'Cuộc chiến' sách giáo khoa

Thu Hương 16/07/2020 09:10

Về việc đề nghị bổ sung sách giáo khoa (SGK) vào danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá, câu hỏi đặt ra lúc này là cuộc chiến cạnh tranh thị phần SGK sẽ ra sao? Giá SGK năm học tới sẽ tác động đến người học như thế nào?

Sách giáo khoa - mối lo của phụ huynh lẫn học sinh. Ảnh: Quang Vinh.

Tại cuộc họp mới đây nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung sách giáo khoa (SGK) vào danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã khẳng định: Điều này chưa phù hợp với mục tiêu, quan điểm của nghị quyết của Quốc hội và trái với nguyên tắc thị trường, chưa phù hợp với quy định của Luật Giá. Câu hỏi đặt ra lúc này là cuộc chiến cạnh tranh thị phần SGK sẽ ra sao? Giá SGK năm học tới sẽ tác động đến người học như thế nào?

Cạnh tranh thị phần

Trước khi có chủ trương “Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, có một số SGK cho mỗi môn học”, trong số hơn 30 Nhà xuất bản ( NXB) của Việt Nam, chỉ có NXB Giáo dục Việt Nam (GDVN) có chức năng xuất bản SGK.

Đến nay đã có thêm 5 NXB khác đủ điều kiện về nguồn lực và mạng lưới cộng tác viên được Bộ Thông tin -Truyền thông xem xét, bổ sung chức năng xuất bản SGK trong giấy phép thành lập gồm NXB Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội, NXB ĐH Sư phạm TPHCM, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội, NXB ĐH Vinh và NXB ĐH Huế.

Riêng Bộ GDĐT là đơn vị được Chính phủ giao cho xây dựng chương trình, biên soạn SGK từ lớp 1 đến lớp 12, được cấp phép và có chức năng xuất bản SGK. Tuy vậy, trong chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018, Bộ GDĐT đã xin rút, không biên soạn SGK. Như vậy, trước mắt cuộc đua chỉ còn lại 5 “ứng cử viên” trên.

Nhưng ở năm đầu triển khai CTGDPT 2018, như chúng ta đã thấy, chỉ có NXB GDVN tham gia với 4 bộ sách và 1 bộ sách do NXB ĐH Sư phạm, NXB ĐH Sư phạm TPHCM và Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) phối hợp thực hiện.

Tuy nhiên, như chia sẻ của ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty VEPIC thì: “Vốn đầu tư của Công ty VIPEC do các cổ đông đóng góp, hầu hết là của những cán bộ ở NXB đã về hưu, các thầy giáo, các tác giả. Những đơn vị của NXB GDVN gồm các công ty con, công ty thành viên có góp vốn vào Công ty VIPEC”.

Từ chia sẻ này có thể thấy, không phải ngẫu nhiên có ý kiến cho rằng, việc chọn SGK vừa qua của các trường là cuộc cạnh tranh của chính những “người trong nhà” với nhau.

Việc thực hiện “một chương trình nhiều bộ SGK” được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ chế mới thúc đẩy nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia biên soạn SGK. Tuy nhiên, nhìn từ phía các NXB, việc tham gia ở cấp độ nào tùy năng lực của từng đơn vị, nhưng làm SGK là chuyện không dễ dàng.

Lãnh đạo một NXB được cấp phép chia sẻ: Việc xuất bản, in và phát hành là 3 công việc hoàn toàn khác nhau. Một NXB có thể chỉ làm công tác phát hành, nhưng cũng có NXB không liên quan gì tới in và phát hành. Thông thường công việc chủ yếu của NXB làm công tác xuất bản là chủ yếu, tức là cấp giấy phép biên tập. Nếu muốn in và phát hành, phải có thêm giấy phép nữa.

Huống hồ, để biên soạn một bộ SGK, cần đến rất nhiều yếu tố, trong đó việc tập hợp được một đội ngũ tác giả đủ trình độ, năng lực và kinh nghiệm để biên soạn không đơn giản.

Ngay như Bộ GDĐT cũng đã tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên không tuyển chọn được đủ số lượng tác giả, trong đó nguyên nhân chính là hầu hết các chuyên gia có kinh nghiệm đã sớm ký hợp đồng với các NXB và triển khai biên soạn SGK.

Một lý do nữa đó là yêu cầu trả tiền nhuận bút lâu dài cho các tác giả trong khi chưa biết được chất lượng, hình hài cuốn SGK ra sao thì không phải đơn vị nào cũng đáp ứng được.

Vì vậy, dù được cấp phép song không phải đơn vị nào cũng đủ nguồn lực để theo đuổi cuộc chiến thị phần SGK vốn là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các NXB và có thể ngay trong chính mỗi NXB khi có nhiều trung tâm khác nhau cùng thực hiện.

Dự kiến Bộ GDĐT sẽ tiến hành thẩm định SGK lớp 2 được biên soạn theo CTGDPT 2018 từ tháng 7 đến tháng 9. Bao nhiêu NXB sẽ có mặt hay vẫn là những gương mặt thân quen? Câu trả lời sẽ sớm có.

Giá SGK cao, người nghèo khó tiếp cận

Theo Luật hiện hành, SGK là mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, theo đó thẩm quyền quyết định giá SGK thuộc các đơn vị được cấp phép xuất bản sách. Đơn cử như bộ SGK Cánh diều, PGS.TS Nguyễn Bá Cường, Giám đốc NXB ĐH Sư phạm Hà Nội, một trong những đơn vị triển khai sách cho biết, việc tính giá sách là trên cơ sở NXB phải hạch toán, tự cân đối đầy đủ chi phí, giá giấy, công in.

Tuy nhiên, dư luận băn khoăn những chi phí này sẽ bao gồm những gì?

Cách đây không lâu, khi sự việc NXB GDVN chi thù lao biên soạn SGK cho một số thành viên của Sở GDĐT TP HCM được công khai, dư luận đã phải đặt câu hỏi về chi phí biên soạn SGK trên thực tế đã phải “cõng” thêm những khoản gì?

Lo ngại không chỉ ảnh hưởng đến việc chọn SGK thiếu khách quan vì việc biên soạn có sự tham gia của các cán bộ đang công tác, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên CTGDPT 2018 đồng thời là Chủ biên SGK Tiếng Việt của bộ Cánh Diều còn băn khoăn: “Không biết ngoài việc chi thù lao cho Sở GDĐT TP HCM, NXB GDVN còn chi thù lao hay chi phí cho các chuyến tham quan, du lịch “miễn phí” cho quan chức, công chức của những đơn vị nào nữa?”.

Theo đánh giá của Cục Quản lý giá, trong giai đoạn đầu thực hiện xã hội hóa hiện nay, các chi phí hình thành SGK do các NXB tự trang trải và có thể việc tự định giá SGK ở mức cao so với nhu cầu của xã hội. Việc này tác động trực tiếp đến người dân, đặc biệt đối với người dân ở những vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Thực tế 5 bộ SGK đã công bố giá cho thấy đều ở mức cao gấp vài lần so với SGK hiện hành mặc dù đã được điều chỉnh giảm nhiều lần so với giá công bố lần đầu tiên.

Nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay khi dịch bệnh Covid-19 làm hàng ngàn lao động mất việc làm khiến cho việc mua sắm một bộ SGK mới có giá cao đối với con em công nhân, lao động càng trở nên chật vật, khó khăn. Vì vậy, đề xuất các NXB, các tổ chức, cá nhân… hỗ trợ SGK cho người nghèo, các đối tượng khó khăn đang đặt ra.

Gần nhất, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá đầu tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo liên quan đến việc hỗ trợ giá SGK cho học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể từ Trung ương. Vì vậy, rất mong trong thời gian tới sẽ có những chỉ đạo cụ thể để hỗ trợ người dân.

Về lâu dài, cần có những chính sách đặc thù với mặt hàng đặc biệt này như đề xuất của PGS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam: Nhà nước cần lưu ý hỗ trợ đầu tư, để đảm bảo mặt hàng này không liên tục phải điều chỉnh giá do các thay đổi của nhiều yếu tố từ thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Cuộc chiến' sách giáo khoa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO