Cuối năm, bão Covid vẫn thổi mạnh

Phan Quang Vũ 20/12/2020 06:48

Liên hợp quốc đã lên tiếng cảnh báo nạn đói ngày càng trầm trọng ở Nam Sudan, một trong những quốc gia châu Phi đã và đang vô cùng vất vả chống chọi Covid-19.

Giao thông công cộng tại Malaysia vắng vẻ vì Covid-19.

Ngay 19/12, truyền thông quốc tế chính thức đưa tin, cựu Tổng thống Burundi Pierre Buyoya đã qua đời tại Paris, Pháp, ở tuổi 71 do mắc Covid-19.

Ông Buyoya đã nhập viện tại một bệnh viện ở thủ đô Bamako vào ngày 9/12, sau đó ông được chuyển viện đến Paris vào hôm 17/12 và đã tử vong trên xe cấp cứu trên đường đến bệnh viện ở Paris để điều trị.

Ông Buyoya là Tổng thống Burundi từ năm 1987- 1993 và từ năm 1996-2003.

Covid-19 đã không chừa bất cứ ai, từ người lao động bình dân cho tới nguyên thủ quốc gia. Mà mới nhất, ngày 17/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã phải rời điện Elysée, Paris, về tĩnh dưỡng tại điện La Lanterne ở Versailles do nhiễm virus SAS-CoV-2. Ông Macron sẽ phải cách ly trong 7 ngày, với các triệu chứng ho, mệt mỏi và sốt.

Hiện Tổng thống Pháp được các bác sĩ quân y theo dõi bệnh tình. Để đề phòng tối đa rủi ro lây nhiễm, nhiều lãnh đạo châu Âu có tiếp xúc với Tổng thống Macron cùng Thủ tướng Pháp, Chủ tịch Hạ viện và một số chính khách Pháp đã tự cách ly.

Tuy nhiên, Tổng thống Macron cũng chỉ là một trong số hơn 18.000 ca dương tính với virus corona được ghi nhận trong ngày 17/12/2020 ở đất nước này; khi mà cứ 100 người Pháp xét nghiệm thì có 6,1 người nhiễm - theo ông Jérôme Salomon - đại diện Tổng vụ Y tế Pháp.

Bao giờ người nghèo mới được tiếp cận vaccine ngừa Covid-19?

Trong khi đó, cuộc chạy đua giành vaccine ngừa Covid-19 nóng lên từng ngày, khi mà có tới 80% số liều vaccine được cấp phép đã thuộc về các quốc gia giàu có.

Chính vì thế, cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) được cho là một sáng kiến quan trọng nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine phòng bệnh Covid-19.

Trong thông báo ngày 19/12, đại diện WHO và các đối tác cho biết sáng kiến này, do Liên minh Toàn cầu về vaccine (Gavi), Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng phòng chống dịch (CEPI) và WHO khởi xướng, đặt mục tiêu phân phối 1,3 tỷ liều vaccine đã được phê chuẩn cho 92 nền kinh tế có mức thu nhập thấp và trung bình vào năm 2021.

Toàn bộ 190 nền kinh tế đã đồng ý tham gia chương trình này sẽ tiếp cận được vaccine trong 6 tháng đầu năm 2021, với lô hàng đầu tiên bắt đầu được phân phối trong quý I/2021. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào việc phê chuẩn và khả năng sẵn sàng phân phối vaccine của các nước”- đại diện COVAX cho biết.

Các thỏa thuận mới của COVAX bao gồm thỏa thuận đặt mua trước 170 triệu liều vaccine của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) và 500 triệu liều của hãng Johnson & Johnson (Mỹ).

Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh thông báo của COVAX, đồng thời khẳng định “ánh sáng cuối đường hầm đang sáng hơn chút ít”.

Nhưng, liệu với số liều vaccine ít ỏi như vậy có giúp gì được cho những nước nghèo?

Trong hôm 18/12, Liên hợp quốc đã lên tiếng cảnh báo nạn đói ngày càng trầm trọng ở Nam Sudan, một trong những quốc gia châu Phi đã và đang vô cùng vất vả chống chọi Covid-19. LHQ đã phải kêu gọi tiếp cận nhân đạo ngay lập tức đối với các khu vực quận Pibor, bang Jonglei của Nam Sudan - nơi người dân đã hết lương thực và đang đối mặt với mức độ đói thảm khốc.

Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), mức độ đói gia tăng do tình trạng bất ổn, tác động của dịch bệnh Covid-19, hậu quả của khủng hoảng kinh tế và ảnh hưởng của lũ lụt. “Hỗ trợ nhân đạo là cần thiết để cứu sống và ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn về sinh kế ở những khu vực khó tiếp cận, trong khi Covid-19 vẫn hoành hành”- một tuyên bố của WFP.

Hai mẹ con tại Juba, Nam Sudan khi nạn đói hoành hành.

Còn theo đại diện FAO tại Nam Sudan, Meshack Malo: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên dừng các hoạt động bạo lực và đảm bảo việc tiếp cận nhân đạo an toàn để ngăn chặn tình huống vốn đã nghiêm trọng biến thành thảm họa toàn diện”. Đại diện của UNICEF tại Nam Sudan, Mohamed Ayoya, bày tỏ: “Vô cùng lo ngại về số lượng trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng ngày càng tăng. Những đứa trẻ này cần được điều trị khẩn cấp”.

Như vậy, với không ít quốc gia nghèo thì nạn đói đi cùng với dịch Covid-19, khiến cho mức độ nguy hiểm tăng gấp bội phần.

ASEAN vẫn căng thẳng vì Covid-19

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 18/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 11.638 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 31.340 người. 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 trong ngày 18/12 là Philippines, Indonesia và Myanmar.

Đến thời điểm này, Indonesia vẫn là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất ASEAN. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Với gần 20.000 ca tử vong, Indonesia là quốc gia có người thiệt mạng vì Covid-19 đứng thứ 3 châu Á.

Theo Bộ Y tế Indonesia, thủ đô Jakarta vẫn là nơi ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất với gần 1.600 ca. Tiếp đó lần lượt là Tây Java, Đông Java, Nam Sulawesi và Trung Java. Chính phủ nước này quy định, kể từ ngày 18/12, tất cả những người ra vào thủ đô Jakarta bằng các phương tiện giao thông công cộng sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm nhanh.

Còn ông Syafrin Liputocho - người đứng đầu Cơ quan Giao thông Jakarta, cho biết trong thời gian từ ngày 18/12 đến ngày 8/1/2021, tất cả hành khách di chuyển bằng đường không, đường biển và đường bộ phải xuất trình kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên khi mua vé. Các nhân viên giao thông sẽ kiểm tra các kết quả này tại các sân bay, bến cảng và nhà ga ở thủ đô Jakarta.

Trước đó, chính sách này không áp dụng cho các hành khách đi và đến Jakarta bằng đường hàng không, đường bộ hoặc đường biển, song được áp dụng cho hành khách đi tàu hỏa từ vài tháng trước.

Còn tại Philippines, tại thời điểm này tình hình dịch bệnh có tiến triển tốt tuy số ca mắc mới vẫn đứng thứ 3 tại ASEAN và trong ngày 18/12, nước này vẫn có tới 25 người thiệt mạng vì Covid-19. Tại Malaysia, tình hình cũng vẫn được cho là “quan ngại” khi làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công. Với Myanmar, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng. Trong ngày 18/12, có 21 người tử vong vì Covid-19.

Cũng thật đáng lo ngại khi ngày 18/12, giới chức Thái Lan thông báo phát hiện 4 ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. Đó là một phụ nữ 67 tuổi chuyên bán tôm ở tỉnh Samut Sakhon cùng 3 người thân trong gia đình. Có khoảng 165 người khác được xác định đã tiếp xúc gần với bà này, họ đã được xét nghiệm và đang chờ kết quả. Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan Opas Karnkawinpong cho biết, những ca lây nhiễm trong cộng đồng là hết sức đáng lo ngại vì buộc phải áp dụng những biện pháp y tế khẩn cấp trên diện rộng.

Kể từ khi dịch bùng phát, Thái Lan đã nỗ lực hạn chế số ca mắc và ghi nhận tổng cộng khoảng 4.300 ca, trong đó có 60 ca tử vong. Các ca mắc mới trong cộng đồng được ghi nhận chỉ một ngày sau khi giới chức bắt đầu nới lỏng hạn chế đi lại để cho phép khách du lịch trở lại quốc gia này, với kỳ vọng khôi phục ngành du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề.

Hiện Thái Lan đã nới lỏng các quy định hạn chế với công dân từ hơn 50 quốc gia, nhưng du khách vẫn phải thực hiện cách ly 14 ngày khi tới đây và cần chứng nhận không mắc Covid-19 được cấp trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.

Như vậy, tại khu vực ASEAN, nhiều quốc gia vẫn phải đang áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize, ngày 19/12, cho biết các nhà khoa học Nam Phi đã phát hiện một chủng virus SARS-COV-2 mới được đặt tên 501.V2. Như vậy, Nam Phi là quốc gia thứ hai (sau Vương quốc Anh) đưa ra thông tin này.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã liên lạc với các nhà nghiên cứu Nam Phi để nhận dạng chủng virus SARS-CoV-2 mới này. Tuy nhiên, từ những nghiên cứu tại Anh, WHO cho rằng chưa có dấu hiệu về thay đổi cơ chế hoạt động đối với chủng virus SARS-CoV-2 mới. Trong khi đó, các quan chức y tế Nam Phi cho biết chủng virus SARS-CoV-2 mới lây lan nhanh hơn và vẫn còn quá sớm để đánh giá mức độ nguy hiểm của chúng.

Tới nay, Nam Phi vẫn là quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất châu Phi. Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, đến 8 giờ ngày 19/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Nam Phi là 901.538 trường hợp, trong đó có 24.285 người tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuối năm, bão Covid vẫn thổi mạnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO