Cùng doanh nghiệp vượt khó

Lê Anh 30/10/2021 06:05

Sau gần một tháng mở cửa, khôi phục sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp dần thích nghi với trạng thái bình thường mới. Dù vậy, thực tế cho thấy, nhiều khó khăn về vấn đề nhân công lao động, thiếu vốn tái sản xuất, chuỗi cung ứng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ… vẫn cần tiếp tục tháo gỡ.

Để đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 (gọi tắt là “Bộ tiêu chí”), nhiều doanh nghiệp DN tại các khu chế xuất (KCX), Khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao (KCNC) đã mất khá nhiều tâm sức để đáp ứng. Theo ông Trương Văn Quân, đại diện một công ty FDI tại KCNC TP Hồ Chí Minh, DN ủng hộ việc thích ứng an toàn trong bối cảnh tái sản xuất, kinh doanh trở lại. Dù vậy, việc quản lý di chuyển của người lao động bằng mã QR cần phải phối hợp đồng bộ hơn.

Vẫn theo ông Quân, để chủ động trong việc tuyển mới hoặc đón công nhân trở lại làm việc, rất cần trao quyền chủ động cho DN.

Thích nghi để vượt khó

Theo ông Nguyễn Văn Trung - một đại diện DN FDI thì đặc thù mỗi DN có những khác nhau và do đó cần để mỗi đơn vị tự kiểm soát từ khâu sản xuất đến đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh.

Lý do này cũng đã được ông Đoàn Võ Khang Duy, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP HCM nêu lên ngay từ giai đoạn các KCN, KCX tại thành phố thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Nhìn về hình thức, phương án dễ khiến DN chủ quan là thích nghi an toàn nhưng chỉ là giải pháp tình thế và khó có thể duy trì lâu dài. Hơn nữa, các kho xưởng, nhà máy được thiết kế để phục vụ hoạt động sản xuất, không có chức năng nhà ở hay sinh hoạt cho người lao động. Ngoài ra, tâm lý chung của công nhân ở DN lâu dài sẽ bức bối khi bị kiểm soát khắt khe.

Đó là chưa kể nhiều DN phát hiện các F0 ngay cả khi đã thực hiện nghiêm ngặt phương án “3 tại chỗ” trước đây và gần nhất là theo Chỉ thị 18 của UBND TP HCM. Theo ông Nguyễn Văn Thứ - Tổng Giám đốc Công ty G.C Food, sản xuất của DN là một chuỗi dây chuyền thường xuyên. Do đó, khi DN có nhân viên F0, phải xác định là nguồn lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, cần phải có quy định cụ thể khi có F0 thì DN phải làm sao chứ không thể đóng cửa sản xuất. Điều này dẫn đến vòng tròn luẩn quẩn cho DN. Từ thực tế hoạt động DN, đại diện G.C Food góp ý nên xây dựng một Bộ tiêu chí an toàn sản xuất chung để DN có thể yên tâm sản xuất và đáp ứng tiêu chí phòng dịch. Trong đó, tạo cơ chế để chủ DN yên tâm mở cửa sản xuất trở lại bằng hành lang pháp lý rõ ràng, không thể để mỗi đơn vị hiểu mỗi kiểu, dẫn đến thiếu đồng bộ.

Nhiều doanh nghiệp tại TP HCM đã hoạt động trở lại. Ảnh: Độc Lập.

Ngoài ra, nhiều DN cũng nêu lên các khó khăn về vốn, lao động, chuỗi cung ứng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ…Theo khảo sát từ đầu tháng 10 đến nay tại 100 DN (bao gồm các đơn vị FDI) có tới hơn 46% các công ty đang gặp phải khó khăn này. Lý do chung là sau gần 5 tháng tạm ngưng sản xuất, người lao động về quê tránh dịch, hầu hết máy móc, trang thiết bị cần sữa chữa, phục hồi để vận hành.

Bối cảnh mở cửa cũng vào lúc chi phí sản xuất tăng do phải áp dụng cùng lúc với các biện pháp phòng chống dịch. Theo ông Nguyễn Đình Hà - Giám đốc một công ty về giấy, bao bì tại quận 12 phản ánh, gặp nhiều khó khăn trong vận động lao động cũ trở lại làm việc. Hơn nữa, việc tuyển mới nhân công cũng đòi hỏi quá trình đào tạo lại qua nhiều tháng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tất toán các đơn hàng còn tồn đọng của DN này. Việc tiếp cận các gói hỗ trợ miễn, giảm, giãn thuế phí và hỗ trợ từ phía ngân hàng trong cơ cấu nợ, giảm lãi suất còn rườm rà, rắc rối, nhiều khi kéo dài thời gian hồ sơ, thủ thục khiến DN ngán ngẩm.

Tình trạng tương tự cũng được ông Lê Bá Lâm - đại diện một DN trong lĩnh vực xây dựng tại Thủ Đức cho biết, công trường phải tạm dừng thi công kéo dài khiến nhiều hạng mục bị hư hỏng hoặc khó có thể tái sử dụng. Ngoài ra, thị trường xuất hiện tình trạng đầu cơ, đẩy giá thép kèm theo các quy định pháp lý liên quan đến bất động sản còn thiếu đồng bộ trong bối cảnh DN vẫn phải thích nghi an toàn với dịch bệnh.

Theo đề xuất của Hội Dệt may thêu TP HCM, để giúp các DN mở cửa, tái sản xuất bền vững cần sự chung tay từ chính quyền cũng như hành lang cơ chế thuận lợi hơn. Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM mong muốn thành phố sớm hỗ trợ các DN thuận lợi trong việc đón lao động từ các địa phương trở lại làm việc. Riêng về phía Hội Dệt may thêu TP HCM đã tài trợ chi phí đi lại, ăn uống, chỗ ở…để hỗ trợ một phần khó khăn cho các hội viên.

TP HCM đảm bảo tất cả người dân sinh sống, làm việc, học tập tại thành phố được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Để người lao động yên tâm trở lại làm việc

Sau một tháng mở cửa, các hoạt động kinh tế - xã hội tại TP HCM đang từng bước phục hồi, nhưng các DN vẫn đối diện với nhiều thách thức.

Theo đánh giá đại diện Hiệp hội DN thành phố (HUBA), đợt bùng phát dịch thứ tư vừa qua đã gây nhiều khó khăn cho các DN. Hệ quả có thể thấy rõ là chỉ sau khoảng 5 tháng phải tạm ngưng sản xuất thì chi phí phát sinh cho DN là rất lớn. Kèm theo đó, áp lực về trả lãi vay ngân hàng; duy trì trả lương cho công nhân, người lao động; chi phí, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao dẫn đến tái sản xuất chậm. Trong khi đó, nhiều DN cũng phản ánh việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về ưu đãi thuế, hỗ trợ đón, tuyển mới nhân lực còn rất hạn chế. Đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine cho người lao động ở một số nơi cũng chưa đồng bộ cũng khiến không ít DN dè dặt, thận trọng khi mở cửa trở lại sản xuất, kinh doanh.

Còn theo PGS.TS Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện Khoa học và xã hội vùng Nam bộ, để thực hiện hiệu quả chính sách phục hồi sản xuất, kinh doanh của DN, qua đó hoàn thành mục tiêu kép trên địa bàn TP HCM thì phải tháo gỡ ngay khó khăn về tình trạng thiếu lao động hiện nay. Chính các khó khăn này khiến khoảng 31% DN mới phục hồi một phần và 24% chưa xác định thời gian quay lại sản xuất. Muốn vậy, thành phố và DN phải có những cơ chế đảm bảo an toàn về việc làm, chỗ ở cho người lao động để họ an tâm trở lại làm việc.

Khảo sát về tình hình mở cửa, tái sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn TP HCM đưa ra nhiều con số báo động. Trong đó, chỉ có 44% đơn vị có kế hoạch phục hồi toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh. Còn trong số 100 đại diện DN tham gia khảo sát, có đến 46,1% đang trong tình trạng rất khó khăn về vốn, lao động, chuỗi cung ứng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ… sau gần 1 tháng mở cửa trở lại.

“Để thực hiện hiệu quả chính sách phục hồi sản xuất, kinh doanh của DN, qua đó hoàn thành mục tiêu kép trên địa bàn TP HCM phải tháo gỡ ngay khó khăn về tình trạng thiếu lao động hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cùng doanh nghiệp vượt khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO