Covid-19 và vấn nạn phân biệt chủng tộc

Hà Anh 25/03/2021 06:30

Vấn nạn phân biệt chủng tộc đối với những người gốc Á không chỉ riêng nước Mỹ, mà đã lan rộng từ châu Âu đến Australia, đặc biệt trong thời điểm thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19.

Những người trẻ tuổi tham gia tuần hành biểu thị tình đoàn kết với người Mỹ gốc Á tại New York, Mỹ, ngày 20/3/2021.

Thực tế từ nước Mỹ…

Trong năm qua, Mỹ ghi nhận 3.800 hành vi thù ghét và đôi khi là bạo lực với người Mỹ gốc Á. Hôm 16/3, sự đau buồn và nỗi tức giận ngày càng gia tăng trước thông tin 6 người phụ nữ châu Á nằm trong số những người thiệt mạng trong vụ xả súng tại 3 tiệm massage ở thành phố Atlanta, bang Georgia (Mỹ). Vụ việc cũng gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực chống người châu Á ở Mỹ.

Sự việc càng làm cộng đồng người Mỹ gốc Á thêm lo lắng khi số vụ tấn công nhằm vào họ tăng mạnh trong những tháng gần đây.

Hôm 21/3, nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ phân biệt chủng tộc, hàng nghìn người Mỹ đã xuống đường tuần hành để phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc nhằm vào người gốc Á.

Đám đông người biểu tình người đeo khẩu trang, vẫy cờ Mỹ và mang theo các áp phích có nội dung “chúng tôi không phải là virus” và “dừng sự thù ghét với người châu Á”.

Các cuộc tuần hành diễn ra rầm rộ ở nhiều thành phố lớn ở Mỹ, trong đó có Atlanta - nơi xảy ra vụ xả súng, New York và Washington. Tại Canada, hàng trăm người ở thành phốm Montreal cũng tham gia tuần hành với mục đích tương tự.

Trong tuyên bố nhân ngày lễ này, Tổng thống Joe Biden thừa nhận, nước Mỹ đang phải đối mặt với các vấn đề phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bản địa bài ngoại.

Ông Biden nhấn mạnh, sự thù hận không thể có chỗ đứng ở Mỹ cũng như ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, đồng thời kêu gọi nỗ lực chung nhằm chấm dứt tình trạng thù hận và phân biệt, đồng thời cam kết thay đổi các luật hiện hành ở Mỹ vốn được cho là “dung túng” tình trạng phân biệt đối xử.

Trước đó, ngày 19/3, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có bài diễn văn về lịch sử phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng người gốc châu Á ở Mỹ, trong đó cảnh báo nạn phân biệt chủng tộc, bài ngoại và phân biệt giới tính “là có thật ở Mỹ và nó luôn hiện hữu”. Bà Harris là nữ Phó Tổng thống gốc Á đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

Cả Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Á ở Georgia để bày tỏ lời chia buồn và kêu gọi người Mỹ cùng nhau chống lại sự thù ghét.

Tình trạng phân biệt chủng tộc nhằm vào người gốc châu Á tại Mỹ được cho là gia tăng trong thời gian đại dịch Covid-19. Riêng trong năm 2020, đã có gần 3.800 vụ việc chống người gốc châu Á.

Theo báo cáo của Trung tâm Stop Asian American Pacific Islander (AAPI) - tổ chức chuyên tổng hợp các vụ việc chống lại người Mỹ gốc Á - công bố ngày 16/3, chưa đầy một năm kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19, Trung tâm này đã tiếp nhận báo cáo về 3.795 vụ kỳ thị đối với người châu Á và người dân các đảo ở Thái Bình Dương trên toàn nước Mỹ. Các hình thức kỳ thị bao gồm lăng nhục, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến, vi phạm quyền công dân.

… đến châu Âu và phương Tây

Các hành vi thù ghét người gốc Á không chỉ gia tăng ở Mỹ mà còn xuất hiện tại châu Âu khiến nhiều người không dám ra đường. Từ Anh đến Australia và châu Âu, các hành vi thù ghét người gốc Á đã gia tăng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 diễn ra trong năm 2020. Ít nhất 11 người gốc Á đã báo cáo các vụ việc về phân biệt chủng tộc và tình trạng bài ngoại như bị mọi người xa lánh trên tàu hỏa, xúc phạm bằng lời nói, thậm chí là hành hung.

Theo số liệu thống kê về tội phạm hận thù của cảnh sát London (Anh), hơn 200 vụ tội phạm thù hận chống lại những người gốc Đông Á đã xảy ra từ tháng 6 đến tháng 9/2020, tăng 96% so với cùng thời điểm vào năm 2019.

Một cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện vào tháng 6/2020 cho thấy 3/4 người gốc Hoa ở Anh từng bị lăng mạ bằng từ ngữ phân biệt chủng tộc. Khi đại dịch hoành hành khắp châu Âu, các nhà hoạt động ở Tây Ban Nha và Pháp cũng bắt đầu nhận thấy vấn đề. Các chiến dịch như lan truyền từ khóa “Tôi không phải virus” được tạo ra để nâng cao nhận thức đối với tình trạng bạo lực nhắm vào người châu Á.

Một báo cáo năm 2019 của Chính phủ Tây Ban Nha cũng cho thấy, 2,9% công dân châu Á sống ở nước này là nạn nhân của tội phạm thù hận. Tuy nhiên, trong khi những hành vi phạm pháp như vậy đối với công dân Tây Ban Nha được ghi nhận, các số liệu không được phân theo sắc tộc. Hiện Chính phủ Tây Ban Nha vẫn chưa công bố số liệu năm 2020.

Tại Pháp, các nhà vận động cho biết, đại dịch đã khiến vấn đề kỳ thị người gốc Á trở nên tồi tệ hơn. Sun-Lay Tan, Phát ngôn viên của Security for All - tổ chức đại diện cho hơn 40 hiệp hội người gốc Á - nói: “Kể từ năm ngoái, nạn phân biệt chủng tộc đã trở nên rõ ràng hơn. Nhiều người công khai nói rằng họ không thích người gốc Á”. Nhóm này ước tính rằng vào năm 2019, cứ hai ngày lại có một tội ác thù ghét với người gốc Á xảy ra chỉ riêng ở khu vực Paris.

Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề của châu Âu. Một báo cáo hồi tháng ba của Viện Lowy ở Australia cho thấy hơn 1/3 người Australia gốc Á cảm thấy họ bị đối xử khác biệt hoặc tiêu cực hơn trong năm qua. 18% nói rằng họ đã bị đe dọa hoặc hành hung.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” về tình trạng gia tăng bạo lực đối với người gốc Á trên toàn cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Trong tuyên bố, ông Antonio Guterres bày tỏ sự chia sẻ đối với các nạn nhân và gia đình của họ, đồng thời kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu chống nạn phân biệt chủng tộc và các hành vi tấn công khác vi phạm nhân quyền. Ông Guterres cũng lên án tình trạng quấy rối bằng lời nói và thể chất, phân biệt đối xử tại trường học, nơi làm việc và trên các trang mạng xã hội.

Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi thanh niên tiên phong đứng lên thúc đẩy văn hóa toàn cầu về lòng khoan dung, bình đẳng và chống phân biệt đối xử, cũng như chống định kiến về chủng tộc và thái độ không khoan dung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Covid-19 và vấn nạn phân biệt chủng tộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO