Covid-19 và xu thế tiêu dùng mới

M.Phương 26/01/2022 13:30

Dịch Covid-19 diễn ra 2 năm qua khiến nền kinh tế bị tổn thương nặng nề. Tuy nhiên, khó khăn cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nỗ lực hơn trong việc chuyển đổi số.

Thương mại điện tử dần phổ biến thích ứng với diễn biến dịch bệnh.

Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch, trong đó làn sóng dịch thứ 4 gây ra nhiều tổn thất nhất cho nền kinh tế. Dù vậy, thương mại điện tử (TMĐT) chính là chiếc phao cứu sinh giúp các doanh nghiệp (DN) Việt Nam bước qua những khó khăn trong suốt gần 2 năm qua.

Báo cáo “Việt Nam: TMĐT tăng tốc sau Covid-19” của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) công bố ngay sau đợt dịch đầu tiên cho thấy, sự xuất hiện làn sóng TMĐT bộc lộ hai tín hiệu quan trọng. Tín hiệu thứ nhất là người tiêu dùng trực tuyến tăng lên nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Tín hiệu thứ hai là số lượng thương nhân tham gia chuyển đổi số tăng mạnh.

Khảo sát về xu hướng TMĐT trong đợt dịch thứ 4 của VECOM cũng cho thấy một thông tin nổi bật về các kênh bán hàng online.

Theo đó, VECOM cho biết, trong khó khăn nghiêm trọng, TMĐT tiếp tục đứng vững và trải qua làn sóng thứ hai. Số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên và đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn, thậm chí một bộ phận người tiêu dùng đã ưu tiên mua sắm trực tuyến so với mua sắm truyền thống.

Đặc điểm nổi bật là trong đợt dịch thứ tư nhiều người chưa từng mua sắm trực tuyến đã tiếp cận và sử dụng kênh này, đồng thời những người đã từng mua sắm trực tuyến thì mua sắm nhiều hơn.

Nhận định về xu hướng tiêu dùng của người dân hiện nay, đại diện kênh bán hàng trực tuyến Lazada cho biết, nhu cầu mua hàng chính hãng của người tiêu dùng tăng cao trong giai đoạn người dân tuân thủ giãn cách xã hội và hạn chế ra đường mua sắm.

Cụ thể, tổng doanh thu trên LazMall - hệ thống gian hàng chính hãng của Lazada và số lượng khách mua tăng mạnh. Tổng lượng đơn hàng cũng tăng nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế cho thấy, sau thời gian dài chống chọi với dịch bệnh, cả DN và người tiêu dùng đều nhìn nhận, TMĐT chính là “chìa khóa” để dòng chảy tiêu dùng không bị ùn tắc. Hay nói cách khác, TMĐT chính là “cứu cánh” của DN trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 bủa vây, hoành hành suốt 2 năm qua.

Bản thân các DN, thương nhân cũng tìm đến TMĐT nhiều hơn, cung cấp nhiều sản phẩm tốt, chất lượng hơn để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. “Đó là cách duy nhất để có thể thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh ngày nay” - Giám đốc một DN ngành thực phẩm chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thùy - Trưởng phòng TMĐT, Sàn TMĐT Voso đưa ra nhận định, thị trường TMĐT Việt Nam được ghi nhận có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Dự báo tốc độ tăng trưởng còn tiếp tục và sẽ vượt xa mốc 11,8 tỷ USD năm 2020. Đặc biệt sau đại dịch Covid-19 TMĐT sẽ tiếp tục bùng nổ, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới.

Nhiều DN cũng cho biết, việc chuyển đổi dần phương thức bán hàng, kinh doanh truyền thống sang bán hàng, kinh doanh trên sàn TMĐT đã giúp cho doanh số của họ vẫn ổn định trong suốt 2 năm vừa qua.

Bản thân nhiều người tiêu dùng cũng cảm thấy an tâm hơn khi chỉ việc ngồi ở nhà sử dụng máy tính, smart phone để chọn những món hàng mình ưa thích mà không cần phải đến tận các chợ, siêu thị - những nơi đông đúc người tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Đánh giá về các mô hình kinh doanh trong thời gian tới, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, các kênh mua sắm trực tuyến, các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện ích sẽ tiếp tục đem lại sự tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Các mô hình này đã và đang tạo ra sự tiện lợi cho người tiêu dùng, đáp ứng đúng thời thế cũng như được trợ lực từ những chương trình mở rộng chuỗi bán lẻ của các nhà bán lẻ tại Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, càng ngày, người tiêu dùng Việt Nam sẽ ngày càng trở nên nhạy cảm hơn với giá cả. Họ sẽ có tâm lý đi “săn” những chương trình khuyến mại, chương trình giảm giá. Xu hướng này sẽ đẩy các nhà bán hàng vào cuộc đua cạnh tranh về giá cả và khuyến mãi, vì thế, cùng với việc nỗ lực chuyển đổi số, nâng cao chất lượng sản phẩm, các DN cần có chiến lược tạo ra các sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm tạo sự hấp dẫn, thu hút khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Covid-19 và xu thế tiêu dùng mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO