Covid-19, tiêm hay đợi thuốc?

Thanh Đức 15/11/2021 06:00

Thuốc điều trị Covid-19 không thể thay thế vaccine, không nên nhầm lẫn giữa lợi ích của các phương pháp điều trị với việc phòng ngừa bằng tiêm chủng. Đó là cảnh báo của nhiều chuyên gia y tế đối với những người có tâm lý do dự tiêm vaccine ngừa Covid-19...

Theo nhiều chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, những loại thuốc điều trị Covid-19 kháng virus không thể thay thế vaccine mà cần phải song hành với việc tiêm chủng. Lý do chính được đưa ra là chúng phải sớm được sử dụng cho bệnh nhân, bởi căn bệnh này có các giai đoạn tiến triển khác nhau.

Không tiêm vaccine mà đợi thuốc sẽ giống như trò cá cược

Một cuộc khảo sát của Tổ chức Kaiser cho biết, tốc độ tiêm chủng đã chậm ở Mỹ khi nghi ngờ hiệu lực của vaccine vẫn còn dai dẳng, đồng thời những loại thuốc được cho là có thể điều trị dứt điểm Covid-19 đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối. Một số chuyên gia y tế lại cho rằng, phương pháp điều trị Covid-19 bằng cách uống thuốc có thể cản trở các chiến dịch tiêm chủng.

Nói như ông Scott Ratzan (Đại học New York, Mỹ) thì có khá nhiều loại thuốc mới được đưa ra gần đây có thể sẽ khiến nhiều người tiếp tục từ chối tiêm chủng. “Đó là cách nghĩ sai lầm vì vaccine có tác dụng ngăn ngừa, còn thuốc thì có tác dụng điều trị. Nhưng không phải loại thuốc mới nào cũng chứng tỏ được điều đó. Trong khi dịch Covid-19 vẫn tiếp tục bùng phát, nhất là tại châu Âu, thì phòng ngừa vẫn là giải pháp hàng đầu, mà điều đó chỉ có thể là vaccine” - ông Ratzan nói đồng thời bày tỏ lo ngại trước thông tin cứ 8 người dân Mỹ được hỏi lại có 1 người cho biết muốn được điều trị bằng thuốc viên hơn là tiêm vaccine.

Trong khi đó, các nhà sản xuất thuốc lại đang đưa đến cho người dân nhiều hy vọng. Pfizer, nhà sản xuất vaccine Covid-19 hàng đầu cho biết, thuốc kháng virus Paxlovid của hãng giúp làm giảm 89% nguy cơ nhập viện và tử vong do căn bệnh này ở người trưởng thành có nguy cơ cao.

Kết quả thử nghiệm của Pfizer được đưa ra sau khi Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics trước đây hơn 1 tháng đã tuyên bố rằng, thuốc kháng virus Molnupiravir của họ có thể giảm một nửa số lần nhập viện và tử vong. Đáng chú ý, Molnupiravir cũng đã được cơ quan y tế Anh chấp thuận sử dụng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19, trong khi chính ở nước sản xuất ra chúng là Mỹ thì Cơ quan Quản lý Y tế nước này lại chần chừ khi thông qua.

Theo Tiến sĩ Peter Hotez - chuyên gia vaccine và Giáo sư virus học phân tử và vi sinh tại Đại học Y Baylor thì từ chối vaccine để ngừa virus mà chỉ “đợi” thuốc cũng giống như một trò cá cược. “Rất có thể bạn sẽ không còn sống đến lúc nhận được phần thưởng của mình, nếu như không tiêm vaccine”- Tiến sĩ Baylor nói.

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, để thật sự hiệu quả trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2 và để đại dịch Covid-19 mau qua, thì phải kết hợp dùng cả vaccine lẫn thuốc điều trị. Tiến sĩ Leana Wen - bác sĩ cấp cứu kiêm giáo sư y tế công cộng tại Đại học George Washington cho rằng, chúng ta cần tin vào thuốc điều trị vì nó được nghiên cứu rất kỹ lưỡng, nhưng cần lưu ý đó là tác dụng chữa bệnh chứ không hẳn là phòng bệnh. Thông tin về thuốc điều trị là tuyệt vời nhưng nó cần được sử dụng song hành với việc tiêm chủng. Nó không thay thế vaccine.

Bản thân ông Albert Bourla - Giám đốc điều hành của Pfizer cũng từng nhấn mạnh: “Thuốc viên là những phương pháp điều trị dành cho những người không may mắc bệnh. Nó không nên là lý do để chúng ta phớt lờ việc bảo vệ bản thân và đặt bản thân, gia đình và xã hội vào tình trạng nguy hiểm”.

Siêu kháng thể chống virus gây bệnh Covid-19

Trong một diễn biến khác, giới khoa học Thụy Sĩ cho biết, đã phát hiện siêu kháng thể chống virus gây bệnh Covid-19.

Thông tin này được nhóm các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Đại học Lausanne và Đại học EPFL của Thụy Sĩ công bố cho biết, họ đã phát hiện ra một kháng thể đơn dòng cực mạnh, có thể vô hiệu hóa tất cả biến thể của virus SARS-CoV-2, kể cả biến thể siêu lây nhiễm Deta . Kháng thể này nhắm mục tiêu là protein gai của virus SARS-CoV-2, vốn có tác dụng giúp virus SARS-CoV-2 gắn vào thụ thể trên bề mặt tế bào vật chủ.

Giới khoa học cho rằng, đây là kháng thể mạnh nhất cho tới nay có thể chống lại Covid-19, nó ngăn protein gai liên kết với các tế bào có thụ thể ACE2, vốn được virus SARS-CoV-2 sử dụng để xâm nhập và lây nhiễm cho các tế bào phổi. Điều đó có nghĩa là kháng thể ngăn chặn quá trình sao chép virus, cho phép hệ thống miễn dịch của người mắc bệnh loại bỏ SARS-CoV-2 khỏi cơ thể.

Theo đó, kháng thể mới này có thể giúp bảo vệ người mắc bệnh trong 4-6 tháng. Đây được xem là một lựa chọn điều trị dự phòng rất khả quan đối với những người có nguy cơ mắc bệnh nhưng chưa được tiêm chủng hoặc những người đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhưng không thể tạo ra phản ứng miễn dịch.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này cũng chỉ có thể phổ biến rộng rãi vào năm 2022.

Trong khi đó, nhiều nước vẫn đẩy mạnh việc tìm kiếm thuốc điều trị Covid-19, nhất là các quốc gia châu Á. Molnupiravir hiện đang là loại thuốc được săn đón nhiều nhất khi mà kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 cho thấy, thuốc có tác dụng giảm gần 50% nguy cơ bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện và tử vong. Ngoài Molnupiravir, các quốc gia cũng đang đặt cược vào những loại thuốc đặc trị Covid-19 khác như Remdesivir. Remdesivir là loại thuốc đầu tiên cho kết quả cải thiện tình hình bệnh nhân Covid-19 trong các thử nghiệm lâm sàng chính thức và đã được cơ quan Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt khẩn cấp để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ tháng 10/2020.

Thông tin trên tờ Sciene Daily cho biết, Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir và Ronapreve là các thuốc điều trị Covid-19. Trong đó có ít nhất 8 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã ký kết các thỏa thuận hoặc đang đàm phán để mua thuốc Molnupiravir.

Từ đầu tháng 5/2020, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho phép sử dụng khẩn cấp thuốc điều trị Ebola remdesivir để điều trị virus Corona. Tuy nhiên, cũng như nhiều loại thuốc khác, nó vẫn không phải là “thần dược” để chống lại đại dịch Covid-19. Ông Daniel Altmann - nhà miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London (Anh) cho rằng, ngay cả khi Covid-19 đã chuyển hóa thành bệnh đặc hữu thì nó vẫn đặt ra nhiều thách thức. Vì vậy, tiêm vaccine để ngừa bệnh cũng như dùng thuốc điều trị vẫn sẽ là phương án tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Covid-19, tiêm hay đợi thuốc?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO