Cửa hàng xăng bán 'nhỏ giọt', 'ông lớn' xăng dầu nói gì?

PV (theo Dân Trí) 09/02/2022 11:37

Nhiều cây xăng tại nhiều địa phương có hiện tượng ngừng bán hàng, gây gián đoạn nguồn cung đối với mặt hàng thiết yếu như xăng dầu.

Xăng dầu thời kỳ bán... nhỏ giọt

Trong quá trình kiểm tra kiểm soát thị trường, lực lượng quản lý thị trường đã ghi nhận nhiều cây xăng tại nhiều địa phương có hiện tượng ngừng bán hàng, gây gián đoạn nguồn cung đối với mặt hàng thiết yếu như xăng dầu.

Đáng chú ý theo báo cáo từ cơ quan chức năng cho thấy, nhiều cửa hàng ngừng bán với lý do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời. Nhiều cửa hàng nhập hàng từ hệ thống PVOil.

"PVOil đã gửi thông báo cho đại lý với nội dung thông báo do tàu xăng dầu không về kịp, kho dừng cung cấp xăng RON95 cho đến khi có thông báo mới, dầu DO và E5 vẫn cung cấp bình thường", báo cáo của cơ quan quản lý thị trường nêu.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các cây xăng đóng cửa, ngừng bán (Ảnh: DMS).

Không chỉ PVOil, một số cây xăng nhập nguồn hàng từ Petrolimex cũng phải ngừng với lý do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời.

Trao đổi với báo chí, ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) - thừa nhận vừa qua có tình trạng gián đoạn nguồn cung tại một số cửa hàng trong 1-2 ngày. Tuy nhiên theo lý giải của ông Dương, nguyên nhân chủ yếu là số lượng nhập hàng tăng đột biến, ngoài kế hoạch nên doanh nghiệp không đủ cung ứng toàn bộ nhu cầu từ khách hàng.

Ông Dương cho biết, nhiều cửa hàng trước đó không nhập 100% từ PVoil, các khách hàng này mua của rất nhiều nguồn. Tuy nhiên vừa rồi khó khăn khi nhiều đầu mối không có hàng nên "đổ dồn" nhập.

"Thực sự chúng tôi cố gắng đáp ứng được với số lượng như bình thường đã rất nỗ lực. Còn nếu nhu cầu tăng đột biến lên thì chúng tôi khó đáp ứng đủ toàn bộ được một cách thông suốt", ông Dương giải thích.

Chủ tịch PVOil cũng khẳng định những cửa hàng thuộc hệ thống của tổng công ty vẫn đang mở bán chứ không đóng cửa. Tuy nhiên, tại một số đại lý, một số mặt hàng có thể chưa đáp ứng kịp thời ở từng thời điểm, gián đoạn trong thời gian ngắn.

Lãnh đạo doanh nghiệp này lo ngại khi giá xăng dầu trong nước đang thấp hơn nhiều so với giá thế giới bởi kỳ điều chỉnh vừa qua phải tạm hoãn do rơi vào kỳ nghỉ Tết. Điều đó có thể dễ dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng từ trong nước ra nước ngoài, cần được cơ quan chức năng hết sức lưu ý.

Đại diện Petrolimex cũng khẳng định việc đảm bảo mở cửa thông suốt toàn bộ cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống của Tập đoàn. Đối với các đơn vị bán buôn thì thực hiện theo đúng hợp đồng đã cam kết.

Chủ tịch một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn khác thì chia sẻ, hiện nay nguồn cung xăng dầu rất khan hiếm, doanh nghiệp muốn nhập nhiều cũng khó. Do vậy, nhiều cửa hàng xăng dầu phải hạn chế việc bán hàng, đối với những trường hợp mang can to đi mua tích trữ sẽ từ chối.

Báo cáo đánh giá gửi Chính phủ có phương án xử lý

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc một cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở La Khê, Hà Đông, Hà Nội, cho biết, khó khăn về nguồn hàng nhập, các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng gặp thế khó khác là mức chiết khấu đã về 0 đồng với tất cả mặt hàng xăng, dầu. Các doanh nghiệp bán lẻ rơi tình cảnh càng bán sẽ càng lỗ.

Trong khi đó, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết, việc một số điểm bán xăng dầu treo biển hết hàng xuất hiện từ trước Tết Nguyên đán do nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất.

Ông Đông thông tin, Bộ Công Thương đã nắm được thực trạng này và có báo cáo đánh giá gửi Chính phủ nhằm có phương án xử lý. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã trao đổi với các đầu mối, nguyên tắc chung là đảm bảo tổng cung, giao nhiệm vụ cho từng đầu mối để có nguồn hàng nhanh nhất, sớm nhất.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có công điện yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đơn vị nào găm hàng chờ tăng giá. Với những cửa hàng, cây xăng phải đóng cửa vì lý do chính đáng như hết xăng, Bộ Công Thương sẽ phối hợp điều phối, cung ứng.

Đến nay theo báo cáo nhanh từ nhiều địa phương, vẫn chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Cụ thể theo báo cáo nhanh của các địa phương, từ ngày 28/1/2022 đến nay, lực lượng quản lý thị trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, tại một số địa phương (Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang) đã phát hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do nhiều nguyên nhân (không có đủ nguồn cung xăng dầu, lượng tiêu thụ xăng dầu của người tiêu dùng tăng cao do nhu cầu đi lại, không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng)...

Tháo gỡ vướng mắc ở nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Tại cuộc họp chiều 8/2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết hiện nay, nguồn cung xăng dầu trong nước đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường, còn lại 25% là nhập khẩu.

Tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn (chiếm trên 90% thị phần), việc bán hàng vẫn được duy trì liên tục từ trước Tết Nguyên đán đến nay.

Tuy nhiên, thời gian qua, tại một số địa phương có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung. Sự việc này đã được Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra. Theo đó, hầu hết các cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng do lấy nguồn hàng từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhỏ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng ra để chờ tăng giá.

Các bộ, ngành, doanh nghiệp đầu mối cũng khẳng định, tình trạng thiếu hụt xăng dầu chỉ xảy ra cục bộ tại cửa hàng đại lý của các doanh nghiệp nhỏ, do tâm lý găm hàng nhằm trục lợi.

Lãnh đạo Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí cho biết, những vướng mắc trước mắt của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện đã được tháo gỡ, từ giữa tháng 2, nhà máy sẽ dần khôi phục lại sản xuất như bình thường. Từ trước Tết, Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 7/2/2022 đã nâng công suất lên 105%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cửa hàng xăng bán 'nhỏ giọt', 'ông lớn' xăng dầu nói gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO