Cửa rừng đóng nhưng chưa 'khóa'

Văn Nhất 29/03/2017 08:05

Ngày 27/3, ông Trần Hữu Thế- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên xác nhận tỉnh đang cho khai thác rừng tại hai tiểu khu 310, 311 thuộc xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh để giao đất cho Công ty cổ phần chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao.

Nạn chặt phá rừng vẫn tiếp diễn.

Theo đó, để phục vụ Dự án chăn nuôi bò thịt của Công ty Thảo Nguyên, UBND tỉnh Phú Yên ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng 377ha rừng tại hai tiểu khu 310, 311 sang mục đích không phải lâm nghiệp.

Trong số diện tích rừng bị chuyển đổi có hơn 273 ha tự nhiên, còn lại là rừng trồng, do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh quản lý. Được biết, toàn bộ diện tích rừng chuyển đổi trên đều có chức năng rừng phòng hộ đầu nguồn, vốn được bảo vệ nghiêm ngặt.

Từ việc chuyển đổi này, hàng ngàn cây gỗ có đường kính 40-50cm đã bị đốn hạ. Chỉ mới sau gần một tuần, đã có hàng chục hecta rừng bị tàn phá hoàn toàn. Một điều đáng chú ý, trong quyết định của Bộ TN&MT về phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án trên nêu rõ: Chỉ được triển khai thực hiện dự án khi có phương án trồng rừng thay thế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng theo ông Huỳnh Xuân Quang, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên thì hiện nay, Công ty Thảo Nguyên chỉ mới đang thuê đơn vị tư vấn khảo sát thực địa để lập phương án trồng rừng thay thế.

Không chỉ ở Phú Yên, tại tỉnh Khánh Hòa cũng trong tháng 3/2017, tại khoảnh 4, tiểu khu 205 rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc huyện Khánh Vĩnh do Công ty Lâm sản Khánh Hòa quản lý cũng để xảy ra tình trạng chặt phá rừng.

Theo Giám đốc Công TNHH MTV lâm sản Khánh Hòa, ước tính có khoảng 20 cây gỗ dẻ, sến, chua khét…thuộc nhóm 5 đến nhóm 7 đã bị các đối tượng phá rừng đốn hạ, cưa xẻ, những cây gỗ bị đốn hạ có đường kính từ 0,4 đến 1 m, dài từ 1,2 đến 2m, lượng gỗ tang vật đã thu gom được hơn 12,9m3.

Trước đó, cũng tại khu vực rừng phòng hộ Hòn Hèo thuộc thị xã Ninh Hòa, công nhân của Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc Khánh Hòa phụ trách hồ nước Tiên Du cũng đã “phát dọn” hơn 17.500 m2 trong diện tích chỉ được phát dọn là 7.221 m2, như vậy hơn 10 nghìn m2 rừng phòng hộ của rừng Hòn Hèo cũng “được” phát luôn.

Không chỉ các tỉnh Nam Trung Bộ tình trạng phá rừng liên tục xảy ra, mà các tỉnh Tây Nguyên tình cảnh này cũng diễn ra tương tự. Những vụ phá rừng liên tục được phát hiện, nhiều diện tích rừng đã bị đốn hạ không thương tiếc.

Tính từ đầu tháng 1/2017 đến nay, tại các tỉnh Tây Nguyên các cơ quan chức năng liên tục phát hiện các vụ chặt phá rừng với quy mô lớn điển hình như: địa bàn huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, hàng chục mét khối gỗ phần lớn có đường kính 20-30 cm, dài 4-5 m; Tại tỉnh Kon Tum, ở Tiểu khu 365, thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Hà, huyện Đắk Hà, hàng loạt cây gỗ lớn ở đây đã bị chặt hạ. Những gốc cây còn sót lại có đường kính trên dưới 40 cm.

Trước đó, ngày 20/1, lực lượng tuần tra của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah, tỉnh Gia Lai đã bắt quả tang 2 thanh niên điều khiển một cặp bò kéo gỗ từ trên núi xuống suối Đắk Pơ Kai. Lực lượng chức năng xác định có 2 bãi gỗ với tổng cộng 54 cây, được cắt thành 73 lóng tròn (gần 30 m3). Cả hai bãi gỗ đều thuộc Tiểu khu 174 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah.

Theo Bộ NN&PTNT, chỉ trong giai đoạn năm 2010-2015, Tây Nguyên bị mất hơn 312.400ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên.

Thực tế hiện nay, rừng vẫn đang bị tàn phá ngày đêm, việc suy giảm nhanh cả về diện tích và chất lượng của rừng đang tác động rất lớn đến biến đổi khí hậu; làm gia tăng lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán và nguy cơ hoang mạc hóa trên nhiều địa bàn...

Vì vậy, để rừng không còn bị “chảy máu” các ngành chức năng cần vào cuộc một cách quyết liệt và trừng trị thích đáng những kẻ phá rừng cũng như mượn danh nghĩa để phá rừng.

Những vụ phá rừng liên tục được phát hiện, nhiều diện tích rừng đã bị đốn hạ không thương tiếc. Tính từ đầu tháng 1/2017 đến nay, tại các tỉnh Tây Nguyên các cơ quan chức năng liên tục phát hiện các vụ chặt phá rừng với quy mô lớn điển hình như: địa bàn huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, hàng chục mét khối gỗ phần lớn có đường kính 20-30 cm, dài 4-5 m; Tại tỉnh Kon Tum, ở Tiểu khu 365, thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Hà, huyện Đắk Hà, hàng loạt cây gỗ lớn ở đây đã bị chặt hạ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cửa rừng đóng nhưng chưa 'khóa'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO