Trước năm 1965 chưa có đường 20. Giữa năm 1965, ta mới có tuyến vượt khẩu cơ giới duy nhất từ Khe Ve theo Đường 12 qua Seng Phan... nhập vào Đường 9 tại Na Bo. Mùa mưa Seng Phan (Lào), con đường bị ngập sâu trong nước, vận tải vào Nam bị cắt suốt mấy tháng. Chính vì vậy, Bộ Tư lệnh 559 quyết định mở thêm tuyến vượt khẩu thứ hai mang tên Đường 20 Quyết Thắng để tránh túi nước Seng Phan, phá thế độc tuyến.
17h ngày 21/1/1966, loạt bộc phá đầu tiên mở màn chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi” đã nổ. Sau 3 tháng quyết liệt, ngày 14/4/1966, con đường vượt khẩu mới cắt ngang Trường Sơn, mang tên Đường 20 Quyết Thắng đã khai thông, dài 125 km. Và hôm nay, tôi đã cùng 100 cựu TNXP Thanh Hóa trở lại chiến trường xưa: Đường 20 Quyết Thắng.
Cua chữ A một trọng điểm trong cụm liên hoàn ATP (cua chữ A, ngầm Tà Lê, đèo Phu La Nhích, đường 20 Trường Sơn) Ảnh: Hứa Kiểm.
Nếu đặt tên nghĩa trang TNXP Thanh Hóa?
Con đường 20 Quyết Thắng đã để lại 5 nghĩa trang mang tên nghĩa trang Thanh niên Xung phong (TNXP), trong đó, theo kế hoạch, chúng tôi đến viếng 3 nghĩa trang: Nghĩa trang TNXP Vạn Ninh huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình, nghĩa trang Thọ Lộc huyện Bố Trạch, Quảng Bình, nghĩa trang Tân Ấp ở Tuyên Hóa, Quảng Bình. Ba nghĩa trang này cùng chung một điểm đặc biệt là nhiều liệt sĩ có dòng chữ cuối cùng của bia mộ viết: Quê Thanh Hóa.
Không thể không chảy nước mắt khi nhìn nhiều dãy dài bia mộ có tên: Nông Cống, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Triệu Sơn... và hàng loạt tên ghi ngày hy sinh 27/10/1967 hay 8/5/1972... Có nghĩa là những ngày đó, các TNXP có chung một giỗ. Có ai đó trong đoàn nói một câu làm tôi suy nghĩ: Sao không đặt tên là nghĩa trang TNXP Thanh Hóa. Những bia mộ trên đồi A1 Điện Biên Phủ năm xưa hầu hết cũng là người con xứ Thanh.
Tại sao gọi là hang Tám Cô?
Nhiều khách du lịch chưa đến đây nhầm tưởng họ là người Quảng Bình hay ít nhất cũng là người Nghệ An anh hùng. Không đúng, tất cả đều là người Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Mà không phải là Tám cô gái, có cả con trai, và tuổi đều 18-20, chỉ có một người là anh Nguyễn Mậu Kỷ 37 tuổi đã có vợ và con gái 6 tháng tuổi, còn lại đều chưa có gia đình.
Hang Tám Cô là nơi hy sinh của 8 TNXP Thanh Hóa ngày 14/11/1972 bởi bom Mỹ đánh, họ trú trong hang bị kẹt đến 9 ngày sau vẫn còn sống, vẫn kêu cứu mà không có cách nào cứu được họ. 10 cô gái TNXP Đồng Lộc hy sinh, người đời sau đã dựng tượng. Tại sao con đường 20 Quyết Thắng có hàng trăm TNXP Thanh Hóa hy sinh ở đây, có ngày mấy chục người hy sinh còn chưa dựng tượng. Miếu thờ ư? Chưa đủ!
Tại sao gọi là Hang Y Tá?
Hang Y Tá hay còn gọi là hang Chị Sặng. Anh Lê Trung Sơn - Chủ tịch Hội Cựu TNXP Thanh Hóa - kể lại: “Chị Sặng, người phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa bây giờ. Chị được biên chế vào đơn vị C211. Không những làm y tá, chị còn làm cấp dưỡng khi không có thương binh. Khi máy bay đến, TNXP trú tạm ở hang ven đường 20, được chị Sặng chăm sóc, băng bó nên lính lái xe và TNXP gọi điểm ấy là hang Y Tá hay hang Chị Sặng. Chị Sặng hy sinh ở đây năm 1972. Thường những người con gái chết trẻ chưa chồng đều rất thiêng. Hang Chị Sặng thiêng liêng với TNXP và lính lái xe đường Trường Sơn đến nỗi, lái xe qua đây, từ Bắc vào hay từ Nam ra, đều dừng xe thắp hương cho chị và mong chị phù hộ cho những chuyến xe an toàn. Nhà bia này là các lái xe Trường Sơn và anh em giao thông quyên góp tiền lại để làm nơi thờ chị”...
Những lính lái xe năm xưa đã khởi xướng việc làm hay, góp tiền lại xây miếu thờ chị Sặng, họ đã tôn thờ chị như thờ thần hộ mệnh. Hiện nay, mộ chị đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, nhưng tên tuổi chị vẫn còn trên đường 20 Quyết Thắng.
Nói về hang Chị Sặng, anh Lê Mạnh Dũng - TNXP Thanh Hóa thời kỳ 1971-1972, hiện nay là BCH Hội cựu TNXP Thanh Hóa - kể lại: “Chị Sặng cùng đơn vị với tôi, C211, đội N75. Một ngày đầu tháng 9/1972, lệnh của trên là tiếp tục hạ dốc Ba Thang đường 20 để thuận tiện cho xe ta vận tải vũ khí vào chiến trường đỡ phải leo dốc. Sáng hôm ấy, sau khi hạ dốc Ba Thang xong thì ngay buổi chiều, không hiểu do thám thế nào, Mỹ biết, ném bom luôn. Đường mới, đất mới khác màu, địch phát hiện rất nhanh. Lệnh của trên phải sơ tán ngay vào rừng sâu cách đường 20 khoảng 2 km. Nhưng hôm sau, chưa kịp ổn định chỗ ở, máy bay lại đánh chỗ sơ tán. Chị Sặng hy sinh đúng hôm đó...
Sau chiến tranh, đơn vị tôi về thăm lại chiến trường xưa trên đường 20 Quyết Thắng thì ngay cửa hang Chị Sặng, thấy một bia đá có tên chị là Y tá Nguyễn Thị Sặng, hy sinh ngày ... tháng 9 năm 1972, quê ở phường Phú Sơn thị xã Thanh Hóa. Có tờ báo (nghe theo mấy bà gọi hồn, tìm mộ) nói là chị bị sốt rét ác tính được đưa về tuyến sau nhưng chị nhường cho những thương binh nặng đi trước và chị ở lại chiến đấu và tắt thở ngay trên võng trong rừng, nhiều ngày sau mới tìm thấy. Không phải thế. Chúng tôi không tin việc gọi hồn cốt không có cơ sở khoa học. Chính tôi đã đưa chị về bệnh viện Thọ Lộc nhưng vết thương nặng quá nên chị hy sinh ở bệnh viện tiền phương Thọ Lộc. Chúng tôi được báo tin đến chỉ để nhận mộ chị mà thôi”...
Những giọt nước mắt ở nghĩa trang Tân Ấp của TNXP Trường Sơn
Tôi là người đã ráo hoảnh những giọt nước mắt ở đời vì có quá nhiều cuộc tiễn đưa người thân về chín suối. Lần này trong 3 nghĩa trang TNXP (Vạn Ninh, Thọ Lộc, Tân Ấp) đến viếng đều có những người bạn của các cựu TNXP trong đoàn đã hy sinh ở đây. Trong 100 người đi viếng thì 2/3 là nữ TNXP, tôi rất cảm động mà không thể khóc được. Nhưng đến nghĩa trang thứ ba, nghĩa trang Tân Ấp, một chị cựu TNXP khóc bạn gái: “Th. ơi, hôm ấy đáng lẽ mi không chết nhưng mi xung phong ra mặt đường thay cho tau. Mi đã chết thay tau Th. ơi!”. Đi bên cạnh chị cựu TNXP khóc bạn trong nghĩa trang, nghe đoạn ấy, tôi khóc mà không dám khóc to.
Hai chảo cơm trắng còn nguyên, không ai ăn
Anh Nguyễn Hữu Oanh, sinh năm 1950, ngồi cạnh tôi trên xe, thuộc đơn vị TNXP 115, đơn vị Anh hùng, kể lại: “Sáng ngày 27/10/1967, đơn vị tôi ra mặt đường. Không may, toàn đơn vị bị lộ. Máy bay Mỹ đã tập trung hỏa lực dội bom bi làm hầu hết TNXP bị hy sinh. Cứu thương cấp cứu không kịp. Nhiều người bị thương không nặng nhưng máu chảy nhiều quá mà chết”.
Anh Lâm, người tham gia trận chiến đấu ngày 27/10/1967 kể lại: “Sáng ngày hôm đó, đơn vị pháo của bộ đội ta trên đường vào chiến trường, đến khu vực tôi đóng quân thì trời sáng. Không hiểu họ ngụy trang thế nào bị lộ, hai chiếc máy bay OV10 của Mỹ quần đảo nhiều vòng trên trời khu vực km 49 của đường 20 và phát hiện ra trận địa pháo và khu vực TNXP làm đường.
Đầu tiên chúng cho máy bay ném bom khói chỉ điểm. Sau đó suốt đến 5h chiều rất nhiều tốp máy bay địch ném bom liên tục xuống khu vực TNXP làm nhiệm vụ. Tôi trú trong hầm hộ tống với anh em thì bị bom làm hy sinh hầu hết, chỉ còn tôi và anh Lạc bị thương nặng, nhưng tôi đưa anh đi cấp cứu thì chưa kịp đến nơi anh Lạc tắt thở. Thời gian đầu của trận đánh, đơn vị tôi chỉ hy sinh 2 người là cô Phấn và cô Khang...
Đưa về cấp cứu ở hầm hộ tống thì bị máy bay quay lại ném bom tiếp làm thương binh chết hết. Đơn vị tôi hy sinh thêm 7 người nữa. Hầm hộ tống khác bị trúng bom chết khoảng 35 người, trong đó 11 TNXP và 24 bộ đội. Trận ấy, ta đã bắn rơi 2 máy bay và bắt sống 1 giặc lái, 1 giặc lái khác chết trong máy bay. Nhưng bọn Mỹ quay lại tìm phi công không thấy đã ném bom tiếp làm thằng phi công còn lại cũng chết vì bom bi luôn. Nó không chết thì cũng không biết nuôi nó thế nào vì không ai biết tiếng Anh cả.
Năm 2014, Mỹ đi tìm hài cốt phi công, tôi là người được dẫn đoàn tìm hài cốt vào Trường Sơn và đã tìm được hài cốt 2 phi công đó”...
Những chiếc màn không buông xuống
Nói về trận chiến đấu ngày 27/10/1967, anh Nguyễn Hữu Oanh kể tiếp: “Tối hôm ấy, chôn cất đồng đội xong, những người còn lại trở về lán trại trong rừng. Không khí tang tóc bao trùm vì đơn vị có quá nhiều người hy sinh. Nhìn hai chảo cơm to, nấu xong còn nguyên. Nhiều người đi ra mặt đường buổi sáng thì tối không về nữa. Những người ngồi vào mâm không ai cầm được nước mắt, họ lại đứng dậy. Làm sao nuốt nổi khi đơn vị vơi người đi quá nhiều. Đêm không được đốt đèn. Tôi nhìn những con đom đóm lập lòe bay trong đêm. Sao đêm ấy những con đom đóm to đến thế. Vào sạp trong lán còn tang thương hơn. Những ô nằm của đồng đội như những ô ăn quan thời trẻ. Những màn màu xanh rủ xuống là có người ngủ, những sạp không buông màn là những đồng đội đã không bao giờ về nữa... Sau này hết chiến tranh, giải ngũ về quê, nhiều đêm không ngủ được, tôi lại như thấy những tấm màn ngủ xanh bơ vơ trong lán vắng người và những con đom đóm rất to bay lập lờ trong rừng Trường Sơn như đang đi tìm bạn chiến đấu cũ”...
Chia tay con đường 20 Quyết Thắng huyền thoại, tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng Trưởng đoàn Lê Trung Sơn nói trên xe: Con đường 20 Quyết Thắng đã mang trên mình hàng triệu tấn bom. Tính ra, mỗi người lính bảo vệ đường và TNXP chiến đấu trên đường 20 chịu hơn 1.000 quả bom... Câu chuyện chuyển xăng bằng sức người: Đưa được 100 phuy xăng đến điểm cuối cùng con đường chỉ còn 30 phuy xăng nhưng 29 người hy sinh trên đường vận chuyển... Ác liệt quá!
Đường 20 Quyết Thắng, con đường cùng với những con người và sự kiện huyền thoại, sẽ còn được nhắc đến mãi mãi trong lịch sử Chống Mỹ cứu nước.