Vụ án liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trong khi cả nước đang dồn lực chống đại dịch Covid-19. Việc thông đồng mua bán kit xét nghiệm SARS-CoV-2 với quy mô lớn đã khiến dư luận cả nước rất bức xúc. Nhiều cán bộ, đảng viên có chức quyền ở nhiều cơ quan trong và ngoài ngành y tế, nhiều cán bộ địa phương đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Tới nay, vụ án tiếp tục được cơ quan chức năng mở rộng điều tra để đưa vụ việc ra ánh sáng công lý.
Chiều ngày 28/12/2021, tại Hà Nội, trong khuôn khổ buổi họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác công an năm 2021, đại diện Bộ Công an thông tin thêm về quá trình điều tra vụ án nâng khống giá kit test Covid-19 xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan. Thông tin này lập tức gây bức xúc dư luận.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết, đến thời điểm đó, cơ quan điều tra xác định Công ty Việt Á đã bán trực tiếp hoặc gián tiếp sản phẩm kit test Covid-19 đến 62/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
“Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, quan điểm của cơ quan điều tra là điều tra triệt để và xử lý nghiêm. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, triệt để và không có vùng cấm”- Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành khẳng định đồng thời cho biết, cơ quan điều tra làm rõ doanh số bán hàng trong 2 năm của Công ty Việt Á là khoảng 4.000 tỷ đồng. Tại CDC Hải Dương, Công ty Việt Á đã ký 5 hợp đồng cung cấp kit test Covid-19 có giá trị 151 tỷ đồng, mỗi kit bán với giá 470.000 đồng. Bản thân ông Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương đã nhận của Công ty Việt Á gần 30 tỷ đồng tiền hoa hồng.
Số tiền “lại quả” chỉ của một CDC tỉnh đã khủng khiếp như vậy, khiến xã hội đặt dấu hỏi còn lại các CDC và các cơ quan liên quan khác thì sao. Chắc hẳn, đó sẽ là con số khổng lồ.
Quá trình kinh doanh và tiêu thụ kit test Covid-19 của Việt Á là lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm kit test Covid-19 thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Việt Á) đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng. Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Việt Á theo giá do doanh nghiệp này đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Cùng vào thời điểm cuối năm 2021, Vũ Đình Hiệp - Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á cũng bị bắt. Theo lời khai của Hiệp, khách hàng của Việt Á là các CDC, các bệnh viện hoặc trung tâm y tế tuyến quận, huyện trên cả nước. Để đảm bảo việc chi tiền ngoài hợp đồng không bị cơ quan chức năng phát hiện, Phan Quốc Việt- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, đã lập nhiều tài khoản đứng tên nhiều cá nhân là hộ kinh doanh cá thể để chuyển tiền qua các số tài khoản này, dưới hình thức là mua trang thiết bị, nguyên vật liệu, sinh phẩm phòng dịch. Điều này giúp các hợp đồng của Công ty Việt Á không bị cơ quan chức năng phát hiện.
Để thực hiện chi tiền ngoài hợp đồng cho các đối tượng, Hiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin và số tài khoản của bên nhận, tỷ lệ % cho bộ phận kế toán do Phan Tôn Noel Thảo, Trợ lý Tài chính Công ty Việt Á, phụ trách để chuyển tiền.
Trong khi đó, Phan Tôn Noel Thảo khai, việc chi tiền này là chi tiền mua bán các đơn hàng test Covid-19, trang thiết bị y tế với các CDC và bệnh viện. Số tiền chi bao nhiêu phụ thuộc số lượng hàng đặt, ít khoảng 500 triệu đồng, nhiều khoảng 100 tỷ đồng. Phan Tôn Noel Thảo còn khai, để việc chi tiền ngoài hợp đồng được thuận lợi, tất cả tài khoản do ông Phan Quốc Việt lập dùng để chuyển tiền đều liên kết với số điện thoại của vợ ông Việt.
Nói về vụ Việt Á, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định, đây là vụ án, vụ việc tham nhũng tiêu cực nghiêm trọng. Tổng Bí thư đề nghị cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm vụ án này tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, mở rộng vụ án Việt Á, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, mở rộng điều tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh kit test Covid-19 tại doanh nghiệp này.
Theo đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, mở rộng vụ án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử khách quan, nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật. Trong đó, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan khẩn trương, chủ động rà soát, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh công tác đấu thầu, mua sắm và sử dụng thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định pháp luật. Các bộ: Y tế, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính kịp thời hướng dẫn, xử lý các vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc theo phản ánh kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trường hợp vượt thẩm quyền.
Chính từ chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sự vào cuộc khẩn trương kiên quyết của Bộ Công an, công an các địa phương mà vụ án nhanh chóng được mở rộng. Những đường dây ma quỷ dần được bóc gỡ. Nhân dân cả nước tin tưởng chắc chắn rằng tới đây tất cả những kẻ trục lợi từ đại dịch Covid-19, mà cụ thể là trong vụ Việt Á sẽ phải bị trừng trị nghiêm khắc trước pháp luật.
Ông Trần Quốc Tuấn - Đại biểu Quốc hội đoàn Trà Vinh:
Việt Á là ai mà chi phối, ảnh hưởng lớn như vậy?
Chiều 2/6/2022, phát biểu tại kỳ họp 3, Quốc hội khóa XV, ông Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh, cần làm rõ Công ty Việt Á là ai và tại sao lại có quyền lực chi phối, sức ảnh hưởng lớn như vậy. Theo ông Tuấn, vụ án không chỉ dừng lại ở việc gây thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công mà còn làm thất thoát, lãng phí loại tài sản khác có giá trị quý giá, quan trọng hơn: lãng phí niềm tin của nhân dân.
“Dịch Covid-19 đã gây ra thiệt hại khá nặng nề đối với Việt Nam với hơn 43.000 người tử vong và gần 4.500 trẻ em mồ côi, nỗi đau này sẽ mãi khắc ghi. Nhưng nỗi đau lớn hơn là trong khi cả hệ thống chính trị, các y, bác sĩ, lực lượng vũ trang gồng mình chống dịch, có cả người hy sinh, thì lại có một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất đến cùng cực. Họ vô cảm trước nỗi mất mát của chính đồng bào mình, biến mình thành những con thiêu thân lao vào đống lửa đầy tiền, trong số đó có cả những người có học hàm, học vị, những giáo sư, bác sĩ. Họ đã làm hoen ố chiếc áo blouse trắng thanh tao đang khoác trên người và lãng phí niềm tin của nhân dân”- ông Tuấn nói.
GS.TS Phạm Mạnh Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế:
Tiếng chuông cảnh tỉnh xa rời đạo đức ngành y
“Là cán bộ quản lý cũ của ngành y tế, chúng tôi rất buồn vì tình trạng những người trong ngành, từ lãnh đạo cấp cao phạm phải khuyết điểm. Khuyết điểm đó trước hết là do nguyên nhân chủ quan, đó là việc thiếu rèn luyện của cán bộ y tế; nhất là cán bộ có chức, có quyền. Khi có chức có quyền, người cán bộ cần phải nghĩ đến việc vị trí ấy có thể khiến mình càng có nhiều nguy cơ phạm khuyết điểm, nhiều nguy cơ lợi dụng chức quyền để vi phạm chứ không nên nghĩ rằng khi có chức quyền là thuận lợi hoàn toàn”. GS Hùng cũng cho rằng, ngành y có nhược điểm từ lâu là coi nhẹ công tác quản lý và không đào tạo công tác quản lý cho cán bộ y tế. Từ đó GS cho rằng việc cần thiết hiện nay là cần tập trung đào tạo cán bộ quản lý ngành y tế một cách bài bản. Đồng thời, GS Hùng nhấn mạnh sai phạm trong vụ Việt Á với hàng loạt cán bộ y tế liên đới là tiếng chuông cảnh tỉnh về việc xa rời đạo đức ngành y, không vượt qua được những cám dỗ của lợi ích trước mắt.