Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp

Khánh Duy 27/04/2020 07:15

Trong hôm 26/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng những người đã phục hồi vẫn có thể bị tái nhiễm Covid-19, trong lúc tổng số ca tử vong do căn bệnh này trên toàn cầu đã vượt mốc 200.000.

Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp

Một chuyến tàu shinkansen của Nhật Bản cập bến tại thủ đô Tokyo hôm 25/4 trong bối cảnh lạnh lẽo của dịch bệnh. (Nguồn: AFP).

Thế giới trên 200.000 ca tử vong

Mặc dù Chính phủ các nước trên thế giới, từ Sri Lanka, Bỉ cho tới Mỹ đã bắt đầu nới lỏng dần các lệnh giới hạn, nhưng đại dịch Covid-19 vẫn khiến gần một nửa dân số thế giới ảnh hưởng bởi các lệnh hạn chế di chuyển hoặc phong tỏa. Tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới đã lên tới 2,88 triệu, trong khi số ca tử vong vượt mốc 200.000, tức cao gấp đôi so với con số ghi nhận vào ngày 10/4.

Tổng số ca tử vong vẫn tiếp tục tăng với tỷ lệ 3 - 4% mỗi ngày trong suốt 10 ngày qua, mặc dù tỷ lệ này đã giảm so với thời điểm đầu tháng. Con số tử vong thực tế được dự báo là sẽ cao hơn do nhiều nước vẫn chưa tính số ca tử vong trong các nhà dưỡng lão và nhiều địa điểm khác ở bên ngoài bệnh viện.

Châu Âu, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch Covid-19, đã ghi nhận 122.171 ca tử vong do căn bệnh này. Mỹ hiện là nước có số ca tử vong cao nhất với 53.449 ca, tiếp đến là Italy với 26.384 ca, Tây Ban Nha 22.902 ca, Pháp 22.614 ca và Anh 20.381 ca.

Ở châu Á, chính quyền Trung Quốc không ghi nhận thêm ca tử vong do Covid-19 trong ngày 26/4, tức ngày thứ 11 liên tiếp ở nước này.

Trong khi đó, toàn thế giới đang chờ đợi các công ty và chính phủ chạy đua phát triển các phương thức điều trị, hoặc vaccine phòng bệnh. “Hiện chưa có bằng chứng cho thấy những người đã khỏi bệnh Covid-19 và có kháng thể không bị tái nhiễm”- WHO đưa ra cảnh báo về khả năng tái nhiễm.

Cơ quan này cảnh báo rằng những người đã khỏi bệnh thường có tâm lý phớt lờ các khuyến cáo y tế, như đeo khẩu trang, bởi tin rằng họ không thể bị nhiễm bệnh hoặc lây truyền cho người khác nữa. Cảnh báo được đưa ra trong lúc một số nước nghiên cứu về biện pháp phát “hộ chiếu miễn nhiễm” cho những người đã hồi phục, để những người này trở lại làm việc bình thường.

Diễn biến dịch tại châu Á

Singapore trong hôm 26/4 báo cáo có thêm 931 ca nhiễm Covid-19, theo Bộ Y tế nước này, nâng tổng số ca lên 13.624. Đa số ca nhiễm mới là những lao động nhập cư đang sống trong các ký túc xá. 15 trong số ca nhiễm mới là người định cư ở Singapore.

Quốc đảo nhỏ 5,7 triệu dân giờ đang là một trong những nơi có tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất khu vực châu Á, theo các con số thống kê chính thức, do đại dịch bùng phát trở lại ở các khu nhà ký túc dành cho hơn 300.000 lao động đến từ các nước ở khu vực Nam Á.

Tại Nhật Bản, Chính phủ đang ra hết sức cân nhắc về kế hoạch gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, dự kiến là vào ngày 6/5.

Mặc dù số ca nhiễm mới hàng ngày ở Osaka và Tokyo đã bắt đầu giảm, nhưng giới chuyên gia nói rằng mức độ giảm này không nhanh như mong đợi - theo kênh truyền hình NHK. Hơn 100 ca nhiễm mới vẫn được báo cáo hàng ngày tại Tokyo trong suốt 2 tuần lễ, trong khi số ca tử vong ở thành phố thủ đô đã vượt 100 trong hôm thứ Bảy tuần trước.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp áp dụng cho 7 khu vực vào ngày 8/4, và sau đó mở rộng nó ra toàn quốc.

Trung Quốc trong hôm 26/4 xác nhận có thêm 11 ca nhiễm mới Covid-19 và không có thêm ca tử vong nào trong vòng 11 ngày liên tiếp. Hiện nước này có tổng cộng 82.827 ca nhiễm và số ca tử vong là 4.632. 5 trong số các ca nhiễm mới đến từ tỉnh Hắc Long Giang, gần khu vực biên giới với Nga, 1 ca khác được ghi nhận tại tỉnh Quảng Đông. 5 ca còn lại là các ca ngoại nhập.

Trung Quốc nói rằng họ cũng ghi nhận thêm 1.000 ca dương tính với virus corona chủng mới nhưng không có triệu chứng. Những người này đang được theo dõi y tế dù không được tính vào số ca nhiễm chính thức.

Trước những cáo buộc WHO chậm chạp và che giấu thông tin đại dịch Covid-19, Tổng Giám đốc WHO- ông Tedros- nói rằng cơ quan này đã báo động về virus Corona chủng mới ngay từ đầu và “không giấu Mỹ thông tin gì về dịch bệnh do virus này gây ra”. Ông Tedros cũng khẳng định không có bí mật nào tại cơ quan LHQ này sau khi WHO bị phía Mỹ chỉ trích là không cảnh báo đủ mạnh về sự bùng phát của dịch Covid-19 ngay từ đầu ở Trung Quốc. Tổng Giám đốc WHO giải thích rằng sự có mặt của các đại diện Mỹ làm việc tại trụ sở của WHO ở Geneva đồng nghĩa cơ quan này không che giấu điều gì với Washington. WHO cho biết có 15 nhân viên đến từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã làm việc với WHO liên quan tới phản ứng với Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO