Cùng quê hương chống dịch

Tuệ Phương 20/08/2021 09:30

Dù sinh sống ở nhiều quốc gia khác nhau và khá bận rộn với công việc chữa trị, nghiên cứu trong lĩnh vực y học tại những quốc gia sở tại, nhưng các nhà khoa học người Việt của Nhóm phản ứng nhanh Covid-19 thuộc Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (trụ sở tại Pháp) vẫn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để hỗ trợ cộng đồng, bà con ở trong nước phòng, chống đại dịch.

Khi dịch Covid-19 ở trong nước diễn biến phức tạp, các nhà khoa học người Việt hiện sống ở nước ngoài đã có nhiều chia sẻ kiến thức để phòng chống dịch bệnh.

1. Từ những phương trời khác nhau trên thế giới, các giáo sư (GS), bác sĩ (BS) người Việt ở nước ngoài của Taskforce Covid-19 – Nhóm phản ứng nhanh Covid-19 thuộc Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) vừa Hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Mối nguy hiểm của biến thể Delta và cách phòng tránh” vào đầu tháng 8 vừa qua.

Bốn chuyên gia y tế gốc Việt gồm: GS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn (Bệnh viện Cochin, Paris, Pháp); TS Lê Quý Vang, Chuyên gia tư vấn cao cấp về Khoa học dữ liệu tại Trường Đại học Aalborg (Đan Mạch) đồng thời là thành viên nhóm giải trình tự gen của SARS-CoV-2 và theo dõi sự di chuyển lây lan của các biến chủng thuộc Đại học Aalborg); TS.BS Nguyễn Nhất Linh, Chương trình chống lao toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); TS Nguyễn Thị Thu Hiền, Chuyên gia cao cấp Sinh Y, Bệnh viện Đại học Aalborg (Đan Mạch).

Các chuyên gia đã thảo luận chung quanh bốn chủ đề quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, nhiều vấn đề được dư luận quan tâm như: Triệu chứng lâm sàng, biểu hiện dịch tễ học của biến chủng Delta, các biện pháp theo dõi biến chủng Delta ở cấp độ cá nhân và quốc gia, vấn đề tiêm chủng vaccine, các cách thức bình ổn tâm lý để đưa cuộc sống trở về bình thường... Trong suốt hơn hai giờ đồng hồ hội thảo, các chuyên gia về y học đã đưa ra nhiều thông tin quan trọng, nhiều ý kiến trong xây dựng chính sách đối với Việt Nam, những biện pháp để giúp mọi người phòng trách dịch bệnh, nhất là với biến chủng Delta, những giải pháp giúp mọi người vượt qua khó khăn về tâm lý... Các ý kiến thiết thực được cộng đồng người Việt trong nước cũng như quốc tế chào đón nồng nhiệt.

GS Đinh Xuân Anh Tuấn hiện còn là thành viên Taskforce Hội chứng Covid mãn tính của Liên minh châu Âu. GS cho biết: “Chúng ta chỉ có hai phương cách để ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19. Thứ nhất là giãn cách xã hội và cách ly cho mỗi cá nhân hay phong tỏa cho một tập thể nếu cần. Thứ hai là tiêm ngừa vaccine. Trong giai đoạn đầu của dịch Covid- 19, biện pháp thứ nhất có thể đủ nhưng bước qua giai đoạn thứ nhì có nghĩa là giai đoạn hiện tại, ta cần phải làm cả hai. Chúng tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam đã và đang có những nỗ lực vượt bậc để giải quyết vấn đề khó khăn này. Việc phân định ưu tiên cho ai sẽ được tiêm vaccine trước là vấn đề cực kỳ quan trọng vào thời điểm này để tránh việc làm quá tải các bệnh viện trung ương và các đơn vị chuyên môn sâu về hô hấp, về hồi sức”.

TS Nguyễn Nhất Linh đưa ra lời khuyên, việc tiêm vaccine phòng Covid -19 cho người cao tuổi và người có bệnh nền là khá an toàn. Các phản ứng phụ, kể cả sốc phản vệ ở nhóm này không nhiều hơn so với các nhóm khác như người trẻ tuổi hay không có bệnh nền. Vì vậy, chúng ta, người dân cũng như các nhân viên y tế không nên e ngại khi tiêm vaccine cho người cao tuổi và người có bệnh nền.

2. Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu - AVSE Global có tiền thân là Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp, được thành lập từ tháng 5/2011. AVSE Global hiện kết nối khoảng 300 nhà khoa học người Việt đang sinh sống ở khắp nơi trên thế giới. Trong đó, chủ yếu là các nhà khoa học làm việc tại những quốc gia phát triển ở châu Âu, châu Mỹ.

Trước việc Việt Nam gặp những thách thức lớn do dịch bệnh Covid-19, nhất là sự xuất hiện của biến chủng Delta, AVSE Global đã thành lập Taskforce Covid-19 – Nhóm phản ứng nhanh Covid-19 vào ngày 25/5/2021 để cùng góp tiếng nói, đưa ra những gợi ý, giải pháp đồng hành cùng đất nước và nhân dân trong nước vượt qua thử thách.

Ngoài bốn thành viên kể trên Nhóm phản ứng nhanh Covid-19 còn thu hút gần 20 bác sĩ, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực y dược ở nhiều nước trên thế giới. TS Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, dù các thành viên của Nhóm đến từ hơn 10 quốc gia, việc kết nối khá khó khăn do các nước đều có dịch bệnh, nhưng các thành viên đều mong muốn góp sức cho quê hương trong cuộc chiến chống Covid-19.

Ngay sau khi thành lập, Nhóm phản ứng nhanh Covid-19 đã tổ chức hai cuộc hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Hiểu về Covid để an tâm giữa mùa dịch” (ngày 17/7) và “Hiểu về vaccine để đẩy lùi Covid” (ngày 1/8). Hội thảo “Mối nguy hiểm của biến thể Delta và cách phòng tránh” là cuộc hội thảo thứ ba mà Nhóm phản ứng nhanh Covid-19 thực hiện. Những vấn đề mang tính chuyên môn, với nhiều thuật ngữ khó hiểu được các chuyên gia “tái tạo” thành ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu nên được công chúng đón nhận rộng rãi, có thể áp dụng cho cuộc sống bản thân. Ví dụ như GS Đinh Xuân Anh Tuấn coi vaccine có nhiệm vụ “bật đèn xanh” cho hệ miễn dịch của con người có thể nhận diện tiêu trừ virus. Ông ví vaccine giống như “chiếc kẹo cao su” dùng để dính vào chiếc “ổ khóa” mà virus có thể tìm đến xâm nhập vào cơ thể con người. Do đó, tiêm vaccine vừa giảm sự lây lan, tỷ lệ tử vong vừa ngăn ngừa sự phát triển không ngừng các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn đóng góp nhiều ý kiến trong xây dựng chính sách phòng, chống dịch bệnh cho Việt Nam, các chuyên gia, bác sĩ đều ủng hộ chính sách chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay của Chính phủ Việt Nam.

Ngoài việc tổ chức các hội thảo, giảng viên lâm sàng cao cấp Nguyễn Thu Anh, một thành viên của nhóm tại Đại học Sydney (Australia) còn xây dựng một trang web phi lợi nhuận: www.vacxin-covid.com để cung cấp thông tin cụ thể về các loại vaccine, các tiện ích tin cậy về vaccine để mọi người có thể tham khảo.

3. Thách thức của dịch bệnh đòi hỏi Việt Nam phải huy động sức mạnh của cả cộng đồng, trong đó có sự tham gia của cộng đồng người Việt trên thế giới. Đánh giá về hoạt động của Nhóm phản ứng nhanh Covid-19, ông Ngô Hướng Nam- Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, ngay tại buổi hội thảo lần thứ ba, đã có hơn 4.000 người theo dõi trực tuyến và sau đó có rất nhiều lượt chia sẻ. Điều này cho thấy dư luận hết sức quan tâm và buổi hội thảo đã có tác động lớn đến cộng đồng, khi truyền tải được nhiều kiến thức quan trọng đến mọi người. Qua đó, giúp cộng đồng có thêm kiến thức, kinh nghiệm để phòng chống dịch bệnh. Việc làm này của đội ngũ y bác sĩ là người Việt Nam ở nước ngoài được chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao. Những nỗ lực, cố gắng của họ để cung cấp những kiến thức mà mình có được từ nền y học hiện đại đã cho không chỉ nhân dân Việt Nam mà con nhân dân tại các nước sở tại mà họ đang sinh sống cũng sớm đẩy lùi được dịch bệnh.

Trước khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 mang lại, người Việt ở khắp năm châu đã quy tụ, có nhiều sáng kiến để đóng góp xứng đáng cho nền y học nước nhà cũng như góp sức để đất nước nhanh chóng khống chế và đẩy lùi dịch bệnh; để cuộc sống của người dân ở trong nước cũng như trên thế giới sớm trở lại trạng thái bình thường.

Các chuyên gia y tế của AVSE Global Taskforce Covid-19 đều nhận định rằng, việc tiêm chủng vaccine rất quan trọng và lịch sử đã chứng minh rằng rất nhiều bệnh lây truyền đã được khống chế hoặc thanh toán nhờ vào vaccine như bại liệt, mô cầu não, thủy đậu... Dưới góc độ chuyên môn, các chuyên gia đánh giá rất cao nỗ lực không ngừng của Việt Nam về chiến lược vaccine với những giải pháp chống dịch quyết liệt trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 ngày càng trở lên phức tạp thì các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên do dự hay chờ đợi vaccine, mà hãy tiêm ngay khi có thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cùng quê hương chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO