Nghệ sĩ - nhà văn Mạc Can (tên thật là Lê Trung Cang) sinh năm 1945, quê ở Tiền Giang. Từ nhỏ đã lênh đênh theo gánh xiếc gia đình mưu sinh trên sông nước miền Tây Nam bộ. Rồi sau khi rời ghe thuyền, Mạc Can tham gia vào những đoàn làm phim. Ông tạo ấn tượng với khán giả bởi các vai diễn hồn hậu, dí dỏm và hào sảng trong “Người đẹp Tây Đô”, “Xích lô, “Đất phương Nam”, “Đất khách”, “Vó ngựa trời Nam”, “Áo lụa Hà Đông”, “Khi đàn ông có bầu”... Trong đó, vai bác Ba Phi ở phim “Đất rừng phương Nam” (1997) của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn được nhiều người yêu thích. Sau đó, còn rất nhiều bộ phim truyền hình, tiểu phẩm hài, sân khấu kịch hài các đạo diễn cũng mời Mạc Can tham gia.
Song song với những tháng ngày theo phim trường, nghệ sĩ Mạc Can tham gia viết báo. Nhưng bất ngờ nhất, với nhiều người, đó là Mạc Can viết văn. Với tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao”, ông bước chân vào văn đàn, được gọi là “nhà văn trẻ”. Tất nhiên, ấy là cách gọi vui, bởi khi ấy Mạc Can đã ở tuổi 60. Tuổi ấy thì không còn trẻ nữa, nhưng trong “trường văn trận bút”, tuổi ấy mới bước vào văn đàn thì gọi là “nhà văn trẻ”, “cây bút trẻ” là cách gọi vui. Mà tính Mạc Can thì thích vui, hay ít ra ông luôn tỏ ra vui vẻ với mọi người.
Điều càng bất ngờ hơn, ở tiểu thuyết đầu tay này, ông đã được độc giả đón nhận, và được trao nhiều giải thưởng văn chương uy tín. Đến nay, sau hàng chục đầu sách ở đủ các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, tạp bút…, thì “Tấm ván phóng dao” vẫn là tác phẩm “đậm chất Mạc Can nhất”. Theo nhà văn Mạc Can, đó cũng là tác phẩm tả thực về cuộc sống gia đình ông trên sông nước miền Tây.
Tôi đã gặp, trò chuyện với ông nhiều lần, khi là cuộc trà đá trong hẻm phố Sài Gòn, khi mời ông tham gia vào một phim ngắn, khi qua điện thoại hoặc email… Nhưng luôn ý thức rằng, đời tư của Mạc Can còn ẩn chứa những bí mật mà chỉ mình ông là người biết rõ nhất. Ví như, mới đây, tôi mới biết, 2 năm trước, ở tuổi 75, khi sức khỏe suy kiệt, không thể tự chăm sóc bản thân, ông phải dọn đến sống nương nhờ ở nhà em gái út tên là Lê Ngọc Yến ở Hóc Môn, TPHCM.
Sau đó một thời gian, tháng 10/2021, theo lời bà Ngọc Yến, nghệ sĩ Mạc Can đã “hàn gắn với chị dâu”, và về sống với chị dâu. Lời người em gái thật chân thành: “Anh em có thương nhau đến mấy cũng không bằng vợ chồng. Dù tôi dành tình cảm người em cho anh mình rất nhiều nhưng vẫn không bằng được vợ con. Anh Can đã lớn tuổi, sức khỏe yếu, tôi mong cuối đời anh hàn gắn với vợ con, về sống chung với vợ con để khi nằm xuống sẽ ấm áp hơn…". Dù cho: "Cuộc sống của anh Can vẫn rất chật vật, nhà cửa chật hẹp, vợ anh Can cũng lớn tuổi, không đi làm được để kiếm tiền. Con cái anh Can cũng lo lắng, đỡ đần bố mẹ nhưng cũng không giàu có gì, đi làm công nhân thôi. Anh Can nhiều bệnh, sức khỏe yếu, cũng cần nhiều chi phí thuốc thang…".
Văn chương với tôi ư? Chính là sự siêu thoát khỏi thân phận “tép riu” của mình. Trong đó tôi được sống những cuộc đời khác, lớn hơn.
Còn ảo thuật? Nghề này làm cho con nít vui mà tôi cũng vui.
* Tôi sinh ra ở miền Tây nhưng từ nhỏ tới bây giờ sống và làm việc ở Sài Gòn, sống bằng nhiều nghề làm diễn viên, có viết báo kịch trường sân khấu, về sau có viết truyện ngắn, truyện dài và lần hồi tập tành viết… tiểu thuyết. Tôi thích sống cô độc một mình tự thấy vui sau các công việc.
* Viết văn cũng có nét giống khi đi đóng phim. Cứ xong vai rồi, có dịp ngồi xem phim thì mình cứ nghĩ ngợi, sao lúc diễn mình không diễn khác hơn. Còn khi có dịp đọc lại những gì mình viết mình cũng có ý nghĩ sao lúc đó mình không bỏ bớt dòng này, hay là thêm dòng nọ.
Các dòng thêm hoặc bớt đó nếu làm được e rằng nó là một cuốn sách mới. Chữ đẻ ra chữ, các tình huống cũng sẽ tạo ra tình huống khác chứ. Có lẽ nếu chọn lọc thì nó sẽ làm mình hài lòng hơn. Chọn lọc thì nhiều tỉ như chọn một ít truyện ngắn úm ba la thành truyện dài, hay thành trường thiên tiểu thuyết chương hồi chẳng hạn.
* “Tấm ván phóng dao” tôi coi như là “bùa hộ mệnh” của mình, là vì cuốn tiểu thuyết này theo từng bước chân của tôi khi ở trong nước và cả khi có dịp đi xa, nhờ nó mà nhiều người biết tôi. Có người nói, tôi với cuốn sách nầy như là một cuộc phiêu lưu, nó giúp tôi qua cơn hoạn nạn.
* Lúc xưa khởi nghiệp nghề viềt cho tới bây giờ, như nhà văn Lê Minh Khuê nhận định ông Mạc Can viết văn mộc mạc như con người ông ấy. Không sai. Bây giờ anh em trong nghề cho tôi vào làm hội viên Hội Nhà văn nói là áp lực, sao tôi không thấy áp lực hay là tôi không biết áp lực là gì. Có lẽ tôi chỉ viết những câu chuyện tôi nhìn thấy kiểu của tôi.
* Không có gì vui với tôi hơn là đọc sách.
* Anh em trong nghề làm phim thường nói tôi diễn như không diễn, vì tôi có cách vào vai như thật, mặc dù cũng vóc dáng lời nói đi đứng mọi thứ thì vẫn là mình, nhưng người ta không nhìn ra là tôi. Nghề diễn theo tôi không nên cho khán giả biết mình diễn mới hay, càng tự nhiên càng hay, càng điện ảnh. Nhưng tự nhiên quá lại trở thành kịch, thành giả. Theo tôi nghề diễn khó, có khi bệnh ngoài đời cũng diễn là thua.
* Văn chương với tôi ư? Chính là sự siêu thoát khỏi thân phận “tép riu” của mình. Trong đó tôi được sống những cuộc đời khác, lớn hơn.
Với tôi văn chương là mẹ của các nghệ thuât khác, chẳng hạn như điện ảnh kịch nghệ sân khấu và cả hội họa, nhiếp ảnh.
* Còn ảo thuật? Nghề này làm cho con nít vui mà tôi cũng vui.
* Cha làm nghề con bán sách. Cha tôi là nhà ảo thuật đúng nghĩa còn tôi lợi dụng ảo thuật để làm hề, ảo thuật “bể mánh” là tôi chưa anh em nào làm được. Con nít thích tôi làm ảo thuật bể mánh vì nó không còn gì là bí mật, dễ hiểu dễ cười.
* Tôi như cha tôi. Người ta nói cụ có “chân đi” ai mà không có cái cặp chân biết đi. Hồi nhỏ ai chẳng tập đi rồi té. Nhưng mà câu ví von trên với cụ thân sinh ra tôi và cả tôi nữa có ý nghĩa khác. Tôi ngồi một chỗ không yên, ở nhà cũng không yên. Nói dông dài chẳng qua nói thật tôi thích phiêu lưu mạo hiểm.
Cho nên khi có dịp rong chơi tôi bèn nín thinh ra sân bay bởi vì mình không muốn và cũng không đáng gì phải nói chuyện “chân đi” không có gì bí mật ở Sài Gòn, và khi giang hồ suốt gần 3 mùa đông ở xứ người cũng không có gì bí mật. Tôi lại chán cảnh tha phương cầu thực (chạy show diễn ảo thuật hài ở các casino kiếm chút ít ăn bánh mì) tôi lại nhột chân nhớ Sài Gòn, nhớ mấy quán trà đá nên lại lội về…
* Thú thật là tôi không có bạn thân, không hiểu vì sao như vậy, trong giới nghệ sĩ ai tôi cũng có quen hầu như ai cũng mến cũng thương tôi còn nói là bạn thân thì chưa thấy.
* Nhiều khi bìa cũng không cần đẹp lắm, nó là cái áo của mỗi cuốn sách, tôi quan tâm nhiều tới nội dung bên trong quyển sách hơn.
* Đừng gọi tôi là nhà văn hay nghệ sĩ gì hết, cứ gọi là Mạc Can là đủ.