Cược mạng khi qua sông

Nguyễn Chung 25/11/2020 07:06

Đây là cách nói không hề quá của người dân tại 7 xã phía Nam huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) khi phải ngày ngày chấp nhận hiểm nguy, đi qua chiếc cầu phao cũ kỹ bắc qua sông Mã nối 2 xã Cẩm Vân và Cẩm Tân.

Mỗi khi nước lên, người dân phải đi đò qua sông.

Dẫn chúng tôi đến bờ sông Mã, nơi có cây cầu phao già hơn tuổi mình, anh Nguyễn Văn Sơn - một người dân đang sinh sống tại xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy nói: “Cây cầu đã xuống cấp từ nhiều năm nay, nhưng do không có kinh phí làm cầu kiên cố, UBND xã Cẩm Vân hàng năm vẫn phải trích ngân sách mua vật tư, huy động ngày công của người dân gia cố lại mặt cầu để phục vụ nhu cầu đi lại của bà con.

Mùa đông ken còn đỡ, chứ vào mùa lũ, nước sông chảy siết, việc phải ngày ngày qua sông chẳng khác nào đánh cược mạng sống với “Hà Bá”. Thậm chí vào những ngày nước lũ dâng cao, cầu không thể sử dụng, chúng tôi phải nhờ đò. Biết là nguy hiểm nhưng vẫn phải đi, vì đây gần như là con đường duy nhất nối đời sống của người dân tại 7 xã phía Nam với trung tâm hành chính huyện Cẩm Thủy”

Đứng trên bờ tả đê sông Mã nhìn xuống, cây cầu phao có bề rộng chừng 3-4m, dài 240 m nối 2 xã Cẩm Vân và Cẩm Tân như sợi chỉ mỏng mảnh vắt ngang dòng sông Mã đục ngầu mùa nước lớn. Mặt cầu được gia cố bằng những thanh tà vẹt hoen rỉ, xen lẫn những thanh gỗ đã mục nát, các đế phao khấp khểnh, lô nhô như chỉ chực bứt ra khỏi cáp néo mỗi khi có sóng lớn xô vào…

Một đoàn học sinh cùng vài người dân đánh xe bò qua sông cứ phải bám vào nhau lấy điểm tựa, cây cầu lắc nghiêng như muốn ném tất cả xuống lòng sông.

Người dân cho biết, ở khúc sông này, khoảng năm 1975 – 1976, một vụ lật đò đã cướp đi sinh mạng của hơn 20 người dân tại xã Cẩm Vân và các xã lân cận. Năm 2012, một vụ tai nạn thương tâm cũng đã cướp đi sinh mạng của 2 mẹ con trú tại xã Cẩm Tân khi qua cầu vào mùa mưa lũ...

Được biết, hiện, 7 xã thuộc phía Nam huyện Cầm Thủy đều phải phụ thuộc vào cây cầu phao nếu muốn đi sang bên kia sông để giao thương, buôn bán, đi học. Riêng với xã Cẩm Vân, cầu phao còn phục vụ phát triển sản xuất. Bên kia sông Mã xã có 100 ha đất sản xuất nông nghiệp. Ngày nào, người dân cũng phải di chuyển để đi làm đồng. Bởi vì tầm quan trọng của việc đi lại, giao thương nên mặc cho cầu xuống cấp, người dân vẫn phải liều mình để qua cầu.

Theo ông Lê Công Cảnh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân, để có nguồn kinh phí tu sửa, bảo dưỡng cầu phao, chính quyền xã được các ngành chức năng cho phép thu phí hành khách qua lại cây cầu. Tuy nhiên, mức thu chỉ áp dụng với khách “lạ”, chứ người dân trong xã qua lại sản xuất thì không thu. Cũng bởi nguồn thu thấp nên hàng năm nguồn kinh phí duy tu, bão dưỡng cây cầu là hết sức hạn hẹp. Năm nào xã cũng phải trích từ 40 đến 50 triệu đồng để gia cố.

Tìm hiểu thêm từ phía UBND huyện Cẩm Thủy, được biết: Hơn 10 năm trước, ngày 24/8/2009, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 2839/QĐ -UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy.

Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa của nhân dân các xã trong khu vực, hoàn thiện mạng lưới giao thông, góp phần đảm bảo an ninh trật tự. Dự án do Sở GTVT làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án không quá 4 năm. Tuy nhiên, sau ngần ấy thời gian, dự án vẫn chỉ… nằm trên giấy!

Cũng nói về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Lực - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy cho biết, do thiếu cầu kiên cố nên dẫn tới việc giao thương, phát triển kinh tế của người dân tại 7 xã phía Nam của huyện gặp rất nhiều khó khăn, tốc độ phát triển kinh tế vì thế rất chậm.

Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đã kiến nghị, chính quyền huyện cũng liên tục đưa vào kế hoạch trình lên các cấp, nhưng do nguồn vốn quá lớn, khiến dự án vẫn chỉ dừng lại ở mức… dự định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cược mạng khi qua sông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO