Cuộc chiến mang tên TikTok

Thế Tuấn 27/09/2020 08:00

Mới đây, ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok thuộc sở hữu của Công ty ByteDance (Trung Quốc) thông báo đã gỡ hơn 104 triệu video trên toàn cầu do vi phạm các hướng dẫn và quy định liên quan đến nội dung bạo lực.

TikTok cho biết họ đã phát hiện và gỡ bỏ 96,4% video bạo lực trước khi người dùng phản ánh, 90,3% video được gỡ bỏ trước khi có lượt xem. Đây được xem là động thái tích cực khi TikTok là “nhân vật chính” trong một cuộc chiến được cho là “tồn tại hay không tồn tại”.

Tăng tốc tiếp cận người dùng nổi tiếng trên TikTok, Facebook nỗ lực lôi kéo nội dung độc quyền cho Instagram Reels.

Hồi đầu tháng 9, Ủy ban châu Âu (EC) xác nhận ứng dụng chia sẻ video TikTok, sẽ tham gia bộ quy tắc ứng xử tự nguyện của Liên minh châu Âu (EU) nhằm ngăn chặn những phát ngôn thù hận bất hợp pháp trên mạng trực tuyến. Đại diện của TikTok Cormac Keenan, cho biết mục đích của công ty là loại bỏ những phát ngôn thù hận trên ứng dụng này. Dù thừa nhận đây sẽ là thách thức không hề dễ dàng trong bối cảnh thế giới ngày càng phân cực nhưng TikTok khẳng định sẽ cố gắng để thực hiện mục tiêu này.

Trước đó, vào tháng 8, TikTok cũng thông báo đã xóa hơn 380.000 video ở Mỹ, như một phần của nỗ lực loại bỏ những nội dung thù hận trên nền tảng công nghệ này.

Nhưng câu chuyện không hề đơn giản và tất nhiên cũng không dừng ở đó.

Chiến dịch loại bỏ TikTok

Ngày 20/7 đánh dấu cuộc chiến chống lại ứng dụng video TikTok của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được đẩy sang một “chiến trường”. Theo Bloomberg, bắt đầu từ hôm 17/7, một chiến dịch quảng cáo trên 2 nền tảng mạng xã hội là Facebook và Instagram đã được nhóm tranh cử của Tổng thống Trump tung ra với mục tiêu nhắm vào ứng dụng TikTok.

Những quảng cáo đó đưa ra thông điệp cảnh báo người dùng, cho rằng ứng dụng tạo video mang tên TikTok đang có nhiều hành vi theo dõi người sử dụng. “TikTok bị bắt quả tang theo dõi dữ liệu của bạn, hãy ký vào đơn yêu cầu cấm ứng dụng này ngay bây giờ” - một nội dung quảng cáo nêu thông điệp.

Thoạt nhìn, chiến dịch quảng cáo của các trợ thủ ông Trump chỉ đơn thuần mong muốn người dùng ký vào đơn thỉnh nguyện. Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu của nữ nhà báo Taylor Lorenz (viết cho tờ Bloomberg và New York Times) thì tính chất thực sự của quảng cáo này là một cuộc khảo sát để đưa đến việc loại bỏ TikTok khỏi nước Mỹ.

Ứng dụng video TikTok từ lâu vốn được biết đến có nguồn gốc từ Trung Quốc, với công ty mẹ là ByteDance. Theo quan điểm của ông Trump, lệnh cấm TikTok là dể bảo vệ quyền cá nhân của công dân Mỹ. Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viện dẫn các vấn đề lo ngại cho an ninh quốc gia. Còn Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, “đánh tiếng” hy vọng TikTok sẽ rút khỏi công ty mẹ ở Trung Quốc và hoạt động độc lập như một công ty Mỹ.

Kể từ khi ra mắt tại Mỹ năm 2018, TikTok đã nhiều lần thành công trong việc loại bỏ những lời kêu gọi điều tra và cảnh báo của giới chức Mỹ. Tuy nhiên, với động thái từ Nhà Trắng thì mối đe dọa về khả năng “biến mất” của TikTok không phải chuyện đùa.

Cho đến giữa tháng 9 này, nhiều chuyên gia công nghệ và kinh danh trong lĩnh vực này cho rằng ngày tàn của TikTok tại Mỹ đã đến rất gần, khi mà nó đã bị đóng cửa tại Ấn Độ, bị đề xuất cấm tại Australia, Hàn Quốc. Đi đầu trong việc “khuyến cáo” Nhà Trắng đóng cửa TikTok chính là kênh truyền hình Fox News khi cho rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ đóng cửa TikTok “sớm hơn người ta nghĩ”. Dẫn lời Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, Fox News cho rằng quyết định đối với TikTok “sẽ được đưa ra trong vài tuần nữa”.

Tuyên bố trên được cho rằng đã được ông Meadows nói với các phóng viên trong một chuyến bay của chuyên cơ AirForce rằng “đang có nhiều quan chức xem xét mối nguy hại an ninh quốc gia từ TikTok, WeChat và các ứng dụng khác, nhất là việc thu thập thông tin công dân Mỹ”.

Cũng cần nhắc lại, tuy rằng CEO của TikToK là người Mỹ (ông Kevin Mayer - cựu lãnh đạo Disney), nhưng chủ sở hữu là ByteDance - một tập đoàn có trụ sở ở Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng, việc ông Trump đặt vấn đề “cấm cửa” TikTok trên đất Mỹ là “một phần” của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; bất kể việc TikTok luôn khẳng định mình không phải là một mối nguy hại, và tìm nhiều cách để tách biệt khỏi Douyin (phiên bản của ứng dụng này tại Trung Quốc).

“TikTok do một CEO Mỹ lãnh đạo, với hàng trăm nhân viên và quản lý nắm các mảng sản phẩm, an ninh và chính sách công tại Mỹ. Chúng tôi ưu tiên đem lại trải nghiệm an toàn, bảo mật cho người dùng. Chúng tôi chưa bao giờ cung cấp dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc và ngay cả khi được chính quyền Trung Quốc yêu cầu, chúng tôi cũng sẽ không làm” -TikTok phản hồi sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra lời đe doạ.

Tiết lộ thông tin, điều mà người ta nghi ngại ở TikTok.

Cuộc chiến pháp lý

Một mặt khẳng định không có chức phận do thám, mặt khác TikTok cũng có kế hoạch kĩ lưỡng để tự bảo vệ sự tồn tại của mình trên đất Mỹ. Người ta gọi đó là “sự chuẩn bị cho một cuộc chiến pháp lý”.

TikTok cho biết họ đã cố gắng đối thoại với chính quyền của ông Trump nhưng gặp phải việc thiếu quy trình hợp lý và một chính quyền “không chú ý đến sự thật”. Người phát ngôn của TikTok cho biết: “Để đảm bảo rằng nguyên tắc pháp quyền không bị loại bỏ và cũng như người dùng được đối xử công bằng, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tự bảo vệ mình thông qua hệ thống tư pháp”.

Theo phóng viên thương mại của BBC Vivienne Nunis, thì cuộc chiến pháp lý ấy sẽ không hề đơn giản cho cả hai bên.

Như để hậu thuẫn cho TikTok, từ phía Trung Quốc xuất hiện nhiều ý kiến “tố” Nhà Trắng “bắt nạt” TikTok và WeChat.

Ngày 19/9, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố cương quyết phản đối lệnh cấm của Mỹ đối với ứng dụng WeChat và TikTok. Cơ quan này gọi hành động của Mỹ là sự “bắt nạt” và kêu gọi Washington nghiêm túc tuân thủ quy tắc và trật tự quốc tế minh bạch và công bằng - Reuters dẫn thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc và cho biết rất có thể TikTok sẽ bị ngừng cập nhật các phiên bản mới và một số tính năng cho đến khi bị cấm hoàn toàn vào ngày 12/11.

Tháo gỡ nút thắt

Trong khi vẫn giằng co thì ngày 20/9, động thái đến từ ông Trump đã được coi là tháo gỡ nút thắt cho vụ TikTok: Ông Trump tỏ ý chấp nhận thỏa thuận cho phép ứng dụng chia sẻ video của TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ. “Tôi đã để ngỏ chấp thuận hợp tác giữa TikTok và các hãng Mỹ Oracle và Walmart”- ông Trump nói trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng.

Ông Trump nói rằng thỏa thuận TikTok sẽ đảm bảo để dữ liệu về khoảng 100 triệu người dùng ở Mỹ được an toàn. Ông nói với các phóng viên: Mức an ninh sẽ là 100%. Trước khi rời Nhà Trắng để tới một sự kiện tranh cử tại Bắc Carolina, ông Trump nói: “Tôi đã tỏ ý chấp thuận (‘blessing’) thỏa thuận này. Tôi đã thông qua nó về mặt nguyên tắc”.

Ngay lập tức, cả TikTok và ByteDance đều hoan nghênh tuyên bố của ông Trump. Họ coi như đã trút được “gánh nặng ngàn cân”. Nhưng, giới quan sát lên tiếng cho rằng TikTok và ông chủ thực sự của nó cũng không nên vội mở sâm-panh ăn mừng vì thông tin từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết họ vẫn đang tiếp tục xem xét toàn bộ vấn đề, cho tới ngày 27/9 mới có ý kiến chính thức.

Vậy “thỏa thuận TikTok” có nội dung như thế nào? Mấu chốt cơ bản chính là sẽ có một công ty mới được thành lập, được đặt tên là TikTok Global. Công ty này sẽ đặt trụ sở chính tại Mỹ, có thể là tại tiểu bang Texas, với thành phần ban quản trị chủ yếu là người Mỹ, trong đó có một giám đốc điều hành và một chuyên gia an ninh người Mỹ. Oracle và Walmart sẽ nắm cổ phần lớn trong công ty, và ByteDance cam kết bảo đảm an ninh liên quan tới dữ liệu người dùng Mỹ. Dữ liệu TikTok sẽ do Oracle lưu trữ, và hãng này sẽ có quyền thanh tra phần mã nguồn. Nói như ông Trump, thỏa thuận này chỉ được thông qua khi “công ty TikTok mới sẽ hoàn toàn được kiểm soát bởi Oracle và Walmart”.

Còn đại diện Oracle và Walmart lập tức ra tuyên bố rằng TikTok Global sẽ tạo ra hơn 25.000 việc làm mới và sẽ đóng hơn 5 tỷ USD tiền thuế tại Hoa Kỳ.

Trong cuộc chiến mang tên TikTok, hãng công nghệ khổng lồ Microsoft cũng đã từng muốn mua lại TikTok. CEO Satya Nadella của Microsoft cho biết đã từng có một trao đổi ngắn với Tổng thống Donald Trump khi được biết dự định cấm TikTok hoạt động tại Mỹ vì lý do bảo mật. Theo đó, Microsoft có thể sẽ trả 50 tỷ USD - mức giá trị dự báo của TikTok khi là một doanh nghiệp độc lập - để kiểm soát các hoạt động của ứng dụng này tại Mỹ, Canada, Úc và New Zealand.
Tuy nhiên, thương vụ bất thành và rất có thể “nhà cái” đã thuộc về Oracle và Walmart, còn “gã khổng lồ” Microsoft buộc phải đứng ngoài cuộc chơi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chiến mang tên TikTok

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO