Đại dịch Covid-19: Hồi chuông cảnh tỉnh nhân loại

Thế Tuấn (Tổng hợp) 26/09/2020 05:45

Ngày 25/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi thế giới thực hiện quản trị toàn cầu thời hậu đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 dựa trên sự đoàn kết và chủ nghĩa đa phương

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi thế giới thực hiện quản trị toàn cầu thời hậu đại dịch Covid-19. Nguồn: UN.

Cùng vì mục đích chung, hoặc sẽ bị nghiền nát bởi sự chia rẽ và hỗn loạn

Phát biểu tại phiên họp cấp cao của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ về “Quản trị toàn cầu thời hậu dịch Covid-19”, ông Guterres cho biết, hơn 30 triệu người trên thế giới đã mắc Covid-19, trong đó gần 1 triệu người tử vong, đây là hậu quả của việc thiếu sự sẵn sàng ứng phó, sự hợp tác và đoàn kết ở cấp toàn cầu.

Theo ông Guterres, đại dịch là hồi chuông cảnh tỉnh về những thách thức thậm chí thảm khốc hơn có thể xảy ra trong tương lai, mà trước tiên là cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký LHQ cảnh báo, nếu thế giới gặp phải những vấn đề này với tình trạng không đoàn kết như hiện nay thì những điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra.

“Cần đổi mới tư duy về quản trị toàn cầu và chủ nghĩa đa phương để phù hợp với thế kỷ XXI, sẵn sàng ứng phó với mọi thách thức” - ông Guterres nhấn mạnh và cho rằng thế giới hiện nay không còn cơ chế lưỡng cực hay đơn cực mà thay vào đó đang hướng đến cơ chế đa cực. Đại dịch Covid-19 cho thấy thế giới cần phải cùng nhau đoàn kết hành động bởi “không có lựa chọn nào khác: hoặc cùng vì mục đích chung, hoặc sẽ bị nghiền nát bởi sự chia rẽ và hỗn loạn”.

Phát biểu của ông Guterres được coi là “hồi chuông cảnh tình nhân loại” khi đại dịch Covid-19 đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Đặc biệt với châu Âu, khi mùa Đông đã đến rất gần. Khi đo, nền nhiệt hạ xuống, là điều kiện để vius SARS-CoV-2 cũng như virus cúm mùa phát triển. Nếu điều đó diễn ra thì châu Âu sẽ phải đối mặt với “đại dịch kép” mà hậu quả là không thể biết trước.

Châu Âu vật lộn với làn sóng Covid thứ 2

Khi mà thế giới đang tìm cách hàn gắn để cùng chung sức chống Covid-19, thì châu Âu lại đang “vật vã” với đại dịch này.

Các nhà kinh tế học từng dự báo, Eurozone sẽ hồi phục trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã làm lung lay mức triển vọng này. Nhiều Chính phủ ở châu Âu đã đưa ra lệnh phong tỏa mới, hoặc giảm tốc mở cửa lại nền kinh tế do số ca lây nhiễm Covid-19 tăng mạnh.

“Khả năng suy thoái kép đang tăng cao” - ông Carsten Brzeski, một chuyên gia kinh tế chia sẻ với CNBC. Theo ông, dự báo trong vài tuần tới, sẽ có thêm nhiều khu vực bị siết phong tỏa, ngoài thành phố Madrid, Tây Ban Nha và thành phố Lyon nước Pháp.

Theo thông báo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Âu, hiện mỗi ngày châu lục này có trên dưới 10.000 ca mắc mới. Vì thế, ông Chris Williamson - Kinh tế trưởng tại IHS Markit cảnh báo: “Rủi ro suy thoái kép rất lớn” trong quý IV/2020.

Số liệu công bố cho thấy, đà phục hồi tại Eurozone đã chững lại trong tháng 9. Chỉ số PMI tổng hợp (theo dõi cả lĩnh vực dịch vụ và sản xuất) chỉ đứng tại 50,1 - thấp nhất 3 tháng. “Bước sang quý IV, chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều lệnh hạn chế và chúng sẽ thực sự kìm hãm tăng trưởng”- theo ông Williamson.

Trong quý II/2020, GDP Eurozone giảm 11,8% - thấp nhất kể từ năm 1995. Các nền kinh tế lớn nhất của khối đều giảm ở mức hai chữ số. GDP Đức giảm 10,1%; Italy giảm 12,4%; Pháp giảm 13,8%; và Tây Ban Nha giảm 18,5%.

Theo Reuters, nền kinh tế Đức đang trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm 1970. Chính phủ Đức đã buộc phải khởi động các chương trình hỗ trợ quy mô lớn nhằm trợ cấp cho các công ty với cam kết “có đi có lại” để duy trì việc làm người dân.

Mối lo cú sốc kinh tế nặng hơn gây ra bởi việc siết phong tỏa đã khiến chứng khoán châu Âu bị bán tháo trong vòng 5 ngày qua. Cathal Kennedy - Kinh tế trưởng khu vực châu Âu cho biết, các biện pháp hạn chế mới “sẽ một lần nữa ảnh hưởng chủ yếu đến ngành dịch vụ” và sẽ khiến hoạt động kinh tế chậm lại trong những tháng tới.

Trong khi đó, các cố vấn khoa học tại Anh cho biết đến giữa tháng 10, nước này có thể ghi nhận 50.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. “Tốc độ lây nhiễm tăng sẽ kìm hãm đà hồi phục của ngành dịch vụ, cho thấy con đường phía trước với Anh sẽ rất khó khăn”, Ambrose Crofton - chiến lược gia thị trường tại JPMorgan Asset Management nhận xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại dịch Covid-19: Hồi chuông cảnh tỉnh nhân loại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO