Đại biểu phải có bản lĩnh, ‘dám nói’                                 

Anh Vũ 22/03/2021 06:30

Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai do Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức đã thông qua danh sách sơ bộ 205 người của các cơ quan Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV. Trao đổi với Đại Đoàn kết, các ý kiến trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam bày tỏ đồng tình với việc thông qua 3 vòng hiệp thương phải lựa chọn những người tiêu biểu nhất, có đức có tài, vì dân vì nước.

Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thông qua danh sách sơ bộ người của các cơ quan Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV. Ảnh: Quang Vinh.

Tăng về “lượng” nhưng phải đảm bảo yêu cầu về “chất”

Đánh giá về kết quả tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực khẳng định, tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV đã thực hiện đúng các quy trình tổ chức hội nghị nơi công tác và có biên bản gửi về, có nhận xét, thể hiện sự tín nhiệm rất cao.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng cho biết, tại vòng hiệp thương này, vấn đề chất lượng và tiêu chuẩn của những người được giới thiệu ứng cử ĐBQH được đặc biệt quan tâm. Các ứng cử viên được lựa chọn trên cơ sở tiêu chuẩn và quy định của Luật Bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND, Luật Tổ chức Quốc hội, Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị; Hướng dẫn số 36 của Ban Tổ chức Trung ương. Ngoài các tiêu chuẩn theo quy định của luật các tiêu chuẩn cũng nhấn mạnh việc các đại biểu phải có bản lĩnh, “dám nói”. Những nội dung như người được giới thiệu ứng cử phải gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật cũng được đề cập.

Trao đổi với Đại Đoàn kết, các ý kiến trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đều bày tỏ sự đồng tình cao với việc lựa chọn các đại biểu phải có đủ đức, đủ tài.

Theo ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, mục tiêu tăng số lượng đại biểu chuyên trách sẽ góp phần giúp Quốc hội thực sự là một cơ quan bao gồm những chuyên gia giỏi trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên cùng với việc tăng về “lượng” cũng đảm bảo yêu cầu về “chất”.

Ông Nguyễn Túc phân tích, nếu tăng số lượng ĐBQH chuyên trách, công tác xây dựng pháp luật cũng như việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước sẽ được nâng cao. Trong các Ủy ban của Quốc hội phải có những chuyên gia thật giỏi làm nòng cốt, chính những chuyên gia đó là những người chuyên trách, chuyên nghiệp về những lĩnh vực mà họ được đảm nhiệm.

Đồng quan điểm, ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định mong muốn về việc nâng cao hơn nữa tính dân chủ trong phân bổ và lựa chọn con người, để chọn được những người đúng tiêu chuẩn, có đức có tài, vì dân vì nước.

“Việc lựa chọn phải trên tinh thần toàn Đảng, toàn dân thống nhất ý chí, ý Đảng hợp lòng dân, để Quốc hội xứng đáng là của dân, do dân và vì dân”, ông Lù Văn Que bày tỏ.

Cũng đề cao chất lượng khi lựa chọn đại biểu, ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, việc tăng số lượng ĐBQH chuyên trách đồng thời phải đi đôi với nâng cao chất lượng, bởi công tác giám sát ở Quốc hội từ những việc cụ thể như các phiên làm việc ở hội trường, tổ chức những đoàn giám sát chuyên đề, hay khi đại biểu thực hiện quyền giám sát ở cơ sở, địa phương đều đòi hỏi phải đủ năng lực mới có thể phát hiện và nêu ra những vấn đề, kiến nghị mới.

Ông Vũ Trọng Kim cũng nhấn mạnh tới việc ĐBQH chuyên trách phải là người có bề dày hoạt động thực tiễn, vì chính quá trình này giúp cho người đại biểu có những kinh nghiệm để thấy được những vấn đề nào cần được phản ánh.

Ngày 19/4, diễn ra Hội nghị Hiệp thương lần ba

Ngay sau Hội nghị Hiệp thương lần hai, theo quy định, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử.

Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, hiện, Mặt trận các cấp đã triển khai kế hoạch với những hoạt động cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người ứng cử về khu dân cư lắng nghe ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú. Việc tổ chức hội nghị bảo đảm dân chủ, nghiêm túc, đúng quy định về bầu cử.

“Thông qua hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp có cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan những người được giới thiệu ứng cử để hiệp thương lập danh sách người đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu, xứng đáng với tín nhiệm của cử tri tại Hội nghị Hiệp thương lần ba”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết.

Theo kế hoạch, việc tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba ở Trung ương đối với việc giới thiệu người ứng cử ĐBQH sẽ do Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam triệu tập, chủ trì trước 17h ngày 19/4 để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH ở Trung ương.

Chậm nhất vào ngày 23/4, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ gửi biên bản Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử được Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam giới thiệu ứng cử ĐBQH đến Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại biểu phải có bản lĩnh, ‘dám nói’                                 

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO