Cuối năm - Cảnh giác với nạn cướp giật

Đức Sơn 11/01/2022 07:21

Thời điểm cuối năm, các loại tội phạm, đặc biệt là cướp giật tài sản lại gia tăng và diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại, các vụ án cướp giật gần đây cho thấy tội phạm ngày càng manh động và nguy hiểm...

Nguyễn Văn Nam - kẻ cướp 3 tỷ ngân hàng ở Hải Phòng tại cơ quan công an.

Tội phạm cướp giật ngày càng táo tợn

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến thất nghiệp, Nguyễn Văn Nam (24 tuổi, trú tại xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) nảy sinh ý định cướp ngân hàng để lấy tiền tiêu xài. Chiều 7/1/2022, Nam đeo khẩu trang bịt kín mặt mang theo một khẩu súng ngắn tới Phòng Giao dịch Ngân hàng Vietcombank ở đường Đình Vũ, phường Đông Hải 2 (Hải Phòng) uy hiếp, khống chế giao dịch viên và cướp số tiền hơn 3 tỷ đồng. Cướp tiền xong, Nam ra ngoài cửa, cướp thêm một xe máy của nhân viên bảo vệ rồi bỏ trốn.

Sau một ngày truy bắt, đến 23h ngày 8/1/2022, Công an TP Hải Phòng phối hợp với các đơn vị đã bắt được Nam tại nhà nghỉ ở thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, khi tên cướp này vẫn lăm lăm khẩu súng trên tay. Khám xét trên người và chỗ ở của đối tượng, lực lượng chức năng thu giữ 2 khẩu súng, 40 viên đạn và 1,2 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, lực lượng công an mới đây cũng đã triệt phá một “băng cướp nhí” giả danh Cảnh sát hình sự để chặn xe, cướp tài sản người đi đường. Cầm đầu băng nhóm này là Đỗ Gia Khiêm (16 tuổi trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội). Các đồng phạm cũng ở tuổi rất trẻ (chủ yếu 16, 17 tuổi) gồm: Nguyễn Việt An, Phan Minh Đức, Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Đình, Phạm Tuấn Phong, Triệu Khắc Tuấn Anh, Nguyễn Đức Anh, Lê Hải Yến.

Trước đó, khoảng 19h ngày 27/12/2021, nhóm đối tượng đi lượn lờ trên các tuyến phố để “săn mồi”. Nếu phát hiện người không đội mũ bảo hiểm, xe không có biển số sẽ tổ chức chặn xe, giả cảnh sát kiểm tra giấy tờ, đe doạ chiếm đoạt tài sản. Khi băng nhóm này đi đến phố Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy) thì Khiêm chỉ cho Việt Anh thấy có người không đội mũ bảo hiểm phía trước. Cả nhóm đuổi theo chặn xe và tự xưng là cảnh sát hình sự, yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Lúc này, Việt Anh và Khiêm tự nhận là cảnh sát ở số 7 Thiền Quang rồi đánh nạn nhân. Sau đó, nhóm đối tượng ép nạn nhân lên xe máy chở về ngõ 27 đường Võ Chí Công. Tại đây nhóm đối tượng tiếp tục đánh và lấy ví của nạn nhân cướp số tiền 500 nghìn đồng. Ngoài vụ việc này, băng cướp “nhí” còn gây ra 2 vụ việc khác tại quận Long Biên và tại quận Nam Từ Liêm chiếm đoạt 550 nghìn đồng.

Táo tợn hơn, chiều 8/1/2022, 3 tên cướp đã giả làm khách mua điện thoại đến nhà anh T. (ở chung cư HH1A Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) để vờ hỏi mua chiếc điện thoại Samsung Note 10 plus mà anh T. đang rao bán. Trong lúc xem điện thoại của anh T, 3 tên cướp đã dùng bình xịt hơi cay xịt vào mặt anh T, hành hung anh T. rồi dùng dây trói chân tay nạn nhân. Nhóm cướp đã lấy đi 3 chiếc điện thoại của anh T. rồi tẩu thoát.

Tại TP Hồ Chí Minh, Công an quận Bình Tân vừa bắt giữ đối tượng Lê Công Hậu (20 tuổi, quê tỉnh Bến Tre) để điều tra về hành vi “cướp giật tài sản”.

Theo đó, Hậu đã cướp giật chiếc điện thoại hiệu iPhone 12 Pro Max của một phụ nữ đang đi đường tại đường số 3, phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân rồi bỏ chạy. Bị người dân truy đuổi, Hậu rút dao chống trả khiến anh Mai Đỗ Hoà (25 tuổi, trú tại quận Bình Tân) bị thương ở lưng. Tại cơ quan công an, Hậu khai do cần tiền tiêu xài và nghiện ma tuý nên đi cướp giật tài sản.

Thời điểm cuối năm trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cướp giật tài sản của người dân. Đặc điểm chung của các vụ cướp giật là các đối tượng rất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng hành hung chống trả quyết liệt gây nguy hiểm đến tính mạng của bị hại và cả lực lượng chức năng truy đuổi.

Khẩu súng mà tên cướp Nguyễn Văn Nam dùng để gây án.

Người dân cần nâng cao cảnh giác

Theo nhận định của cơ quan chức năng, vào dịp cuối năm, tình hình tội phạm hình sự nói chung, tội phạm cướp giật tài sản nói riêng diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt, do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống, lao động, sản xuất của người dân; nhất là đối với số đối tượng không có việc làm, thu nhập, sau thời gian thực hiện việc nới lỏng giãn cách xã hội dễ phát sinh hành vi phạm tội. Đối tượng phạm tội manh động, táo bạo, bất kể ngày hay đêm, bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng của bị hại và những người xung quanh.

Trước tình hình này, lực lượng công an toàn quốc đã đồng loạt ra quân thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Thông tin từ Bộ Công an cho biết, chỉ trong 15 ngày đầu ra quân, lực lượng công an đã điều tra khám phá 518 vụ việc, bắt và xử lý 883 đối tượng tội phạm về trật tự xã hội. Số vụ, số đối tượng bị bắt giữ đều tăng so với 15 ngày trước khi thực hiện đợt cao điểm.

Đáng chú ý, nhiều địa phương đã khẩn trương điều tra khám phá nhanh, bắt giữ các đối tượng gây ra các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Điều tra, mở rộng làm rõ nhiều vụ cướp giật, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho nhân dân. Trên lĩnh vực trấn áp tội phạm về ma túy cũng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Công an các đơn vị, địa phương đã triệt phá hơn 1.400 vụ phạm tội về ma túy, bắt hơn 1.900 đối tượng, thu giữ hơn 43 kg heroin, trên 118 kg và 230 nghìn viên ma túy tổng hợp.

Ngoài ra, Công an các đơn vị, địa phương đã liên tục đưa ra các cảnh báo, khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác về loại tội phạm này. Theo khuyến cáo, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức quản lý tài sản nhất là đối với phụ nữ và học sinh khi tham gia giao thông trên đường. Ra đường không mang theo nhiều tài sản có giá trị như tiền, vàng... Nếu mang theo phải để trong cốp xe, túi xách lớn nên có người đi theo giữ để bảo đảm an toàn tài sản.

Tiến sĩ Lưu Hoài Bảo- Chuyên gia tội phạm học (Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền về thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và tăng cường tuần tra, kiểm soát trên địa bàn góp phần hạn chế tình hình tội phạm. Tuy nhiên, bên cạnh các biện pháp chủ động bảo vệ tài sản của mình, mọi người cần nêu cao tinh thần đấu tranh, tố giác tội phạm. Bên cạnh đó, mỗi gia đình cũng cần thường xuyên quản lý, giáo dục con em mình không vướng vào các tệ nạn xã hội. Có như vậy, mới sớm đẩy lùi được các loại tội phạm, tệ nạn xã hội nói chung, tội phạm cướp giật nói riêng, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm:

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Cuối năm người dân thường dành dụm một khoản tiền lớn để mua sắm Tết. Nắm bắt tâm lý này, các đối tượng phạm tội hoạt động nhiều hơn nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân trong việc chiếm đoạt tài sản của người dân. Chúng thường điều tra, tìm hiểu, nghiên cứu hoàn cảnh, quy luật sinh hoạt, khả năng tài chính và sơ hở của các nạn nhân để dễ bề ra tay cướp tài sản.

Bởi vậy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, luôn luôn có ý thức cảnh giác. Nhiều người dân vẫn rất chủ quan, chỉ khi “mất bò mới lo làm chuồng” dẫn đến những hệ lụy xấu, đến khi trở thành nạn nhân mới hối hận. Nếu mỗi người có ý thức tự cảnh giác, có biện pháp tự bảo vệ tài sản của mình, bên cạnh đó chủ động tố giác đối tượng khi phát hiện các dấu hiệu phạm tội thì sẽ hạn chế được rất nhiều rủi ro.

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS:

Mức án cao nhất cho tội “cướp tài sản” là tù chung thân

Tội “cướp tài sản” là một trong những tội đặc biệt nghiêm trọng với mức hình phạt cao nhất được áp dụng là tù chung thân. Đây là loại tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, vì vậy chế tài xử lý đối với loại tội phạm này cần phải rất mạnh tay, đủ sức răn đe.

Theo Điều 168 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định về Tội “cướp tài sản”, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, tùy theo tính chất, mức độ hành vi và hậu quả hành vi gây ra. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản…

Với số tiền cướp lên tới hơn 3 tỷ đồng và đối tượng phạm tội có sử dụng vũ khí nguy hiểm như trong sự việc tại Hải Phòng, đối tượng này có khả năng phải đối diện với mức án từ 18 đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Đ.Sơn (Ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuối năm - Cảnh giác với nạn cướp giật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO