Đại dịch Covid-19: Quá sớm để dỡ bỏ hạn chế

Hà Anh 14/04/2021 06:37

Sau hơn một năm bùng phát đại dịch Covid-19, thế giới như dần lấy lại được thế cân bằng khi từng bước đẩy lùi dịch bệnh bằng các biện pháp giãn cách xã hội, truy vết nguồn bệnh và đặc biệt là phát triển nhiều loại vaccine có hiệu quả.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một dịch bệnh có diễn biến rất phức tạp, nên việc một số nước buông lỏng chống dịch ở thời điểm này là quá sớm và nguy hiểm.

Kêu gọi đóng cửa trở lại

Ngày 12/4, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngừa ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), Tiến sĩ Rochelle Walensky, cho rằng Michigan nên “đóng cửa mọi thứ”, trong bối cảnh bang thuộc vùng Đông Bắc này đang phải đối phó với sự gia tăng quá cao các trường hợp mắc mới Covid-19.

Phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày của Nhóm ứng phó dịch bệnh Covid-19 của Nhà Trắng, TS Walensky cho rằng nếu chỉ tăng cường tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 không phải là giải pháp cho tình trạng hiện tại ở bang Michigan.

Ông Walensky nói: “Khi gặp một tình huống cấp bách, một số lượng cao bất thường các trường hợp nhiễm bệnh mới như ở Michigan, câu trả lời không nhất thiết là phải tiêm vaccine. Thực tế, phản ứng miễn dịch do vaccine tạo ra có độ trễ nhất định. Câu trả lời cho tình hình hiện tại là đóng cửa mọi thứ, quay trở lại với các giải pháp đã thực hiện vào mùa Xuân và mùa Hè năm ngoái để làm phẳng đường cong đồ thị dịch bệnh, giảm tiếp xúc với nhau và tăng cường truy vết tiếp xúc”.

Trong khi đó, Thống đốc Gretchen Whitmer tiếp tục thúc đẩy chính quyền Tổng thống Joe Biden phân bổ thêm liều lượng vaccine ngừa Covid-19 cho bang Michigan để chống lại cuộc khủng hoảng đang diễn ra.

Trả lời phỏng vấn Truyền hình CBS News cùng ngày, bà Whitmer cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm bệnh ở Michigan dù trên thực tế đã áp dụng một số chính sách mạnh nhất như quy định đeo khẩu trang, giới hạn sức chứa và làm việc tại nhà. Tôi đã yêu cầu bang của mình tạm dừng hoạt động trong hai tuần. Vì vậy, chúng tôi thực sự khuyến nghị Chính phủ liên bang nghĩ đến việc tăng cường phân bổ vaccine cho bang Michigan. Tôi sẽ tiếp tục tranh đấu cho người dân Michigan”.

Tại châu Á, với việc ghi nhận thêm gần 1.000 ca mắc Covid-19 trong ngày, Chính phủ Thái Lan cũng đang kêu gọi người dân tránh tụ tập đông người trong dịp Tết Songkran.

Giới chức Thái Lan cho biết đã ghi nhận tổng cộng 4.641 người mắc Covid-19 chỉ trong hai tuần qua, nâng tổng số người nhiễm lên 33.610, trong đó 97 người đã chết. Đợt bùng phát diễn ra ngay trước Tết cổ truyền Songkran của Thái Lan, buộc Chính phủ ra lệnh cấm tổ chức hoạt động té nước trên đường phố trong năm thứ hai liên tiếp.

“Dịch bệnh đang lây truyền rất nhanh và xuất hiện ở nhiều tỉnh trên khắp cả nước. Xin hãy cẩn thận và tránh những nơi đông người, đặc biệt là trong dịp lễ Songkran” -Tổng Giám đốc Cơ quan Kiểm soát bệnh tật Thái Lan (DDC) Opas Karnkawinpong nói trong cuộc họp báo ngày 12/4.

Những quán rượu và cửa hàng karaoke tại Bangkok và 40 tỉnh sẽ phải đóng cửa đến ngày 23/4. Quan chức y tế Thái Lan cho rằng biện pháp này sẽ giảm đáng kể tốc độ lây nhiễm, cảnh báo kịch bản xấu nhất có thể khiến nước này đối mặt với hơn 28.000 ca nhiễm mới hàng ngày.

Việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch trong thời điểm này là quá sớm đối với một số nước. (Ảnh minh họa).

Cảnh báo

Ngày 12/4, phát biểu tại buổi họp báo hàng tuần về đại dịch Covid-19 tại trụ sở tổ chức này ở Geneva (Thụy Sỹ), Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus lên tiếng cảnh báo đại dịch Covid-19 còn lâu mới kết thúc khi tại nhiều quốc gia, chính quyền và người dân ngày càng tỏ ra chủ quan, lơi lỏng với đại dịch.

Theo người đứng đầu WHO, sự rối loạn trong chính sách của các chính phủ cũng như sự thỏa mãn, buông lỏng của dân chúng các nước đang khiến cho đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại tại nhiều khu vực trên thế giới và điều này khiến cho đại dịch Covid-19 còn lâu mới có thể chấm dứt.

Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh: “Trong tháng 1 và tháng 2 năm nay, thế giới đã chứng kiến số ca nhiễm giảm trong 6 tuần liên tiếp. Nhưng hiện nay số ca nhiễm đã gia tăng liên tục trong vòng 7 tuần, số ca tử vong cũng đã tăng liên tiếp 4 tuần. Nhiều nước tại châu Á và Trung Đông đang có số ca nhiễm tăng rất nhanh. Tất cả những điều này diễn ra bất chấp thực tế là hiện đã có trên 780 triệu liều vaccine được tiêm trên toàn thế giới”.

Trong khi đó, bà Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, cho biết: “Chúng ta hiện trong thời điểm quan trọng của đại dịch. Quỹ đạo của đại dịch đang phát triển theo cấp số nhân”.

Bà Kerkhove chia sẻ, đây không phải là tình huống chúng tôi chờ đợi trong 16 tháng kể từ khi đại dịch bùng phát, dù chúng tôi đã chứng minh được các biện pháp kiểm soát. Đây cũng là lúc mọi người phải xem xét tình huống cẩn thận và kiểm tra thực tế xem chúng ta cần phải làm gì. Vaccine và tiêm chủng đang có sẵn, nhưng không phải ở mọi nơi trên thế giới.

Chia sẻ vaccine

Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) hôm 12/4 kêu gọi các quốc gia đang dư thừa vaccine Covid-19 nhanh chóng chia sẻ với các nước đang thiếu hụt.

Tại cuộc họp thảo luận về tầm quan trọng của việc chia sẻ vaccine, Chủ tịch WB David Malpass bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với Liên minh GAVI về chiến lược năm 2022, bao gồm việc mở rộng năng lực sản xuất vaccine cho các nước đang phát triển.

Người đứng đầu WB cũng thẳng thắn chia sẻ về tính cấp thiết trong việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 để ngăn chặn đợt dịch kế tiếp và hạn chế thiệt hại kinh tế.

Về mặt tài chính, Ngân hàng Thế giới cũng thông báo đã cam kết 1,7 tỷ USD trong số 12 tỷ USD trong gói hỗ trợ phát triển, phân phối và sản xuất vaccine ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Dự kiến khoảng 4 tỷ USD tiếp theo sẽ được phê duyệt vào tháng 6.

Gói hỗ trợ này sẽ được sử dụng trong việc hỗ trợ sáng kiến phân phối vaccine COVAX, đồng thời mua các liều vaccine bổ sung cho các nước thu nhập thấp, hướng tới mục tiêu bao phủ vaccine cho 20% dân số cơ bản.

Trong bối cảnh bang Tây Nam Maharashtra tiếp tục là vùng dịch Covid-19 lớn nhất tại Ấn Độ, chính quyền bang này đã quyết định xây dựng khẩn cấp 3 siêu bệnh viện dã chiến tại thành phố Mumbai - thủ phủ của bang cũng là thủ đô tài chính của Ấn Độ. Việc xây dựng này sẽ được tiến hành trong vòng 5- 6 tuần tới. Các cơ sở y tế này sẽ được phân bổ tại 3 địa điểm khác nhau xung quanh Mumbai. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng yêu cầu một số khách sạn 4 và 5 sao chuẩn bị chuyển đổi thành các trung tâm chăm sóc bệnh nhân Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại dịch Covid-19: Quá sớm để dỡ bỏ hạn chế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO