Covid-19 khi nào chấm dứt?

Mai Phương 06/10/2021 06:00

Covid-19 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố là đại dịch từ ngày 11/3/2020. Câu hỏi đặt ra là: Khi nào đại dịch sẽ chấm dứt? Nhiều chuyên gia đã đưa ra những dự đoán về “số phận” của đại dịch này trong tương lai.

Những cái nhìn khả quan

Theo một bài báo của Đài phát thanh công cộng quốc gia Mỹ (NPR), thông thường, 3 tháng một lần, WHO triệu tập một ủy ban quốc tế để xác định xem, một vụ bùng phát dịch bệnh có thể được coi là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu hay không. Khi một dịch bệnh được kiểm soát, WHO tuyên bố dịch bệnh đó kết thúc. Đó là những gì tổ chức này đã làm vào mùa hè năm ngoái liên quan đến sự bùng phát dịch Ebola ở châu Phi.

Nhưng, đối với Covid-19, có lẽ sẽ không đơn giản như vậy, nói như lời Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus: “Không ai trong chúng ta an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn”.

NPR nhận định, khi Covid-19 chấm dứt sự lây lan trên toàn thế giới, nó sẽ không còn được coi là một đại dịch nữa. “Nói chung, nếu sự lây lan trên toàn thế giới của một căn bệnh được kiểm soát và chỉ còn tồn tại ở một khu vực, chúng ta có thể tuyên bố rằng nó không còn là một đại dịch nữa mà chỉ là một bệnh dịch”, đại diện WHO nói. Trong khi đó, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Nghiên cứu Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm của Mỹ nhận định rằng, Mỹ sẽ phần nào kiểm soát được dịch Covid-19 vào mùa xuân trong khi CEO của Moderna – ông Stéphane Bancel dự đoán, đại dịch có thể kết thúc trong 1 năm nữa. “Nếu bạn nhìn vào sự mở rộng khả năng sản xuất vaccine trong 6 tháng qua, chúng ta sẽ có đủ số liều vaccine trong năm tới để tất cả mọi người trên toàn cầu đều có thể tiêm vaccine”, CEO Moderna dự đoán.

Bình luận về dự đoán của ông Bancel, Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins nhận định: “Giai đoạn nghiêm trọng của đại dịch này có thể sẽ dịu dần vào năm 2022. Khi ngày càng nhiều người phát triển miễn dịch tự nhiên hoặc được tiêm vaccine thì đại dịch này sẽ không còn là mối lo của thế giới nữa, bởi khi đó, virus khó có thể gây nên nhiều trường hợp nghiêm trọng, nhập viện hoặc tử vong như giai đoạn hiện nay”.

John Brownstein, một nhà dịch tễ học tại Bệnh viện Nhi Boston có quan điểm tương tự khi khẳng định, có những lý do để lạc quan rằng chúng ta sẽ thoát khỏi đại dịch. Chung quan điểm, ông Albert Bourla, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng dược Pfizer bày tỏ kỳ vọng, cuộc sống bình thường có thể quay trở lại “trong vòng một năm nữa”. Tuy vậy, Albert Bourla vẫn cảnh báo: “Như thế không có nghĩa là các biến thể sẽ không xuất hiện. Tôi cho rằng chúng ta không thể tiếp tục sống an toàn mà không cần tiêm phòng”.

Bên cạnh đó, theo những thống kê gần đây, số ca nhiễm biến thể Delta đang đạt đỉnh và tỷ lệ ca mắc mới sẽ giảm liên tục trong mùa đông này.

Chuẩn bị sẵn phương án trước diễn biến bất ngờ

Dù lạc quan với tình hình dịch bệnh trong tương lai gần, xong chuyên gia Brownstein cũng cảnh báo, sự xuất hiện của biến thể mới có khả năng chống lại tính hiệu quả của vaccine, và như vậy tình hình có thể thay đổi bất cứ lúc nào. “Chúng ta đã nhiều lần bất ngờ về đại dịch này, nó có thể khiến cho khung thời gian mà chúng ta dự đoán trở nên sai hoàn toàn”, chuyên gia Brownstein nhận định.

Cùng quan điểm, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Vidya Mony tại Trung tâm Y tế Thung lũng Santa Clara tại San Jose, California đưa ra góc nhìn: Việc cho rằng đại dịch sẽ kết thúc trong 1 năm nữa là nhận định “khá lạc quan”. Theo vị này, bản chất của đại dịch cần những giải pháp mang tính toàn cầu. “Đây là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh và rộng. Trừ khi có thể tiêm vaccine cho toàn thế giới, nếu không chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những biến thể mới xuất hiện và tiếp tục lây nhiễm”, bà Mony đánh giá.

David Hirschwerk, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Northwell Health ở Manhasset, New York thì cho rằng, trong khi tiêm vaccine là biện pháp để thoát khỏi đại dịch thì tâm lý ngần ngại tiêm vaccine khiến ông hoài nghi về kết quả.

“Tôi hy vọng các mô hình trên dự đoán đúng nhưng có quá nhiều điều bất ngờ không báo trước về virus này. Do đó, tôi chưa sẵn sàng để đưa ra một dự đoán”, chuyên gia Hirschwerk nói.

Con số thống kê cho biết, hơn 5,66 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên khắp thế giới, song thành công của chương trình tiêm chủng này không đồng đều giữa các khu vực. Nếu tỷ lệ tiêm chủng đạt khá cao tại một số khu vực, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), Bắc Mỹ và Trung Quốc, thì ở hầu hết quốc gia châu Phi, mới chỉ có gần 5% dân số được tiêm đủ hai mũi vaccine. Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới cũng mới chỉ tiêm đủ hai mũi vaccine cho khoảng 26% dân số. Đây là lý do các nhà khoa học cho rằng thế giới cần đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine và có thể sẽ giống như bệnh cúm, người dân cần phải tiêm vaccine nhắc lại thường xuyên để duy trì khả năng bảo vệ khi virus tiến hóa.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta vẫn sẽ sống tốt dù Covid-19 vẫn tồn tại. Phân tích trên tờ New York Times, Tiến sĩ Aaron E. Carroll của Trường Y, Đại học Indiana, Mỹ cho rằng, cần thực hiện một lộ trình để tiến tới bình thường mới.

“Bình thường mới không có nghĩa là an toàn tuyệt đối. Một thế giới an toàn hơn có thể sẽ vẫn có Covid-19 trong đó”, Tiến sĩ Carroll nhấn mạnh và cho rằng: Ngoài ra, việc xét nghiệm trên diện rộng cũng cần phải tiến hành, ngay cả đối với những người không có triệu chứng, để đo lường được những tiến bộ của cộng đồng trong cuộc chiến với Covid-19.

“Chúng ta sẽ vẫn sống tốt dù Covid-19 không hoàn toàn biến mất. Không chỉ có vậy, một cuộc sống bình thường mới cũng sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các căn bệnh truyền nhiễm khác”, Tiến sĩ Carroll cho biết.

Theo Phó Giáo sư về lịch sử y học thuộc Đại học Oxford Erica Charters, đại dịch Covid-19 sẽ chấm dứt ở từng nơi vào những thời điểm khác nhau - như những gì đã diễn ra trong quá khứ. Chính phủ các nước sẽ phải đưa ra quyết định sẵn sàng sống chung được với dịch bệnh ở cấp độ nào. Cách tiếp cận cũng khác nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Covid-19 khi nào chấm dứt?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO