Cuộc sống mới ở Cư Pui

Tùng Lâm 26/03/2017 09:00

Khi mới thành lập, xã Cư Pui (huyện Krông Bông- Đắk Lắk) có diện tích đất tự nhiên hơn 17 ngàn ha nhưng chỉ có 5 buôn người đồng bào M’nông, Ê Đê và một thôn người Kinh ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam) vào xây dựng kinh tế mới với chưa đến 2 ngàn người sinh sống.

Đường vào Cư Pui hôm nay.

Xuất phát điểm thấp, chỉ vài trăm ha đất sản xuất, lối canh tác manh mún; đồng bào còn tập tục du canh, du cư, đời sống của người dân vất vả, thiếu thốn. Tuy nhiên sau một thời gian nỗ lực, Cư Pui giờ đã chuyển mình.

Đến nay, xã Cư Pui có diện tích các loại cây trồng hàng năm lên đến 4.500 ha với nhiều loại cây trồng chủ lực như cà phê, ngô lai, sắn. Nhiều hộ dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mô hình đa cây, đa con có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ thu hoạch ngô lai, cà phê, chăn nuôi trâu, bò...

Nhiều hộ đã làm được nhà kiên cố; mua sắm máy móc, đồ dùng phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Trong các tấm gương sản xuất giỏi, ông Ama Hoa, buôn Khanh được mệnh danh là “Triệu phú ngô lai”. Ông cho biết: “Gia đình có 5 ha đất trồng cà phê, sắn, lúa nước, nhiều nhất là ngô lai. Hàng năm trừ hết chi phí cũng còn trên 200 triệu đồng”.

Bà con nông dân xã Cư Pui vào vụ cấy, thu hoạch ngô lai.

Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước được địa phương sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Các hạng mục như hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng được đầu tư xây dựng; cung cấp các loại giống cây trồng, vật nuôi; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi để nông dân phát triển kinh tế. Điện, đường, trường, trạm, chợ, nhà sinh hoạt cộng đồng, bưu điện văn hóa đã đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Đặc biệt, tất cả các trường học, trạm y tế trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng cao tầng, kiên cố. Đến nay chỉ còn vài phòng học tạm. Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Cư Pui vui vẻ cho biết: “Tuy địa phương còn khó khăn nhưng trong 3 năm gần đây vẫn dành hàng tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường. Đến nay cơ bản phòng học, phòng làm việc đã đáp ứng được nhu cầu”.

Đồng bào Mông phát triển chăn nuôi gia súc.

Mặc dù đời sống của người dân ở đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng do làm tốt công tác vận động nên xã Cư Pui mấy năm gần đây đã huy động được hàng tỷ đồng, hàng vạn ngày công từ người dân và các tổ chức từ thiện để làm cầu, sửa đường giao thông, xây dựng cơ sở vật chất trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng công cộng ở các thôn, buôn...

Ông Sính Chứ Chơ, Trưởng thôn Ea Uôl cho biết: “Vừa qua, người dân trong thôn đã đóng góp mỗi hộ 500 ngàn đồng để làm nhà sinh hoạt cộng đồng và mua đất xây trường học. Nhiều hộ còn hiến hàng trăm m2 đất để làm đường giao thông”.

Trường học kiên cố đã thay thế phòng học tranh tre, tạm bợ.

Chính quyền xã Cư Pui cũng luôn quan tâm đến tiềm năng phát triển du lịch bằng việc chú trọng đầu tư phục dựng các lễ hội văn hóa như lễ cúng bến nước, cúng mừng lúa mới, cúng mừng thọ của đồng bào Ê Đê, M’nông; lễ hội văn hóa các dân tộc phía Bắc; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quảng bá về di tích lịch sử hang đá Đắk Tuôr; xây dựng nhà tưởng niệm và sưu tầm nhiều hiện vật của anh hùng liệt sỹ Y’ Ơn, thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài huyện về tham quan.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết: “Xã Cư Pui hiện nay có 13.435 khẩu, 14 dân tộc cùng sinh sống. Nhiều bản sắc văn hóa giá trị như cồng chiêng của đồng bào Ê Đê, M’nông và văn hóa các dân tộc phía Bắc đang có nguy cơ mai một. Vì vậy địa phương đang nỗ lực bảo tồn, phát triển những nét đẹp truyền thống các dân tộc trên địa bàn nhằm xây dựng nơi đây trở thành điểm du lịch vùng căn cứ cách mạng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc sống mới ở Cư Pui

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO