Covid-19 và trò chơi mèo đuổi chuột

Phan Quang Vũ 21/03/2021 06:30

Ngày 19/3, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) đưa ra kết luận vaccine Covid-19 của AstraZeneca an toàn và hiệu quả.

Một trung tâm tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Hannover, Đức. Ảnh: AP.

Thông báo này được coi là “đặt dấu chấm hết” cho cuộc “cãi vã” tiêm hay không, an toàn hay không an toàn đối với loại vaccine này; sau khi nó đã được bán ra tới gần 200 triệu liều ở 50 quốc gia. Ngay lập tức, Đức, Pháp và một số quốc gia châu Âu đã quyết định dỡ bỏ đình chỉ với AstraZeneca. “Nỗi oan” gây ra huyết khối (cục máu đông) sau khi tiêm vaccine AstraZeneca được gỡ bỏ.

Nhưng, dẫu thế thì “vũ khí vaccine” vẫn không giúp ngăn chặn làn sóng Covid-19 mới, khi virus SARS-CoV-2 cùng các biến thể của nó tiếp tục tấn công, khiến nhiều quốc gia lại phải lên kế hoạch tái phong tỏa.

Biến thể mới của Sars-Cov-2 tiếp tục lây lan

Trong tuần qua, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 trên thế giới tăng mạnh so với mức đầu tháng, trong đó có cả các quốc gia châu Âu - nơi được xem là nhờ có hệ thống y tế hoàn chỉnh cũng như phúc lợi xã hội cao. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do sự lây lan rất nhanh của các biến thể SARS-CoV-2.

Đức, Italy, Ba Lan và Hungary là những nước ghi nhận ca mắc tăng mạnh, trong khi Cộng hòa Czech và Slovakia báo cáo tỷ lệ tử vong thuộc hàng cao của thế giới. Các chuyên gia nhận định đợt bùng phát mới xuất phát từ hai nguyên nhân: Sự xuất hiện của các biến thể virus mới và việc châu Âu nới lỏng các biện pháp an toàn quá sớm.

Cho dù đã tái khởi động tiêm vaccine AstraZeneca nhưng trước những diễn biến xấu đã buộc Thủ tướng Italy Mario Draghi phải ban bố lệnh phong tỏa phần lớn cả nước trong dịp lễ Phục sinh sắp tới (4/4).

“Hơn một năm sau ngày nổ ra cuộc khủng hoảng sức khỏe, không may là chúng ta đang đối mặt với một làn sóng lây nhiễm mới. Những ký ức về tình hình dịch bệnh vào mùa Xuân năm ngoái vẫn còn nguyên trong tâm trí chúng ta và chúng tôi sẽ làm mọi cách để ngăn chúng tái diễn. Trên cơ sở các bằng chứng khoa học, Chính phủ đã áp dụng các biện pháp hạn chế mà chúng tôi đánh giá là phù hợp và tương xứng” - ông Mario Draghi nói.

Trước đó, kể từ ngày 15/3, nhiều khu vực ở Italy bị đặt dưới lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn. Người dân chỉ được ra khỏi nhà khi thật cần thiết, trong khi hầu hết cửa hàng phải đóng cửa, bao gồm những nơi dễ tụ tập đông người như nhà hàng, quán bar...

Còn với nước pháp, Thủ đô Paris lại phải áp dụng những biện pháp y tế cứng rắn hơn kể từ ngày 9/3. Tổng thống Pháp Macron hiện đang phải chịu nhiều áp lực từ giới chuyên gia y tế kêu gọi ông phải phong tỏa trên toàn quốc vì tình hình, theo họ, đang rất nguy cấp. Trong khi đó, Cơ quan phòng ngừa dịch bệnh Đức cho rằng nền kinh tế đất nước đang bị tấn công bởi làn sóng dịch thứ ba.

Tại nước Mỹ, cho dù chiến dịch tiêm vaccine ào ạt và số người được tiêm tăng lên con số triệu mỗi ngày, thì theo bác sĩ Anthony Fauci - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước này, cuộc chiến chống Covid-19 vẫn chưa kết thúc và Mỹ có thể đi theo vết xe đổ của châu Âu nếu chủ quan khi nhiều người đã được tiêm vaccine. Ông Fauci nhận định, đợt bùng phát dịch lần này ở châu Âu một phần do việc nới lỏng các biện pháp an toàn quá sớm và nước Mỹ không nên “học theo, cho dù với bất cứ lý do gì”.

“Một khi bạn tuyên bố chiến thắng khi bóng chưa lăn qua vạch vôi vào lưới thì chưa ai công nhận chiến thắng đó của bạn. Điều này giống như khi thấy dịch có dấu hiệu chững lại đã tuyên bố hết dịch, thì nó luôn có thể tăng vọt bất cứ lúc nào. Rất tiếc đó chính xác là điều đang xảy ra ở châu Âu. Nước Mỹ hãy cảnh giác” - Bác sĩ Fauci cảnh báo.

Vaccine AstraZeneca gây tranh cãi thời gian qua.

“Dừng hay tiêm” và vì sao như vậy?

Trở lại với câu chuyện dừng tiêm vaccine Astrazeneca, điều gì đã diễn ra?

Việc 12 quốc gia châu Âu dừng tiêm vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca sau khi có tin một số người tiêm ở Đan Mạch, Na Uy mắc chứng huyết khối (cục máu đông), dù chưa có bằng chứng nào về mối liên hệ với vaccine - đã thổi bùng tâm lý lo ngại không chỉ đối với một vaccine cụ thể trong rất nhiều người.

Đan Mạch là nước đầu tiên tuyên bố tạm ngưng sử dụng vaccine AstraZeneca sau khi xuất hiện một số ca đông huyết, trong đó có một ca tử vong sau 10 ngày tiêm. Na Uy, Ireland, Bulgaria, Thái Lan, Congo, Hà Lan là những nước theo bước Đan Mạch. Sau đó là Pháp, Đức và Italy cũng đưa ra quyết định tương tự.

Trước tình thế đó, AstraZeneca đưa ra thông cáo rằng đã rà soát kĩ lưỡng dữ liệu trên 17 triệu người đã được tiêm ngừa vaccine ở châu Âu cho thấy, có 37 trường hợp có biểu hiện tăng huyết khối. Nhưng không có bằng chứng cho thấy vaccine của hãng làm tăng nguy cơ huyết khối ở bất kỳ nhóm tuổi, giới tính, ở bất kỳ quốc gia nào.

Nước Anh là nơi sử dụng nhiều nhất vaccine AstraZeneca, với 11 triệu liều tiêm ngừa. Dữ liệu cho thấy có 11 người ở Anh có biểu hiện huyết khối sau tiêm, nhưng cũng không khẳng định được là do vaccine, mặc dù những người tiêm chủ yếu thuộc về đối tượng có bệnh lý nền, gặp vấn đề về sức khỏe. Điều này khiến việc xác định vaccine gây tác dụng phụ gặp khó khăn hơn.

Để trấn an, không chỉ hãng AstraZeneca lên tiếng, mà cả một số chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của WHO, cho biết cơ quan này không muốn người dân lo ngại giữa lúc xuất hiện thông tin về tình trạng huyết khối xảy ra ở một số người đã được tiêm ngừa vaccine AstraZeneca. Theo bà Soumya, với hơn 300 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu, chưa có ca tử vong nào được xác định là do vaccine.

Tuy nhiên, những ý kiến nghi ngờ lại cho rằng thời gian để kiểm nghiệm cho loại vaccine kể trên là quá ít, nó đã được vội vã đưa vào thị trường với thị phần rất lớn, đem đến lợi nhuận khổng lồ trong một thời gian cực ngắn. Thời gian các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 bị rút quá ngắn và cũng hạn chế trong số ít đối tượng tình nguyện.

Đáp lại, bà Emeer Cooke- Giám đốc điều hành EMA Emer nêu rõ: “Chúng tôi vẫn tin chắc chắn vào lợi ích của vaccine AstraZeneca trong phòng ngừa Covid-19, hơn là lo ngại về nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ này”. Trước đó, ngày 29/1, EMA đã cấp phép sử dụng vaccine AstraZeneca cho mọi lứa tuổi đối với các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU).

Cho dù chưa đưa ra kết luận cuối cùng về vaccine AstraZeneca, tuy nhiên ngay trong lúc cuộc tranh luận “tiêm hay không” diễn ra gay gắt thì WHO vẫn khuyến nghị các nước tiếp tục thực hiện chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng này, ít nhất là “tại thời điểm này”. Theo đó, “ở thời điểm hiện tại, WHO nhận thấy các lợi ích của vaccine AstraZeneca lớn hơn các nguy cơ và (do vậy) khuyến cáo các nước tiếp tục tiêm chủng vaccine này”.

Tiêm vaccine tăng cường trong “trò chơi mèo đuổi chuột”

Ngày 20/3, theo hãng tin Reuters, virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 2,56 triệu người trên toàn cầu kể từ khi xuất hiện lần đầu vào cuối năm 2019. Hãng tin dẫn lời Giáo sư Sharon Peacock - người đứng đầu chương trình giải mã trình tự gene virus SARS-CoV-2 của Anh (COG-UK), cho biết cần một sự phối hợp quốc tế trong trò chơi “mèo đuổi chuột” với Covid-19. Và rằng, “mặc dù tốc độ đột biến của chúng chậm hơn virus gây ra cúm mùa hay HIV, song điều đó cũng đủ để làm các vaccine hiện hành trở nên kém hiệu quả”.

Tuy nhiên, bà Sharon cũng cho rằng, “chúng ta phải biết ơn rằng sẽ luôn có những liều tiêm tăng cường. Khả năng miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2 không kéo dài mãi mãi. Chúng ta đã phải điều chỉnh vaccine để đối phó với những tiến hóa của virus nhằm giảm khả năng lây lan và tăng cường phản ứng miễn dịch của cộng đồng”.

Theo vị chuyên gia này, những mũi tiêm tăng cường (giống như những gì xảy ra với cúm mùa) sẽ là cần thiết trong tương lai để đối phó với các biến thể của virus SARS-CoV-2. Hiện 3 biến thể chính của virus SARS-CoV-2 đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà nghiên cứu thế giới bao gồm biến thể B.1.1.7 lần đầu tiên phát hiện tại Anh, biến thể P1 lần đầu phát hiện tại Brazil và biến thể B.1.35 tại Nam Phi.

Trong đó, lo ngại nhất chính là biến thể virus của Nam Phi (B.1.35), khi mà chúng có khả năng dễ lây lan hơn và nó có đột biến gene (gọi là E484K) liên quan trực tiếp đến việc giảm khả năng miễn dịch.

“Một trong những điều mà các chủng virus đã dạy tôi là tôi có thể mắc sai lầm là tôi cần phải khiêm tốn khi đón nhận những thông tin về chủng virus mà chúng ta còn biết rất ít về nó. Có thể trên thế giới này tồn tại những biến thể khác, và từ đó kéo theo các đại dịch khác trong tương lai. Tôi hy vọng với những bài học trong đại dịch hiện tại, chúng ta sẽ chuẩn bị tốt hơn để phát hiện và ngăn chặn thảm họa sau này”- Giáo sư Sharon Peacock cảnh báo.

Mới đây, nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng “hộ chiếu vaccine điện tử” có thể là công cụ rất hữu ích nhưng đồng thời cảnh báo về việc sử dụng loại chứng nhận này, đặc biệt đối với các chuyến bay quốc tế trong bối cảnh tình hình thế giới “vô cùng hỗn độn”. Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO, Tiến sĩ Mike Ryan, nhấn mạnh việc sử dụng chứng nhận tiêm chủng điện tử trên các chuyến bay quốc tế có thể không công bằng vì việc tiêm chủng ngừa Covid-19 hiện nay chưa được thực hiện rộng rãi và phân phối đồng đều trên thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải thống nhất được cách triển khai “hộ chiếu vaccine” như một loại “giấy thông hành xanh” giữa các quốc gia. Nó không chỉ là việc có công bằng hay không mà còn là các quốc gia có chung một chuẩn công nhận hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Covid-19 và trò chơi mèo đuổi chuột

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO