Cụ Bùi Bằng Đoàn: Tận hiến cho nước

Mạnh Thắng 04/10/2020 09:00

Ngay từ ngày đầu giành độc lập, Hồ Chủ tịch đã mời những người chí sĩ, trí thức, kể cả quan lại phong kiến có tầm kiến thức sâu rộng và uy tín vào bộ máy lãnh đạo đất nước. Trong số đó có cụ Bùi Bằng Đoàn. Với các chức vụ Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt; Chủ tịch Hội liên hiệp Quốc dân Việt Nam - tức Mặt trận Liên Việt - tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay, rồi Trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa I, cụ Bùi Bằng Đoàn luôn làm việc hưng lợi, trừ hại cho dân, cho nước.

Cụ Bùi Bằng Đoàn.

Vế đối mời người tài

Trong thư mời cụ Bùi Bằng Đoàn ngày 17/11/1945, Hồ Chủ tịch viết: “Thưa ngài. Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe. Kính thư”. Nhận thư, cụ Bùi còn nấn ná chưa đi. Lần thứ hai cũng vậy. Lần thứ ba, theo lời kể của ông Bùi Nghĩa – con trai út cụ Bùi Bằng Đoàn: Bác cử thư ký Vũ Đình Huỳnh về Liên Bạt (Ứng Hòa, Hà Nội) trao tận tay cụ Bùi bức thư. Trong thư chỉ vỏn vẹn 7 từ chữ Hán như một câu thơ, một vế đối: “Thu thuỷ tàn hà thính vũ thanh”. Cụ Bùi Bằng Đoàn sau khi xin ý kiến cụ cả và cụ hai đã viết thư trả lời cũng bằng 7 từ chữ Hán: “Thính vũ thanh cảm ứng nghinh thu”.

Ông Bùi Nghĩa kể: Khi làm thư ký cho cha trên Việt Bắc, trong một lần Hồ Chủ tịch đến thăm, ông đã xin Bác cho được giải nghĩa. Được Bác đồng ý, ông dịch như sau: “Thu thủy tàn hà thính vũ thanh” nghĩa là: “Nghe mưa thu đang ào ạt quét sạch tàn sen úa”. Còn “Thính vũ thanh cảm ứng nghinh thu” nghĩa là: “Biết sóng thu luôn cuồn cuộn mừng đón cách mạng về”. Nghe xong ông thấy cả Bác và cha cùng cười…

Vị quan uyên bác, thanh liêm

Hồ Chủ tịch thật tinh tường khi mời một vị quan uyên bác, thanh liêm như cụ Bùi Bằng Đoàn ra gánh vác việc nước.

Ông nội cụ Bùi Bằng Đoàn là Tiến sĩ Bùi Tuấn. Khi giữ chức Tả Tham tri Bộ Binh kiêm Tổng đốc tỉnh Bắc Ninh, cụ Bùi Tuấn đã có công lớn trong việc chống giặc Ngô Côn. Cụ Bùi Tuấn sinh ra cụ Bùi Tập (quan Tuần phủ Hưng Hóa). Cụ Bùi Tập sinh ra ba người con trai là Bùi Bằng Phấn (sinh 1882), Bùi Bằng Thuận (1883) và Bùi Bằng Đoàn (1889) và hai người con gái là Bùi Thị Lộc (1885) và Bùi Thị Thuần (1893).

Cụ Bùi Tập đã lấy chữ “Bằng” làm tên lót cho ba người con trai với hy vọng các con sẽ là những cánh chim bằng bay trên trời cao. Và thật không phụ lòng mong mỏi, ba anh em đã đỗ khoa thi Hương năm 1906. Bức đại tự “Hà Đông tam bằng” tại nhà thờ họ Bùi có xuất xứ từ đó.

Dù thế gia vọng tộc, nhưng anh em họ Bùi thật cực khổ. Chỉ trong vòng 10 tháng từ 1895 sang 1896, cả 5 anh em đều mồ côi cha mẹ. Lúc đó anh cả Bùi Bằng Phấn mới 13 tuổi, em út 2 tuổi còn Bùi Bằng Đoàn 6 tuổi.

Tốt nghiệp thủ khoa trường Hậu bổ, cụ Bùi Bằng Đoàn ra làm quan. Từ năm 1911 đến năm 1945 cụ trải qua nhiều chức quan từ địa phương cho tới đại thần trong triều như: Tri huyện Thanh Ba, Tri huyện Tam Nông (Phú Thọ); Tri huyện Đại Từ (Thái Nguyên); Tri huyện Văn Lâm (tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc Hưng Yên); Tri huyện Tiên Du (Bắc Ninh)… Nơi công đường bất cứ địa phương nào tới nhậm chức, cụ Bùi cũng cho treo tấm bảng ghi rõ: “Không nhận tiền và quà biếu”.

Năm 1920, khi làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định), với công lao cùng dân đắp đê Bạch Long, giải tỏa hàng vạn mẫu đất ngập mặn, cụ được dân lập đàn tế sống.

Năm 1933, khi giữ chức Thượng thư Bộ Hình, cụ Bùi Bằng Đoàn trên cơ sở tham bác luật của nước Pháp đã giúp vua Bảo Đại cải cách hệ thống tư pháp, hệ thống các Tòa án Nam triều.

Có 3 sự việc thể hiện bản lĩnh tiêu biểu của cụ Bùi. Năm 1925, tại phiên tòa xử nhà chí sĩ Phan Bội Châu, cụ Bùi làm thông ngôn đã cùng luật sư người Pháp lên tiếng bào chữa, bênh vực. Sau đó, cụ Phan Bội Châu đã được ân xá, giảm án từ chung thân xuống quản thúc. Năm 1928, cụ Bùi đại diện cho triều đình tham gia cùng đại diện Chính phủ Pháp thanh tra các đồn điền cao su của các chủ người Pháp tại Nam kỳ. Trước khi đi, cụ đã xác định trước với gia đình có thể sẽ mất mạng nhưng quyết không làm ngơ trước bất công cơ cực của công nhân. Sau khi trực tiếp điều tra 45 đơn vị đồn điền cao su thuộc các tỉnh Biên Hoà, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Chợ Lớn, Gia Định... cụ Bùi Bằng Đoàn phát hiện nhiều sai phạm, phi lý trong tổ chức sản xuất kinh doanh; nhiều bất công tàn bạo của giới chủ đồn điền đối với người công nhân cao su. Cụ đã rút ra 10 nhận xét, đánh giá và kiến nghị cần phải giải quyết trong thời gian ngắn nhất. Bản đánh giá cụ viết bằng tiếng Pháp gửi trực tiếp cho được Toàn quyền Đông Dương, Thanh tra Lao động Nam Kỳ; Thống sứ Bắc Kỳ đã gây chấn động trong giới cầm quyền lúc bấy giờ. Công nhân được đối đãi tốt hơn. Năm 1931, khi làm Án sát Bắc Ninh, cụ được mời tham dự phiên tòa xét xử nhà cách mạng Nguyễn Văn Cừ. Cụ đã nhờ luật sư người Pháp hỏi hội đồng xét xử: “Quý vị có thấy quyết định tử hình của tòa đối với Nguyễn Văn Cừ là không hợp lý và không hợp pháp không?. Cuộc Cách mạng Dân chủ 1789 của Pháp đã phá tan ngục Basti giải thoát cho tất cả những tù chính trị vì đã tranh cho tự do và bình đẳng của con người mà bị cầm tù, đã được toàn thế giới ca ngợi và khâm phục. Ở đây đang còn là lãnh thổ của pháp, ông Cừ cũng chỉ đấu tranh cho tự do bình đẳng của con người lại bị tử hình ư?. Nếu tòa y án này, sợ làm xấu đi hình ảnh của cuộc Cách mạng lừng danh 1789 của nền dân chủ, tổn thương đến hình ảnh những chiến sĩ Pháp đã đổ máu cho sự thành công của cuộc Cách mạng này…”. Kết quả, nhà cách mạng Nguyễn Văn Cừ đã thoát án tử hình, bị giam mấy năm rồi thả.

Sau ngày 9/3/1945, cụ Bùi Bằng Đoàn đã từ chối tham gia Chính phủ mới và xin từ quan về quê nghỉ ngơi. Tuy nhiên, vua Bảo Đại không chấp nhận, giao cho cụ giữ chức Chánh nhất Toà Thượng thẩm Hà Nội. Trong thời gian đó, Mặt trận Việt Minh đã có liên hệ và mời cụ làm Hội trưởng Hội Bảo vệ tù chính trị.

Tận hiến cho kháng chiến

Ngày 23/11/1945, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 64-SL, thành lập Ban Thanh tra đặc biệt (tiền thân của ngành Thanh tra Việt Nam). Cụ Bùi Bằng Đoàn làm Trưởng ban. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong bài phát biểu dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn nói: “Tuy thời gian hoạt động không dài nhưng Ban Thanh tra đặc biệt dưới sự chỉ đạo của cụ Bùi Bằng Đoàn đã triển khai và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, mang lại uy tín cho Đảng, Chính phủ, sự tin tưởng của nhân dân đối vối chính quyền cách mạng”.

Vào tháng 1/1946, cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Đông. Ngày 28/5/1946, cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu là Chủ tịch Hội liên hiệp Quốc dân Việt Nam - tức Mặt trận Liên Việt, là tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay. Việc cụ Bùi được toàn thể đại hội hiệp thương làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt đúng là một việc trọn mặt gửi vàng. Bởi cụ là người của 2 chế độ nối tiếp nhau, vừa uyên bác, lại uy tín đủ tư cách giương cao lá cờ đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tháng 11/1946, tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội đã tín nhiệm bầu cụ giữ chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội) thay cụ Nguyễn Văn Tố.

Ngày 17/12/1946, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Hữu Nam đưa cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Vi Văn Định, Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục Nguyễn Văn Huyên về Liên Bạt (Ứng Hòa, Hà Nội). Sáng hôm sau, hai Phó Chủ tịch Ủy ban Thường trực Quốc hội là ông Tôn Đức Thắng và linh mục Phạm Bá Trực cùng hai cán bộ của ủy ban là Nguyễn Văn Xang và Lê Văn Sinh đã đạp xe về nhà cụ Bùi Bằng Đoàn để làm việc. Tại nhà thờ Thiệu Đức Đường của họ Bùi, phiên họp ngày 18/12/1946 đã diễn ra. Ông Bùi Nghĩa con trai út cụ Bùi Bằng Đoàn làm thư ký. Việc đầu tiên của Ban Thường trực Quốc hội tại đây là soạn thảo lời kêu gọi toàn dân tham gia kháng chiến của Quốc hội. Khi phát ra lời kêu gọi này, cụ Bùi Bằng Đoàn đứng cả trên hai vị trí Trưởng ban Thường trực Quốc hội và Chủ tịch Mặt trận Liên Việt.

Nhà thờ họ Bùi cũng là nơi Tổng bí thư Trường Chinh và trụ sở báo Sự thật sơ tán về. Tại đây, Tổng bí thư Trường Chinh viết cuốn sách kinh điển - “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”.

Nhưng cũng đau đớn thay, cũng tại nhà thờ họ Bùi này, ngày 19/9/1948, giặc Pháp khi tấn công vào làng đã sát hại bà Trần Thị Đức – phu nhân cụ Bùi Bằng Đoàn khi cụ cố cất giữ những tài liệu quan trọng của Trung ương và Quốc hội gửi lại. 7 năm sau, vào tháng 1/1955, trước khi mất vài tháng, cụ Bùi Bằng Đoàn mới biết tin.

Trong thời gian giữ cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội ở Việt Bắc (từ tháng 11/1946 đến tháng 9/1948, khi cụ Bùi Bằng Đoàn bị tai biến và được Hồ Chủ tịch cho đi chữa bệnh ở Thanh Hóa), cụ Bùi Bằng Đoàn luôn ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ góp ý kiến với Chính phủ và giám sát các hoạt động của Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến. Cụ đã có những đóng góp vào việc cải tổ nhân sự của Chính phủ; thực hiện chính sách sản xuất tiết kiệm, chính sách thuế nông nghiệp, chính sách ruộng đất; chỉ đạo các đoàn đại biểu khu vực kiểm tra tình huống, lấy nguyện vọng của nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ trong lãnh đạo cuộc kháng chiến. Vào ngày 28/5/1948, Hồ Chủ tịch và cụ Bùi Bằng Đoàn đã chủ trì lễ tấn phong hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp - Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ…

Ngày 13/4/1955, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn từ trần. Thể theo nguyện vọng của cụ, Hồ Chủ tịch đã quyết định tổ chức Lễ Quốc tang và an táng cụ tại quê nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cụ Bùi Bằng Đoàn: Tận hiến cho nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO