khuyến cáo từ cơ quan quản lý tiêu chuẩn.

Thôi thì hàng trăm cột điện gẫy đổ thì đã gẫy đổ rồi, giải thích nguyên nhân từ cơ quan phải chịu trách nhiệm thì đã giải thích rồi, người dân và doanh nghiệp… chịu cảnh mất điện thì đã phải chịu rồi; tất cả đều “đã rồi” và rồi đây cơ quan chức năng có thẩm quyền chắc rằng cũng sẽ xem xét xem thực hư ra sao. Nhưng, vấn đề nổi lên là một lần nữa thiên tai đã lại bị con người đem ra để trút lỗi.

Là quốc gia có đường bờ biển chạy dài, ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu nên Việt Nam phải chịu nhiều tác động xấu từ các hình thức cực đoan của thời tiết. Mỗi khi mưa bão đến, chính quyền cùng người dân lại ra sức chống chọi. Những trận bão đổ bộ vào đất liền cũng như hoàn lưu bão đã cuốn đi biết bao tài sản của người dân, làm đảo lộn sinh hoạt, việc khắc phục cực khó khăn. Mưa bão cũng cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội. Không chỉ gây ra lũ lụt mà nạn sạt lở đất cũng thật khủng khiếp.

Nhưng không phải vì thế mà mọi “tội lỗi” đều dồn hết cho Trời. Không thể đem thiên tai ra để xí xóa trách nhiệm của con người. Dư luận từng cho rằng không ít đối tượng làm ăn gian dối chỉ mong có bão lũ để xóa đi thói làm ăn gian dối của mình.

Trở lại với hàng trăm cột điện ở Thừa Thiên-Huế bị đổ gẫy trong một trận bão không thật lớn, không thể nói rằng những dị nghị của dư luận xã hội là vô lý. Không thể không xót xa, không lo lắng trước thực tế ấy. Làm cách gì thì làm, nhưng không thể để cho hàng trăm cột điện bị đổ gẫy cùng một lúc chỉ vì một trận bão đã suy yếu khi vào bờ. Phải có người chịu trách nhiệm chứ không thể đổ hết cho thiên tai.

Thực tế cho thấy, đất nước đã phải chịu quá nhiều thiệt hại từ thiên tai, trong đó rõ nhất là từ những trận bão. Mỗi khi có bão, lại xuất hiện chuyện sạt lở các bờ kè, đường giao thông, cầu cống. Nó cứ lặp đi lặp lại như một điều tất nhiên mà không ai chịu trách nhiệm. Bao nhiêu tiền của đổ vào xây dựng những công trình ấy bị cuốn đi trong sự xót xa. Vậy thì phải có ai chịu trách nhiệm chứ không thể mãi mãi là do ông Trời.

Chẳng lẽ cứ để người dân mất ăn mất ngủ mỗi khi sắp có bão ập vào trong khi có những kẻ lại chỉ mong có bão giúp làm hỏng các công trình hòng xóa sạch tất cả những điều ăn gian làm dối?

Chính vì thế dư luận trông đợi sự vào cuộc của cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét một cách kĩ lưỡng việc hàng trăm cây cột điện ở Thừa Thiên-Huế bị đổ gẫy chỉ vì một trận bão. Nếu chỉ dừng lại ở việc đơn vị “trồng cột điện” lại đứng ra giải thích việc đổ gẫy thì không thể khách quan.

Thật khó tin khi hàng trăm cây cột điện bê tông cốt thép lại bị gió thổi bay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cột điện bị gió thổi bay

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO