Với người nông dân, trâu bò chết ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, chủ yếu là dân nghèo. Trâu bò đã hỗ trợ người dân trong việc sử dụng sức kéo hàng ngày, nhất là phục vụ mùa màng. Trâu bò nuôi lấy sữa, lấy thịt. Nhiều hộ nông dân nghèo hy vọng vươn lên thoát nghèo từ việc chăn nuôi trâu, bò.
Khi xưa, đời sống còn khó khăn, ngành nông nghiệp chưa được hiện đại hóa, công nghiệp hóa, trâu bò càng đặc biệt được coi trọng. Việc chống rét cho trâu bò được người nông dân đặc biệt lưu tâm. Các kinh nghiệm như từ việc cho ăn đầy đủ, bảo vệ chuồng trại, ủ rơm, đốt lửa... đã trở nên quên thuộc với nhiều gia đình nuôi trâu bò. Tuy nhiên, thời hiện đại, do những lý do nào đó, cũng còn một số gia đình chưa thực sự quan tâm đến việc chống rét cho trâu, bò. Mùa đông năm trước, do chủ quan, số trâu bò đã bị chết rét rất nhiều.
Chẳng kể xưa nay, khi mùa đông đến, việc chăm sóc trâu bò, bảo vệ vật nuôi khỏi bị chết rét luôn là việc phải được các cấp chính quyền, người dân đặc biệt coi trọng, quan tâm. Trong những ngày rét đậm, rét hại này, rút kinh nghiệm từ năm trước, nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc đã có nhiều phương án để chống rét cho trâu bò. Từ tỉnh, đến huyện, xã, thôn bản, các hộ dân phải ký cam kết thực hiện mọi biện pháp phòng, chống. Các ngành chức năng tổ chức đoàn xuống từng gia đình để kiểm tra, hỗ trợ cho người dân trong việc chống rét cho trâu bò. Đây là những việc làm thiết thực để hỗ trợ dân.
Việc quan tâm, chống rét cho trâu bò trước hết vẫn phải là từ các hộ gia đình, những chủ nuôi. Những quy định như để trâu bò bị chết do chủ quan sẽ không được hỗ trợ cần phải được thực hiện chặt chẽ. Bên cạnh đó, cùng với việc quan tâm hỗ trợ người dân trong việc chống rét cho gia súc, quy định nơi nào để trâu bò chết nhiều, lãnh đạo nơi ấy sẽ bị kiểm điểm, thậm chí phải bị xử lý kỷ luật cũng cần thực hiện nghiêm. Đây mới thực sự là những biện pháp, giải pháp cứu trợ cho trâu bò khỏi bị chết rét.