Cuộc chiến vaccine hay là chiến tranh thế giới kiểu mới

Thế Tuấn 29/03/2021 05:57

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, cuộc chiến vaccine Covid-19 hiện nay là “một cuộc chiến tranh thế giới kiểu mới” và EU cần phải phong toả toàn bộ việc xuất khẩu vaccine chừng nào các công ty dược phẩm còn chưa tôn trọng các cam kết đã đưa ra với EU.

Cảnh sát Đức kiểm tra nhập cảnh trong bối cảnh Covid-19. Nguồn: DW.

Phát biểu của ông Emmanuel Macron cho thấy những phức tạp trong nội bộ EU không chỉ về vấn đề vaccine mà còn là cách thức ứng xử của khối đối với đại dịch Covid-19. Trên thực tế, làn sóng lây nhiễm thứ ba khiến một số quốc gia như Pháp, Bỉ, Đức phải áp đặt những biện pháp phong toả mới trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh vào tháng 4.

EU lúng túng

Đáng chú ý, các quốc gia trong khối EU dường như đang cảm thấy khó khăn trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2 khi mà nguồn cung vaccine không đủ, rồi sự phân chia cũng không đồng đều giữa các thành viên.

Là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, EU đã lên kế hoạch tiêm chủng từ rất sớm. Trong năm 2020, EU đặt hàng 2 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 từ 6 nhà sản xuất và con số này hiện đã là gần 3 tỷ liều cho tổng dân số của EU là 450 triệu người. Nhưng rồi, sau hơn 3 tháng triển khai chiến dịch tiêm chủng, hầu hết các nước EU lo ngại khi mà tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine là rất rõ ràng, chủ yếu do tiến độ bàn giao chậm trễ của Hãng Dược phẩm AstraZeneca.

Chính vì thế mà chương trình tiêm chủng của EU bị chậm lại. Theo tính toán của Công ty Bảo hiểm tín dụng Euler Hermes, việc này có thể khiến nền kinh tế toàn khối thiệt hại 123 tỷ euro trong năm 2021.

Cho đến nay, ở các nước EU, tỷ lệ tiêm chủng mới chỉ đạt 10,4 liều/100 người, trong khi ở Anh tỷ lệ này là 42,7. Như vậy, 27 quốc gia trong EU đã chậm chân hơn rất nhiều so với nước Anh - quốc gia đã “dứt áo ra đi” qua vụ Brexit đình đám.

Chưa hết, tình trạng phân bổ vaccine không đồng đều giữa các quốc gia thành viên EU tiếp tục đẩy căng thẳng lên cao. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cảnh báo việc này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho EU. Cũng vì thế mà EU phải bàn đến việc phân chia lại 10 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, trong tháng 4 tới. Trong EU, hiện Bulgaria, Latvia, Croatia và Czech là những quốc gia được phân phối vaccine ít nhất.

Trong khi người ta vẫn đang tranh cãi về việc phân phối vaccine, thì dịch Covid-19 vẫn không giảm nhiệt ở EU.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng cuộc chiến vaccine Covid-19 hiện nay là “một cuộc chiến tranh thế giới kiểu mới”.

“Phong tỏa cứng” và siết nhập cảnh

Ngày 28/3, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn đã kêu gọi tiến hành “phong tỏa cứng” từ 10 đến 14 ngày nhằm kiểm soát sự bùng phát của đại dịch Covid-19 ở nước này. Theo ông Spahn, nước Đức “thực sự cần” ngừng mọi tiếp xúc và đi lại để có thể kiểm soát được tình trạng bùng phát dịch. Ông kêu gọi mọi người dân Đức tuân thủ các biện pháp phòng dịch, chỉ nên gặp gỡ ở ngoài trời mà thôi.

Trước đó, Hiệp hội Chăm sóc tích cực của Đức (DIVI) cũng đã kêu gọi thực hiện phong tỏa cứng trong 2 tuần, coi đây là giải pháp duy nhất để tránh sự quá tải các bệnh viện. Phong tỏa cứng, tiêm chủng và xét nghiệm là điều cần thiết phải làm lúc này - DIVI lên tiếng. Trong khi đó, chuyên gia y tế Karl Lauterbach kêu gọi nhanh chóng bàn lại phương án chống dịch trước làn sóng lây nhiễm gia tăng mạnh hiện nay.

Ông cho rằng nếu không có phong tỏa cứng nước Đức sẽ khó có thể đảo ngược xu thế hiện nay. Thủ hiến bang Baden-Wurttemberg, ông Winfried Kretschmann cũng lên tiếng cho rằng trung ương và địa phương cần họp khẩn vào đầu tuần tới để bàn về một lệnh phong tỏa cứng trước tình hình nghiêm trọng hiện nay.

Viện Robert Koch (RKI) ngày 27/3 thông báo: Chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày/100.000 dân ở Đức đã lên tới 124,9 - mức cao nhất từ giữa tháng 1/2021. Hiện ở Đức chỉ còn 3/16 bang có chỉ số lây nhiễm trung bình là Rheinland-Pfalz, Saarland và Schleswig-Holstein. Như vậy, 13 bang có chỉ số vượt ngưỡng phải thực hiện “kéo phanh” (tái áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt) nếu không muốn dịch tiếp tục bùng phát.

Trong một diễn biến liên quan, do số ca mắc Covid-19 tăng đột biến ở Pháp, Chính phủ liên bang Đức đã phải coi quốc gia láng giềng này là “khu vực chỉ số lây nhiễm cao”, bắt buộc mọi trường hợp từ Pháp nhập cảnh Đức phải có kết quả âm tính với Covid-19. Trước đó, từ đầu tháng 3, Đức cũng đã xếp khu vực biên giới Moselle của Pháp là “khu vực biến thể bùng phát” và người dân từ khu vực này trước khi sang Đức đã phải làm xét nghiệm.

Cũng giống như Đức, Chính phủ Tây Ban Nha cũng quy định tất cả những người nhập cảnh từ Pháp vào nước này theo đường bộ đều sẽ phải trình giấy xét nghiệm PCR, TMA hay hình thức xét nghiệm khác theo kỹ thuật phân tử với kết quả khẳng định âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi đến. Quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 30/3 và được áp dụng đối với mọi đối tượng từ 7 tuổi trở lên, ngoại trừ những người làm việc trong ngành giao thông vận tải, lao động xuyên biên giới và những người sinh sống ở các khu vực cách biên giới 30 km.

Trước đó, Tây Ban Nha cũng đã áp dụng biện pháp này đối với tất cả những người nhập cảnh từ Pháp bằng đường không, đường bộ và đường biển, nhưng chỉ áp dụng cho những người từ 11 tuổi trở lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chiến vaccine hay là chiến tranh thế giới kiểu mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO