'Cú hích' cho ngư dân vươn khơi bám biển

Nhóm PV 02/09/2022 14:00

Kết thúc chuỗi ngày “neo bờ” vì giá nhiên liệu “leo thang”, những ngày gần đây, ngư dân miền cát trắng Trung Trung Bộ rất phấn khởi vươn khơi bám biển đưa “lộc” về vun đắp cuộc sống. Có thể thấy, chính sách giảm các loại thuế, phí đối với xăng, dầu của Chính phủ đã và đang tạo động lực giúp ngư dân vượt qua “bão giá”.

Tàu thuyền cập bến sau chuyến ra khơi đầy ắp tôm cá.

Sức sống mới trên ngư trường

Qua rồi những ngày dài “tấp bờ”, từ đầu tháng 8 đến nay, ngư trường Hà Tĩnh nhộn nhịp, đầy sức sống.

Luôn tay sửa soạn lại ngư cụ, chuẩn bị cho chuyến vươn khơi mới, ngư dân Nguyễn Văn Thắng (thôn Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) phấn khởi chia sẻ: Kỳ giảm giá xăng, dầu lần này giúp ngư dân bớt nỗi lo khi ra khơi đánh bắt hải sản. Trung bình mỗi chuyến ra khơi 2 ngày, tôi phải tiêu tốn khoảng 300 lít dầu diesel. Giờ giá dầu giảm mạnh, khả năng sẽ tiết kiệm thêm được khoảng 300 - 400 nghìn đồng cho mỗi chuyến đi biển. Điều này khiến các ngư dân phấn chấn hơn hẳn.

Cách đó không xa, ngư dân Nguyễn Bá Nam (thôn Hoàng Chuân, xã Cẩm Nhượng) cũng đang tất bật kiểm tra lại đồ nghề, sửa soạn tàu thuyền để sẵn sàng cho chuyến ra khơi tiếp theo. Ông Nam cho biết: “Mong ước giá dầu giảm của ngư dân đã thành sự thật. Giờ chỉ hy vọng những chuyến biển tới thời tiết thuận lợi, đánh bắt bội thu để bà con có thêm nguồn trang trải cuộc sống. Chúng tôi mong giá dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm nữa để ngư dân bù lại khoảng thời gian đánh bắt cầm chừng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giá nhiên liệu tăng cao”.

Theo các ngư dân, dầu diesel thường chiếm đến 80 - 90% tổng chi phí chuyến biển. Giá dầu diesel giảm giúp tàu công suất nhỏ khai thác ngắn ngày gần bờ tiết kiệm được 1 - 3 triệu đồng mỗi chuyến biển. Tàu công suất từ 90 CV trở lên khai thác hải sản xa bờ dài ngày tiết kiệm được hàng chục triệu đồng mỗi chuyến.

Ngoài việc giá xăng dầu giảm mạnh, ngư dân hiện đang được hưởng “niềm vui kép” khi hải sản đánh bắt về đều được thương lái thu mua với giá cao. Ngư dân Hoàng Quốc Huỳnh ở thôn Sơn Bằng (xã Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho biết: “Giá xăng giảm đúng mùa du lịch cao điểm, nhu cầu tiêu thụ hải sản tăng cao nhất trong năm, do đó, các chuyến vươn khơi trở về đều được các thương lái, nhà hàng, khách sạn đặt hàng liên tục nên chúng tôi rất phấn khởi. Giờ giá xăng tiếp tục giảm bà con càng yên tâm bám biển hơn”.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, địa phương có hơn 3.500 tàu cá tham gia đánh bắt trên biển. Việc ngư dân ven biển trên toàn tỉnh đồng loạt ra khơi trở lại sau khi giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm là tín hiệu khả quan, vừa tạo thu nhập ổn định cho ngư dân vừa đảm bảo nguồn cung hải sản trên thị trường. Hoạt động tại các cảng cá, bến thuyền cũng nhộn nhịp trở lại. Theo báo cáo từ cơ sở, các chuyến biển gần đây đều cho sản lượng tương đối, một số loại có giá trị cao như cá thu, ghẹ, tôm biển, mực ống, mực lá…

Ngư dân Ngô Đức Tâm( thuyền trưởng tàu TTH 97679TS) cho rằng, giá nhiên liệu giảm đã phần nào giúp ngư dân vươn khơi bám biển.

Nhộn nhịp ở Cửa Tùng

Giá nhiên liệu giảm tỷ lệ nghịch với quang cảnh tấp nập tàu thuyền ở cảng Cửa Tùng (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), cảng cá lớn nhất nhì Quảng Trị lúc này.

Những ngày cuối tháng 8/2022, cảng Cửa Tùng nhộn nhịp tàu thuyền cập bến, khác hẳn với thời điểm trước đó vài tháng. Trong lúc đợi thuyền vào để thu mua cá, bà Lê Thị Thảo (47 tuổi, trú tại xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Linh) cho hay, thời điểm này việc thu mua cá cũng thuận lợi hơn so với khoảng thời gian giá xăng dầu tăng đỉnh điểm. Thậm chí, thời điểm giá xăng tăng cao nhiều ngày, thương lái còn không thu mua được cá về bán vì nhiều thuyền nằm bờ không đi đánh bắt.

Ông Lê Dũng (65 tuổi, trú tại thị trấn Cửa Tùng - thuyền viên trên một chuyến tàu vừa cập bờ) chia sẻ, thời điểm này xăng dầu giảm giá nên ngư dân cũng có phần thuận lợi hơn.

“Chiếc thuyền tôi đang tham gia đánh bắt cá có công suất 200 CV và có 1 thuyền trưởng, 6 thuyền viên. Chúng tôi bắt đầu chuyến đánh bắt từ 1h sáng hôm trước, cập bến khoảng 14h chiều hôm sau. Khoảng thời gian này so với thời điểm giá xăng, dầu tăng cao, chúng tôi đã có thu nhập nhỉnh lên hơn 100 nghìn đồng/ ngày” - ông Dũng nói.

Nhiều người đánh bắt và mua bán thủy hải sản cho biết, năm nay sản lượng hải sản tăng cao hơn năm trước. “Thời điểm giá xăng tăng cao chúng tôi phải neo đậu thuyền tại bờ, không dám tổ chức đi đánh bắt. Khi thì nghỉ 10 ngày, khi thì 5 ngày… Chỉ có khoảng thời gian gần đây khi giá xăng dầu giảm xuống thì chúng tôi mới ra khơi đều hơn” - một chủ tàu phấn khởi chia sẻ.

Ông Lê Văn Sơn - Giám đốc Ban Quản lý cảng cá (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị) cho biết, thời điểm này ngư dân ra khơi đánh bắt thủy sản có nhiều hơn so với thời gian trước. Bên cạnh đó, sản lượng cá đánh bắt được cũng nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái nên bà con ngư dân hết sức phấn khởi và tích cực ra khơi bám biển.

Niềm vui sau mỗi chuyến vươn khơi

Giá dầu “hạ nhiệt” thời gian gần đây đã và đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con ngư dân tỉnh Thừa Thiên Huế vươn khơi bám biển.

Ông Ngô Đức Tâm (thuyền trưởng tàu TTH 97679TS) cho biết, vào thời điểm giá nhiên liệu “leo thang”, nhiều ngư dân không còn mặn mà với việc vươn khơi bám biển. Với mỗi chuyến ra khơi kéo dài gần cả tháng trời, trong khi chi phí nhiên liệu quá cao dẫn đến lỗ nặng.

“Khi giá xăng dầu bắt đầu giảm, ngư dân phần nào vui mừng và vươn khơi trở lại. Tàu của tôi vừa ra khơi được 2 ngày và đánh bắt được khoảng 1,5 tấn cá nục gai, sau khi tàu cập bờ đã có nhiều thương lái đến thu mua tại cảng, trừ đi mọi chi phí cũng có lãi được phần nào” - ông Tâm chỉ tay về khoang tàu đầy ăm ắp cá nục gai cho hay.

Ngư dân Nguyễn Văn Thành (phường Thuận An, TP Huế) cho biết, thời gian trước, khi giá dầu diesel tăng cao không ít ngư dân đành để tàu cá nằm bờ vì vươn khơi mà không có lãi. Đợt này giá dầu giảm, ngư dân vui mừng vì bớt được phần nào gánh nặng chi phí. Đồng thời, cũng yên tâm để vươn khơi nhiều hơn. Giá dầu giảm, mỗi chuyến đi biển cũng tiết kiệm được một phần chi phí so với trước.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Quang Nhất - Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Thừa Thiên Huế cho biết, vào thời điểm giá xăng dầu tăng cao chỉ có khoảng 50% tàu thuyền vươn khơi, số còn lại đành phải nằm bờ vì hễ ra khơi đánh bắt là lỗ.

“Giá xăng dầu bắt đầu giảm nhiệt trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi. Việc giá nhiên liệu giảm phần nào giúp ngư dân giảm được gánh nặng chi phí lên đến nhiều triệu đồng cho mỗi chuyến đi biển” - ông Nhất nói.

Tuy nhiên, theo ông Nhất, giá xăng dầu hiện vẫn đang còn ở mức cao, do đó hiệu quả đánh bắt của ngư dân chưa được như mong muốn. Ông Nhất cũng cho biết, trong thời gian qua Ban quản lý cảng cá thường xuyên tăng cường tuyên truyền bà con vươn khơi bám biển, chuyển đổi những nghề phù hợp hơn để giảm chi phí chuyến biển, qua đó nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản, cũng như góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Được biết, hiện toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 450 tàu đánh bắt xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần xa bờ công suất từ 90CV đến 1.100CV và hơn 2.000 phương tiện đánh bắt vùng gần bờ, đầm phá.

Ngày 6/7/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về mức Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn với 100% thành viên tham gia biểu quyết tán thành. Theo đó, đồng ý điều chỉnh mức Thuế Bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022. Từ ngày 1/1/2023, mức Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính sách này đã tạo “cú hích” giúp ngư dân tích cực vươn khơi bám biển, vừa phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Cú hích' cho ngư dân vươn khơi bám biển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO