Đà Nẵng ngày đầu cách ly chống dịch

Thanh Tùng 29/07/2020 09:00

Kể từ 0h ngày 28/7, Đà Nẵng với hơn 1 triệu người buộc phải đặt mình vào trạng thái mới của cuộc chiến chống dịch. Trong khi đó, chiều 28/7, thông tin từ cơ quan chức năng của Đà Nẵng cho biết, có hơn 12.000 người tiếp xúc gần với các ca dương tính Covid-19 bước đầu được sàng lọc, cách ly y tế.

Trước diễn biến nguy hiểm của Covid-19, sáng 28/7, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản về thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16/CT-TTg (ngày 31/3/2020) của Thủ tướng đối với huyện Hòa Vang của TP này trong thời hạn 14 ngày, kể từ ngày 28/7, thay vì chỉ 6 quận nội thành là Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn như văn bản ban hành trước đó.

Phong tỏa nhưng không lo lắng

Có mặt vào thời điểm 0h ngày 28/7 tại 4 tuyến đường bao quanh 3 bệnh viện lớn (nơi phát hiện 14 ca dương tính Covid-19 chỉ trong chưa đầy 4 ngày) là Hải Phòng, Quang Trung, Đống Đa, Nguyễn Thị Minh Khai, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước rào chắn, barie dựng lên nhanh chóng ở các ngã tư. 4 tuyến đường chính khu vực trung tâm Đà Nẵng với không dưới 7.000 hộ dân và hàng chục ngàn người được đặt vào trạng thái của thời chiến, phong tỏa chống dịch nhưng không ai tỏ ra lo lắng, không ai phàn nàn mà trái lại còn bắt tay nhau thật chặt, mong đại dịch sớm qua, cuộc sống sớm trở lại yên bình.

0h ngày 28/7 người dân sống quanh 3 bệnh viện lớn là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng, ra đường bắt tay lực lượng làm nhiệm vụ, nói lời chia tay bạn bè, hàng xóm và sau đó rất nhanh ai về nhà nấy, cửa đóng then cài thực hiện gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, phường cách ly với phường, quận cách ly với quận.

4 tuyến phố trung tâm bị phong tỏa nằm gọn trong địa bàn phường Thạch Thang, quận Hải Châu. Phía sau rào chắn, sau những chiếc barie dựng vội, san sát cửa hàng, cửa hiệu dịch vụ, kinh doanh, trở nên vắng vẻ trong ngày đầu tiên thực hiện cách ly chống dịch. Đứng ngoài rào chắn nhìn vào, lâu lắm mới gặp cụ già hay đứa trẻ bước ra đường rồi lại nhanh chóng vào nhà đóng chặt cửa.

Cụ A., một lão thành cách mạng sống cùng con cháu ở đường Nguyễn Thị Minh Khai chia sẻ, nhà cụ đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm cho cả tháng trời cách ly chống dịch. Anh H. một giáo viên khá nổi tiếng vì có nhiều học trò giỏi, đạt thành tích cao ở các kỳ thi quốc tế nói rằng cả khu phố nơi anh ở đều ủng hộ chính quyền áp dụng cách ly.

Bên ngoài rào chắn và barie, trong buổi sáng sáng 28/7 chúng tôi gặp nhiều tốp bệnh nhân từ các nơi đến - trong đó có có nhiều người chạy thận ở Bệnh viện C và Bệnh viện Đà Nẵng. Họ được lực lượng làm nhiệm vụ nhã nhặn, ôn tồn hướng dẫn sang địa chỉ mới ở đường Phạm Văn Đồng. Người nhà bệnh nhân mang lương thực, nhu yếu phẩm đến đều được cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ tiếp nhận, chuyển theo đúng địa chỉ.

Không chỉ người dân khu vực được phong tỏa, cách ly mà người dân 6 quận nội thành của Đà Nẵng đều tự giác tuân thủ các quy định, chủ động phòng, chống dịch lây lan. Thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16/TC-TTg của Thủ tướng chậm vài tiếng so với các quận nội thành nhưng người dân các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang đều nghiêm túc chấp hành - kể từ việc nhỏ nhất như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn đến giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.

Tiêu thụ hàng hóa giảm mạnh. 314 du khách kẹt lại được hỗ trợ

Chiều 28/7, Công ty Quản lý và phát triển chợ Đà Nẵng cho biết có khoảng 80% quầy, sạp ở các chợ trên địa bàn (trong đó có các chợ lớn như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ đầu mối Hòa Cường) nghỉ kinh doanh. Người đến chợ mua sắm cũng giảm rõ rệt, lượng hàng hóa tiêu thụ chỉ dao động từ 50 đến 60% so với những ngày trước.

Không chỉ sức mua ở các chợ lớn giảm sâu mà tại các chợ nhỏ, chợ truyền thống như Đống Đa, An Hải Đông, Cẩm Lệ, Hòa Phát, lượng người đến chợ cũng giảm mạnh, thậm chí có chợ còn rơi vào cảnh vắng lặng không bóng người. Trong khi nhu cầu đi chợ của người dân giảm thì mua sắm qua mạng xã hội lại tăng đột biến (gần 200% trong ngày đầu tiên cách ly phòng chống dịch).

Chiều 28/7, trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết: Từ ngày 27/7, Sở đã thông tin để khách rời Đà Nẵng trước 0h ngày 28/7 cũng như yêu cầu khách không rời khỏi nơi lưu trú từ kể từ sau 0h ngày 28/7 cho đến hết đến hết ngày 11/8/2020.

Đến thời điểm 13h ngày 28/7, qua báo cáo nhanh của các đơn vị kinh doanh, vẫn còn lại khoảng 314 khách đang kẹt lại trên địa bàn TP. Phần lớn người kẹt lại là khách du lịch nội địa. Sở Du lịch đề nghị các khách sạn có mức giá phù hợp trên địa bàn, hỗ trợ tối đa cho khách bị kẹt lại Đà Nẵng trong thời gian cách ly.

Trước mắt đã có 7 khách sạn với 162 phòng, hỗ trợ khách (từ 200 đến 300.000đ/phòng 2 người, 300.000đ/phòng 5 người). Chi phí ăn uống do khách tự túc, có bếp chung để tự nấu nướng. Theo ông Bình, các khách sạn ở Đà Nẵng đều có tinh thần hỗ trợ khách rất cao vì khách bị kẹt lại giữa lúc dịch bệnh diễn biến xấu là điều không ai muốn.

Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đưa thông tin các khách sạn hỗ trợ du khách lên trang thông tin điện tử Fanpage Danang Fantiscity của TP đồng thời cùng Hiệp hội Du lịch bố trí 3 xe vận chuyển miễn phí khách từ nơi đang lưu trú đến các khách sạn hỗ trợ về giá.

Cùng với việc tạo điều kiện tối đa cho 314 du khách còn kẹt lại; cơ quan quản lý du lịch Đà Nẵng cũng đặc biệt yêu cầu khách không ra khỏi nơi lưu trú, trừ những trường hợp cấp thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; khuyến nghị cơ sở lưu trú hỗ trợ mua giúp khách các nhu yếu phẩm cần thiết. Trước đó, vào ngày 27/7, đã có tổng cộng 43 chuyến bay đưa hàng chục ngàn khách du lịch nội địa rời Đà Nẵng trước thời điểm 0h ngày 28/7.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đà Nẵng ngày đầu cách ly chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO