Đại biểu Quốc hội hiến kế phục hồi sản xuất

M.Loan-H.Vũ 09/11/2021 06:55

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 8/11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Nhiều đại biểu đã hiến kế để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Tìm cách giữ chân lao động

“Để phục hồi ổn định phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm hơn nữa tới lực lượng công nhân lao động. Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, không chỉ là kết nối cung - cầu lao động mà còn kiến tạo các động lực về cơ hội hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống cho công nhân tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn” - Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) nhấn mạnh và lưu ý, đây là yếu tố quan trọng để phục hồi sản xuất.

Theo ông Khải, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo, đào tạo lại tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số giải pháp giúp người lao động bảo vệ sức khỏe, yên tâm quay lại nơi làm việc. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trạm y tế và các công trình văn hóa, thể thao cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) phân tích: 2 năm qua, lao động nước ta đối diện với tình trạng không có và thiếu việc làm trên diện rộng. Dự báo năm 2022, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, bên cạnh việc đẩy nhanh tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người dân để duy trì lại nguồn cung lực lượng lao động an toàn cần tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù; đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp, phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, để kế hoạch mở cửa trở lại khả thi, cần nghiên cứu chính sách nhằm thu hút lực lượng lao động, trong đó phải quan tâm tới các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là tại các khu công nghiệp tập trung đông người lao động, kết hợp với các chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động và gia đình họ.

Chính sách thiết thực cho nông nghiệp

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập. Theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang), đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp không chỉ là bài toán khó trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, mà ngay cả khi mùa vụ khác trong năm thì nông dân ĐBSCL vẫn luôn ám ảnh với điệp khúc được mùa rớt giá. Người nông dân làm ra các sản phẩm nông nghiệp chỉ mong bán sản phẩm đúng với giá trị, chứ không mong muốn được “giải cứu”.

Do đó, theo bà Hương, thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có chiến lược tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai những mô hình mới, kết nối cung cầu, tăng cường liên kết vùng một cách hiệu quả hơn. Xây dựng chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách chính quy, chuyên nghiệp hơn nữa, để vừa cung cấp sản phẩm tốt, đảm bảo chất lượng nguồn gốc xuất xứ cho người tiêu dùng, vừa nâng tầm giá trị sản phẩm Việt.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) nhìn nhận, báo cáo của Chính phủ đã đề cập đến nhiều nhiệm vụ và giải pháp có tính khả thi cao để vừa sẵn sàng chủ động ứng phó, giảm thiểu những thiệt hại do Covid-19 gây ra vừa để phục hồi, phát triển kinh tế trong giai đoạn cuối năm 2021 cũng như năm 2022.

Tuy nhiên, là Giáo sư trong lĩnh vực nông nghiệp, bà Lan đề nghị Chính phủ, Quốc hội dành sự quan tâm đầy đủ, dành nguồn lực thích đáng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, coi đây là nền tảng căn cốt và cần xác định rõ bất luận trong hoàn cảnh nào thì nông nghiệp vẫn luôn là trụ đỡ, đảm bảo cho sự phát triển ổn định của xã hội và là tiền đề cho các bước phát triển kinh tế - xã hội tiếp theo.

“Trong giai đoạn trong và sau dịch Covid-19, Chính phủ cần có những giải pháp thiết thực về giống, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, khoa học công nghệ, chuyển đổi số và về nguồn lực tài chính để hỗ trợ phục hồi ngay khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân dễ bị tổn thương này” - bà Lan kiến nghị.

Giám sát các gói hỗ trợ

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận cho rằng: Công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua còn bộc lộ những khó khăn hạn chế, nhất là y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra.

Từ đó, bà Linh đề xuất, Chính phủ cần tập trung nguồn lực, đầu tư cho ngành y tế. Tăng cường năng lực của hệ thống y tế cơ sở nhằm thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới. Rà soát điều chỉnh các chính sách cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

Bà Linh cũng đề nghị cần đánh giá hiệu quả các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 để đề ra những giải pháp trong những năm tiếp theo. Tiếp tục kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân tại các địa phương. Kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ lao động tự do, người dân có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo công bằng, không bỏ sót, bỏ lọt đối tượng.

“Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát, kiểm toán phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư mua sắm chi phí cho phòng, chống dịch và các gói an sinh xã hội. Cương quyết xử lý nghiêm, đúng theo quy định của pháp luật với những trường hợp phát hiện có sai phạm. Xây dựng các quy định về biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp vào công tác phòng, chống dịch và các hoạt động thiện nguyện”- theo bà Linh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại biểu Quốc hội hiến kế phục hồi sản xuất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO