Cuộc đua lập khu công nghiệp, khu kinh tế

An Hà 22/09/2022 06:31

Mới đây, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép tỉnh được thành lập Khu công nghệ cao và Khu kinh tế ven biển tại địa phương.

Ông Lê Tuấn Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, với những tiềm năng hiện có, tỉnh Bình Thuận sẽ tập trung nguồn lực để phát triển ba trụ cột của nền kinh tế là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 6 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, 1 khu công nghiệp (Sơn Mỹ 1) vừa mới được khởi công và 2 khu công nghiệp đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để có thể khởi công trong thời gian sớm nhất.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, việc xây dựng, hình thành Khu kinh tế ven biển, Khu công nghệ cao hứa hẹn góp phần tối ưu hóa những lợi thế về phát triển kinh tế biển của tỉnh, kết nối liền mạch với các khu kinh tế ven biển. Từ đó hình thành chuỗi liên kết các khu kinh tế ven biển của cả nước; đồng thời, hỗ trợ việc chuyển giao, phát triển công nghệ cao cho các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và cả khu vực Tây Nguyên…

Tất nhiên không chỉ có Bình Thuận mới muốn lập nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế. Và suy cho cùng thì tỉnh nào mà chẳng có tiềm năng, kể cả tỉnh nghèo.

Giàu có như Quảng Ninh thì cũng hy vọng xoay trục từ lấy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn sang một trung tâm công nghiệp lấy các ngành công nghiệp công nghệ cao làm trọng tâm… Theo ông Châu Thành Hưng - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, để cạnh tranh trong thu hút đầu tư, tỉnh đang ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, như: các tuyến cao tốc kết nối với Hà Nội, Hải Phòng, các cảng biển lớn, sân bay quốc tế đều đã đi vào hoạt động.

Cũng có thể nói về tỉnh Hải Dương khi đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ quy hoạch 15 khu công nghiệp mới với tổng diện tích đất trên 10.000ha, trong đó, gần 6.000ha đất công nghiệp, 2.000ha đất đô thị dịch vụ và logistics. Đáng chú ý, tỉnh này đã quy hoạch 1 vùng công nghiệp động lực tại huyện Bình Giang, Thanh Miện, với diện tích 10.000ha tại vị trí kết nối nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng cũng định hướng hình thành và phát triển Khu kinh tế Trần Đề có quy mô khoảng 30.000ha. Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa chức năng với ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp gắn với kinh tế biển, năng lượng sạch, phát triển các khu chức năng về đô thị, thương mại, dịch vụ và du lịch. Mới đây, tỉnh Sóc Trăng cũng đã ban hành Nghị quyết số 44 về nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Sông Hậu, có tính chất là khu công nghiệp đa ngành...

Thông tin tại Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2022 với chủ đề “Khơi thông làn sóng đầu tư mới”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đến nay hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước có mặt ở 61/63 tỉnh, thành phố với 403 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển và 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập. Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được hơn 10.000 dự án trong nước và gần 11.000 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 340 tỷ USD (trong đó, tổng vốn đầu tư FDI là khoảng 230 tỷ USD).

Như vậy, kết hợp giữa ý chí, khát vọng vươn lên và tiềm lực thực tế, các địa phương mong muốn phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, để đạt hiểu quả thì không phải cứ quy hoạch, đầu tư hạ tầng là “đại bàng sẽ về làm tổ”. Mà những khu công nghiệp, khu kinh tế phỉa đảm bảo sức hấp dẫn, trong đó việc đổi mới mô hình phát triển, phương thức quản lý tiên tiến là hết sức quan trọng. Đó là chưa nói các khu công nghiệp, khu kinh tế phải đảm bảo đồng bộ hài hòa về kinh tế, xã hội, môi trường; thu hút đầu tư phải có chọn lọc; ưu tiên dự án đầu tư có công nghệ hiện đại.

Nếu không, “vỏ” thì hào nhoáng nhưng “ruột” thì vẫn không ăn ai...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc đua lập khu công nghiệp, khu kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO